07/02/2021 09:20 GMT+7

Đổ vỡ Nga - phương Tây nhìn từ Navalny

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Ngày 5-2, Nga tuyên bố trục xuất ba nhà ngoại giao Đức, Thụy Điển và Ba Lan với lý do tham gia các cuộc biểu tình phản đối việc bắt giữ ông Navalny.

Đổ vỡ Nga - phương Tây nhìn từ Navalny - Ảnh 1.

Chính trị gia đối lập Alexei Navalny trong phòng dành cho bị cáo khi nghe cáo trạng của tòa ở Matxcơva hôm 2-2-2021. Ông bị phạt 3 năm 6 tháng tù giam do “dính líu với một vụ gian lận thương mại” - Ảnh: Reuters

Tuyên bố này được đưa ra ngay trong thời điểm chuyến thăm của đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã cho thấy mức độ đổ vỡ trong quan hệ Nga - phương Tây.

Đồng thời, những diễn biến mới này cũng đặt dấu chấm hết cho những hi vọng về việc cải thiện quan hệ giữa hai bên vốn dĩ đã không thuận từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền.

Đối với các nước phương Tây, những gì đã diễn ra trong những vấn đề nội bộ như Navalny và trong quan hệ đối ngoại như Crimea đã đặt ra những ranh giới mà giới lãnh đạo Mỹ và EU dù muốn cũng không thể mạo hiểm vượt qua, nếu không muốn bị xem là thỏa hiệp.

Với việc công luận và chính giới phương Tây vốn có cách nhìn không thuận về cách hành xử của ông Putin, không có lãnh đạo phương Tây nào muốn đặt cược sự nghiệp của mình vào việc cải thiện quan hệ với Nga trong bối cảnh như vậy, dù ngay cả đó là người ủng hộ ông Putin nhiệt thành và dám hành động như cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hơn thế nữa, các nước phương Tây không muốn có bước đi nào với Nga mà có thể bị lợi dụng và ở chiều ngược lại cũng như vậy. Với sự nghi kỵ vốn có, cả hai bên đều lo ngại bất kỳ hành động nhân nhượng nào cũng dễ bị đối phương coi là xuống thang và có thể bị lợi dụng, lấn tới. 

Các nước Đông Âu thành viên của EU nhưng đồng thời cũng là láng giềng của Nga như Ba Lan, các nước Baltic với những bài học lịch sử đã có sẽ luôn phản đối bất kỳ động thái nhân nhượng nào từ EU mà không có hành động có đi có lại tương ứng từ phía Nga.

Còn nước Nga dưới thời Tổng thống Putin luôn hoài niệm về một Liên bang Xô viết hùng mạnh trong quá khứ khi mà bất kỳ sự can thiệp, áp đặt nào từ bên ngoài đối với các vấn đề nội bộ hoặc sự nhân nhượng nào trong các vấn đề đối ngoại đều bị coi là không chấp nhận được, thì bất kỳ hành động thỏa hiệp nào cũng có thể trả giá bằng sự đi xuống trong uy tín chính trị. 

Ngay cả những chính đảng vốn ở vị thế đối lập với Tổng thống Putin trong nhiều vấn đề nhưng cũng nêu ngọn cờ làm cho "nước Nga vĩ đại trở lại" để tập hợp lực lượng ủng hộ.

Đồng thời, với việc gần 10 năm trở lại đây sống trong nền kinh tế luôn đi xuống khi dầu mỏ và khí đốt, nguồn thu vốn chiếm tới 60% xuất khẩu và 30% GDP của Nga, mất giá và thu nhập trung bình đầu người liên tục giảm từ hơn 15.000 USD năm 2013 còn hơn 9.000 USD/người trong năm nay, những biện pháp trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây dù có thắt chặt hơn nữa sau vụ việc Navalny cũng khó có thêm nhiều tác dụng.

Với sự nghi ngờ, nghi kỵ lẫn nhau như vậy, vụ việc Navalny sẽ chỉ là mồi lửa làm nóng thêm mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" hiện nay. Vụ việc này đặt dấu chấm hết cho bất kỳ hi vọng nào về việc cải thiện quan hệ giữa Nga và phương Tây, nhưng cũng không vì thế mà làm mối quan hệ vốn đã ở mức rất thấp này xấu đi hơn nữa.

Đổ vỡ Nga - phương Tây nhìn từ Navalny - Ảnh 2.

Dữ liệu: BẢO ANH

Đức, Pháp, Ba Lan lên án Nga

Thông cáo ngày 5-2 của Bộ Ngoại giao Nga cho biết một số nhà ngoại giao Đức, Ba Lan và Thụy Điển sẽ bị trục xuất khỏi Nga vì tham gia "các cuộc tụ tập không được cấp phép". Đây là cách chính quyền Nga gọi những cuộc biểu tình ủng hộ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny kể từ khi ông bị bắt ngày 17-1.

Theo Matxcơva, việc các nhà ngoại giao Đức, Ba Lan và Thụy Điển tham gia các cuộc biểu tình trên là "không thể chấp nhận". Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu những người này rời khỏi Nga "càng sớm càng tốt" nhưng không nói rõ thời gian.

Phản ứng sau sự việc, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên án quyết định của Nga và gọi đây là một hành động "vô lý". Thủ tướng Đức kế đó ám chỉ khả năng áp các lệnh trừng phạt nhắm vào "bất kỳ người Nga nào".

Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập đại sứ Nga tại nước này và trao công hàm phản đối. "Phía Ba Lan hi vọng Nga sẽ thu hồi quyết định sai lầm này. Nếu không, chúng tôi sẽ có các hành động đáp trả thích hợp".

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thụy Điển khẳng định các cáo buộc mà Matxcơva đưa ra là không chính xác.

Mặc dù Nga không trục xuất nhà ngoại giao Pháp nào trong sự việc, Tổng thống Emmanuel Macron cũng lên tiếng thể hiện sự đoàn kết với Đức: "Tôi lên án mạnh mẽ các sự việc đã xảy ra, từ vụ đầu độc Navalny đến sự kiện Nga trục xuất các nhà ngoại giao".

BẢO DUY

Nga và châu Âu căng thẳng vì vụ biểu tình ủng hộ Navalny Nga và châu Âu căng thẳng vì vụ biểu tình ủng hộ Navalny

TTO - Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phản ứng mạnh mẽ, đe dọa trừng phạt bất kỳ người Nga nào. Ba Lan, Thụy Điển cũng lên tiếng ngay sau khi có thông tin các nhà ngoại giao của mình bị trục xuất.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên