18/07/2012 07:26 GMT+7

Khai thác đất trái phép

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TT - Chuyện này xảy ra công khai ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khi những doanh nghiệp trúng thầu san lấp mặt bằng ở siêu dự án Formosa đang chạy nháo nhào tìm mua đất.

wMbflkAG.jpgPhóng to
Khai thác đất trái phép ở đồi Cụp Bưởi, xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh)

Có mặt tại quốc lộ 1A, đoạn qua ngã ba xã Kỳ Long (Kỳ Anh), chúng tôi chứng kiến hàng trăm chiếc xe ben chở đất chạy bạt mạng vào dự án Formosa làm bụi bay mù trời. Bám theo từng đoàn xe ben vừa đổ đất cho Formosa ra, chúng tôi đến xã Kỳ Phương (Kỳ Anh) và khá bất ngờ thấy xe cứ tấp vào các mỏ đá để ăn hàng...

Vừa dừng xe trước mỏ đá Hồng Sơn, chúng tôi thấy ba chiếc xe ben vừa ăn hàng chạy ra. Nhìn lên mỏ đá chỉ thấy đất bụi bay mù mịt, hai chiếc xe chuyên dụng đang múc đất đổ ào ào lên thùng những chiếc xe ben nằm chầu chực. Ông Ân, chủ mỏ đá Hồng Sơn, cho biết mỏ đá của ông có trữ lượng khoảng 1 triệu m3 đất. Hằng ngày có rất nhiều xe vào, ra mua đất san lấp mặt bằng. Ông Ân ra giá: nếu người mua đưa máy đến múc lấy đất thì 5.000 đồng/m3, còn nếu ông cho máy đào xúc đất lên xe thì 10.000 đồng/m3.

Tại mỏ đá Phú Doanh, một ngọn đồi khoảng 4ha đã bị san bằng. Nhiều chỗ máy đã đào sâu đến 4-5m tạo nên những hố đất loang lổ. Nhìn quanh chúng tôi không thấy một dấu hiệu nào liên quan đến khai thác đá. Tương tự ở mỏ đá mồng 1-9, mỏ đá Trường Thành, doanh nghiệp cũng đang bốc đất phong hóa (lớp đất tầng phủ nằm phía trên) bán khiến những quả đồi bị đào bới giống như một đại công trường. Tại mỏ đá mồng 1-9, tuy có khoảng 4-5ha đồi nằm dưới chân núi dãy Hoành Sơn bị bạt bằng nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở đường lên núi tập trung xe tải, máy ngoạm, xúc đất bán...

Ông Phạm Huy Tường, phó Phòng TN-MT huyện Kỳ Anh, thừa nhận ngoài một số mỏ đá đang bán đất phong hóa, gây thất thoát tài nguyên và ô nhiễm môi trường, còn có một số người dân xin giấy tờ cải tạo vườn đồi, ao hồ nhưng thực chất bán đất trái phép. Theo ông Tường, phòng TN-MT đã bất lực trước nạn khai thác đất trái phép. Nhiều trường hợp khai thác đất trái phép bị đình chỉ, lập biên bản nhưng sau đó vẫn tái diễn vi phạm. Ông Tường còn cho biết một số cán bộ ở xã Kỳ Phương đã móc nối, tạo điều kiện cho người dân bán đất trái phép ở đồi Cụp Bưởi. Ngoài ra, xe của một số cán bộ xã còn vận chuyển đất trái phép đi bán.

Ông Võ Tá Đinh, giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh, cho biết nạn khai thác đất tràn lan ở Kỳ Anh là do dự án Formosa tiến hành san lấp mặt bằng không chịu xin cấp mỏ đất mà lại mua đất bên ngoài. “Đáng lẽ Formosa phải trình xin cấp mỏ đất để san lấp mặt bằng thì nay lại mua đất bên ngoài để được giá rẻ, khiến tình trạng khai thác, bán đất trái phép diễn ra ào ạt, cơ quan chức năng khó quản lý”, ông Đinh nói.

Theo quy định, các mỏ đá bán khoáng sản phụ đi kèm như đất phải đóng phí tài nguyên môi trường và thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ quan thuế ở địa phương vẫn chưa thu được đồng thuế nào từ các chủ mỏ đá bán đất phong hóa. Ông Phạm Huy Tường cho biết: “Muốn thu thuế phải biết mỏ đá có trữ lượng bao nhiêu. Các mỏ đá đang bán đất công khai ở Kỳ Anh không có thăm dò nên khó biết đường nào mà thu. Đây là sự quản lý lỏng lẻo về tài nguyên khoáng sản”.

VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên