25/09/2019 08:58 GMT+7

Đo thủ công, thông số ô nhiễm môi trường chậm 1 tháng

QUANG KHẢI thực hiện
QUANG KHẢI thực hiện

TTO - Ngày 24-9, ông Cao Trung Sơn - giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM) - đã cho biết như vậy tại buổi trả lời báo chí về tình hình ô nhiễm không khí ở TP.HCM những ngày qua.

Đo thủ công, thông số ô nhiễm môi trường chậm 1 tháng - Ảnh 1.

Sương mù trắng đục che mờ tòa nhà Landmark 81, Q.Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp ngày 22-9) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Theo ông Sơn, dù UBND TP đã có chủ trương xây dựng hệ thống quan trắc tự động từ năm 2016, vì nhiều lý do, đến nay việc này mới dừng lại ở khâu xây dựng đề án. Vì vậy, các thông số quan trắc về chất lượng không khí phải thuê các đơn vị làm dịch vụ, thực hiện theo hình thức thủ công.

Ông Sơn cho biết quy trình quan trắc được thực hiện một ngày hai lần vào một số giờ nhất định tại 34 vị trí ở các khu dân cư, khu công nghiệp, tuyến đường giao thông... Các mẫu, thông số tại các điểm quan trắc phải đưa về phòng thí nghiệm để phân tích, chạy mô hình... nên mất nhiều thời gian.

Ông Sơn cũng cho biết đã công khai tất cả kết quả quan trắc này trên website, các bảng quang báo. Tuy nhiên do việc quan trắc thủ công, gián đoạn, thông số về môi trường chậm khoảng 1 tháng so với thực tế. Ví dụ tháng 9 thì thông số môi trường công khai là kết quả quan trắc trong tháng 8.

Chúng tôi cố gắng có thể thông tin kết quả quan trắc chất lượng không khí chậm nhất 3 ngày sau khi xảy ra những vấn đề môi trường đặc biệt, người dân quan tâm.
Ông Cao Trung Sơn

* Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí trong những ngày qua còn do cháy rừng ở Indonesia. Theo ông, có đúng không?

- Hiện nay chưa có cơ sở để khẳng định điều đó. Vì sao? Nếu tình trạng khói bụi từ Indonesia lan sang thì đầu tiên các tỉnh thành khu vực ven biển như Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực đảo Tây Nam cũng phải bị tương tự như TP.HCM. Tuy nhiên những khu vực trên lại không ghi nhận được hiện tượng giống TP.HCM.

Hơn nữa tham khảo các mô hình dự báo về gió... cho thấy hiện gió mùa tây nam đang suy yếu, gió đông bắc cũng chưa mạnh lên. Do vậy nếu khói từ Indonesia có bay thì cũng bị thổi ngược ra Biển Đông chứ không về đến Việt Nam được.

* Vậy tình trạng trời mù mịt tại TP.HCM trong những ngày qua là dạng ô nhiễm gì?

- Tình trạng thời tiết tù mù những ngày qua trên địa bàn TP.HCM là dạng mù khô. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy tình trạng này lặp đi lặp lại vào thời điểm giao mùa. Hiện gió mùa tây nam đang suy yếu, gió đông bắc chưa mạnh lên. Độ ẩm trong không khí cao, trời lặng gió cũng tạo điều kiện bụi mù kết tụ.

Qua theo dõi từ năm 2015 đến nay, gần như năm nào cũng lặp lại tình trạng này vào khoảng tháng 9, tháng 10. Thời điểm xuất hiện mù khô này thường kéo dài trong một tuần rồi hết.

Tuy nhiên đây cũng là dạng ô nhiễm về bụi, khói. Một số kết quả quan trắc gần đây cho thấy trong không khí có sự xuất hiện bụi mịn PM 2.5 hay một số chỉ tiêu khác cũng cao hơn tiêu chuẩn quy định.

* TP.HCM đã có chủ trương xây dựng mạng lưới quan trắc không khí tự động từ năm 2016, nhưng đến nay việc quan trắc vẫn thực hiện thủ công. Vì sao lại có sự chậm trễ này?

- Từ cuối năm 2016, UBND TP có chủ trương xây dựng đề án phát triển tổng thể hệ thống quan trắc. Theo đó, hệ thống quan trắc này không chỉ về chất lượng không khí mà còn quan trắc mưa axit, chất lượng nước, độ lún... Riêng trong đó hệ thống quan trắc không khí sẽ thực hiện tại 18 vị trí.

Và giai đoạn sau năm 2020 sẽ thực hiện trước tại 9 vị trí, sau năm 2025 sẽ thực hiện những vị trí còn lại.

Theo đó, đề án này được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2020 và triển khai đấu thầu, lắp đặt thiết bị từ năm 2021.

Việc thực hiện chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tách Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường trực tiếp thuộc Sở Tài nguyên - môi trường chứ không thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường như trước đây. Quá trình chuyển giao chủ đầu tư thực hiện đề án trên có sự chậm trễ.

* Như vậy người dân TP vẫn phải tiếp tục xem những thông tin quan trắc cũ?

- Chúng tôi nhìn nhận công tác thông tin về môi trường cho người dân hay các cơ quan báo chí thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế, chậm. Nguyên nhân cũng do hiện nay việc quan trắc vẫn còn mang tính chất thủ công như kể ở trên.

Trong thời gian tới, đối với những vấn đề đặc biệt về môi trường như vừa rồi, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tốc độ quan trắc. Nhân vụ mù khô xuất hiện tại TP.HCM, chúng tôi đã quan trắc được chất lượng không khí đến ngày 20-9 và chúng tôi sẽ sớm công bố các thông tin này.

Khả năng lặp lại hiện tượng mù tại TP.HCM

Ở góc độ khí tượng, phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ Lê Đình Quyết nhận định tình trạng bầu trời TP.HCM "mù mịt" trong những ngày qua do hiện tượng mù.

Theo ông Quyết, hiện tượng này do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là độ ẩm không khí cao, bụi khói nhiều và hiện tượng nghịch nhiệt tạo ra. Lý giải cụ thể hơn, ông Quyết cho hay bình thường càng lên cao không khí càng giảm nhưng những ngày qua ngược lại. Chính vì nhiệt độ ở trên cao cao, trời ít gió nên làm cho lớp bụi mù luẩn quẩn trong các đô thị.

Mù này chứa nhiều khói bụi ô nhiễm nên gây ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt sự xuất hiện bụi mịn PM 2.5. Khuyến cáo người dân ra đường cần mang khẩu trang phù hợp.

Nhận định thời tiết trong những ngày tới, ông Quyết cho biết vào ngày 26 và 27-9, mưa tại TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng, qua ngày 28-9 mưa sẽ giảm dần.

Bụi mịn đe dọa sức khỏe người dân TP.HCM Bụi mịn đe dọa sức khỏe người dân TP.HCM

TTO - Những ngày gần đây, thời tiết tại TP.HCM xuất hiện sương mù dày đặc. Các chuyên gia cảnh báo thành phố đang đối mặt tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn, đe dọa sức khỏe mọi người, đặc biệt là trẻ em.

QUANG KHẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên