30/09/2021 10:38 GMT+7

Dìu nhau gượng dậy

NGHỆ SĨ QUYỀN LINH - LINH ĐOAN ghi
NGHỆ SĨ QUYỀN LINH - LINH ĐOAN ghi

TTO - Quá trình bình thường mới vẫn còn rất nhiều khó khăn và chúng ta phải chấp nhận thích ứng từ từ. Ai cũng mệt, không ai cứu mình được nên chỉ có trên tinh thần giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau.

Trưa 28-9, nữ ca sĩ Phi Nhung đã buông tay sau những ngày chống chọi với virus corona quái ác đang hoành hành khắp toàn cầu. Phi Nhung ra đi khi còn nhiều dự định nghệ thuật dang dở, bỏ lại những đứa con nhớ hơi ấm của mẹ, những hoạt động thiện nguyện với bạn bè...

Bao ước mơ, khao khát cống hiến bị dập tắt bởi đại dịch. Và Phi Nhung cũng trở thành một trong hàng ngàn người ở thành phố này ra đi một cách đau đớn như thế.

Trước khi từ giã cõi tạm, Phi Nhung cùng bao người khác đã dấn thân giữa tâm dịch vì cộng đồng, dù việc làm thiện nguyện lúc này cũng như "cá cược" mạng sống với COVID-19. 

Trong khoảng 20 năm với công tác thiện nguyện, đây có lẽ là lần đầu tiên tôi tham gia làm từ thiện một chặng đường dài như thế, suốt 4 tháng trời ròng rã không nghỉ ngày nào. Và đó có lẽ cũng là hành trình từ thiện nguy hiểm nhất tôi từng phải đối mặt, khi ngày nào mình cũng lao ra đường, đối diện với cả trăm, cả ngàn F0.

Hỏi có sợ không? Tôi sợ chứ! Và rất nhiều bạn bè, anh chị, nhóm từ thiện mà tôi quen biết họ cũng lo lắng. Ban ngày xông xáo ra đường chớ tối về là trằn trọc, mất ngủ không biết mình có an toàn không, rồi cứ phấp phỏng 2, 3 ngày test nhanh, không bị "dính" mới thở được hơi ra.

Nhưng lo vậy chứ sáng ra nhớ là mình còn hẹn đem sữa tới chỗ này cho tụi nhỏ, đem gạo tới chỗ kia cho dãy nhà trọ, vậy là lục tục chuẩn bị, lại chạy. Tin nhắn cứ teng teng cầu cứu, thế là cứ đi.

Thôi thì mình còn khỏe trong khi có người phải khó nhọc từng hơi thở, bao nhiêu y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu ngày nào cũng căng mình làm việc, rồi nhìn bà con mừng rỡ, rớt nước mắt khi nhận từng món quà mình gửi, vậy là cứ chạy hoài trong hành trình đến với mọi người.

Càng đi nhiều càng thấy thương Sài Gòn, thương người Sài Gòn chịu quá nhiều mất mát trong đại dịch này. Nhà nước cũng đã nỗ lực nhưng cơn bão quá lớn, gây biết bao đau thương. Di chứng, tổn thương từ đại dịch có lẽ rất lâu mới được xoa dịu, bù đắp. 

Bao nhiêu người đã mất người thân oan uổng, bao nhiêu em bé phải mồ côi. Xót lắm!

Đến với người nghèo rồi mới thấy không ai muốn ngồi chờ để các nhà hảo tâm đến cho từng thùng mì, túi gạo đâu. Họ thực sự muốn được làm việc để có thể tự sống, tự nuôi bản thân. 

Sau ngày 30-9, nhiều người trông đợi được mở cửa để họ có thể làm việc, được kiếm tiền. Nhưng tôi nghĩ, bây giờ vẫn do COVID-19 quyết định nên chúng ta chỉ có thể mở cửa từ từ 30%, 50% chứ không thể 100%. 

Các nước mạnh, có vắc xin đầy đủ còn chưa làm được việc mở cửa hoàn toàn. Quá trình bình thường mới vẫn còn rất nhiều khó khăn và chúng ta phải chấp nhận thích ứng từ từ.

Nền kinh tế sau nhiều tháng tê liệt cũng mỏi mệt lắm rồi. Bao nhiêu doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Tôi cũng có một công ty riêng nên hết sức thấm thía điều đó. Ai cũng mệt, không ai cứu mình được nên chỉ có trên tinh thần giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau. 

Một doanh nghiệp ráng gượng đỡ nhẹ doanh nghiệp bạn. Mười doanh nghiệp gượng đứng lên sẽ đỡ dìu chừng 100 người bạn khác. Cứ vậy, trên tinh thần đoàn kết, đồng tâm đồng lực như cùng nhau kéo pháo lên đồi.

Hy vọng Sài Gòn sẽ lấy lại sức!

Hàng ngàn người không nhận tiền hỗ trợ: "Xuất phát từ tấm lòng muốn chia sẻ khó khăn" Hàng ngàn người không nhận tiền hỗ trợ: 'Xuất phát từ tấm lòng muốn chia sẻ khó khăn'

TTO - Hàng ngàn người dân các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Thạch Thành, TP Thanh Hóa... thuộc diện gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội, với mong muốn nhường cho người khó khăn hơn.

NGHỆ SĨ QUYỀN LINH - LINH ĐOAN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên