15/10/2021 08:02 GMT+7

Tạm biệt Sài Gòn!

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Cứu được hơn 600 bệnh nhân nặng, đây là một kỳ tích nếu biết rằng trung tâm hồi sức này nhận ca bệnh đầu tiên chỉ sau hai tuần thành lập.

Tạm biệt Sài Gòn! - Ảnh 1.

Các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn, Nghệ An vẫy tay chào tạm biệt Sài Gòn sau hơn hai tháng chi viện chống dịch COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Chúng tôi đã nhận điều trị 971 bệnh nhân nặng đến rất nặng từ các tuyến dưới, và cho xuất viện hơn 600 bệnh nhân, hiện còn lại 36 người..." - ông Lưu Quang Thùy, phó giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực - Bệnh viện dã chiến số 13 (Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM), tổng kết 63 ngày qua, hơn 600 lượt nhân viên y tế của các bệnh viện Việt Đức, Phụ sản trung ương, Bưu Điện làm việc tại trung tâm.

Hai tuần để những dãy nhà dựng lên từ bãi đất trống cỏ hoang ngập nước. Hai tuần để các y bác sĩ từ Hà Nội vào thành phố vắng lặng do giãn cách nghiêm ngặt, chạy ngược xuôi lo từ bộ bàn ghế, giường bệnh, máy thở cho đến chiếc vòng dây thun treo thẻ thông tin bệnh nhân...

Mỗi người bệnh - một cuộc đời

Trong buổi bàn giao chia tay sáng 13-10, giáo sư Trần Bình Giang, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nhắc lại: "27-7, nhận điện thoại của bộ trưởng y tế: giao Việt Đức vận hành một trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại TP.HCM, ngày 28-7 tôi lập tức bay vào. 

Hiện trường khu bệnh viện dã chiến 13 đang ngổn ngang cát đá, và chúng tôi có 10 ngày để thiết kế lại, chuyển đổi công năng, vừa sửa chữa vừa xây dựng, vừa nghiên cứu để đưa ra các quy trình vận hành tốt nhất cho bệnh nhân đồng thời bảo vệ cao nhất cho nhân viên y tế. 

Rồi trung tâm cũng thành hình. Ngày 5-8, các nhân viên y tế của Việt Đức đã lần lượt vào nhận nhiệm vụ. Ngày 11-8 đã bắt đầu nhận bệnh...".

Những ngày căng thẳng ấy sẽ còn khắc ghi trong ký ức của người dân TP.HCM và cả những nhân viên y tế đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Sơn La... Bác sĩ Lưu Quang Thùy bảo: "Không thể nào quên, không thể nào kể hết...". 

Ấy là những ngày xe cấp cứu đứng chờ hàng dãy dài trước cổng viện, ngày cũng như đêm, mà không chỉ có xe cấp cứu đưa bệnh nhân chuyển viện theo hệ thống, còn có những bệnh nhân đã tự đến viện bằng đủ mọi phương tiện, bằng nhiều cách khác nhau. 

"Có một người đàn ông loạng choạng chạy xe máy thẳng vào cổng, bảo vệ ngăn không kịp. Ông vào đến nơi thì ngã xe, các bác sĩ đỡ vào, đo SpO2 xuống thấp. Cấp cứu. Nhập viện. Thế nhưng chúng tôi không cứu được, ngày hôm sau ông mất. 

Lại có hôm nửa đêm, anh em điều dưỡng hốt hoảng báo cáo: một bệnh nhân mất tích. Nhân viên đổ đi tìm khắp trong viện không thấy. Báo với công an Bình Hưng, công an Bình Chánh, cuối cùng tìm thấy chị ấy trên đường quốc lộ 50, cách viện khoảng 500m. 

Hỏi, chị trả lời: cảm thấy đã qua được cơn nguy hiểm, nhớ nhà quá, muốn trốn viện về nhà. 

Lại có chị phụ nữ, mẹ mất, chị khóc khi nhận lại gói di vật: "Thiếu mất đôi khuyên tai gắn bó cả đời với má tôi". Nhân viên y tế phải tìm khắp khu giường của bệnh nhân vẫn không có, rồi phải tìm tận trong thi thể vẫn chưa kịp hỏa táng thì thấy đôi khuyên tai được bà đeo trên cổ tay...".

Mỗi bệnh nhân là một số phận, một cuộc đời, một gia đình như thế nên các y bác sĩ vừa xuống máy bay đã vội nhận ca trực, hết ca về khách sạn thì tiếp tục lên mạng học và tập huấn online để qua mỗi ngày lại trở nên giỏi hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn. 

Đến với bệnh viện dã chiến từ một mệnh lệnh của cấp trên, nhưng sự nỗ lực của họ thì không có mệnh lệnh nào mạnh hơn sinh mệnh của bệnh nhân cả.

Tạm biệt Sài Gòn! - Ảnh 2.

Những nhân viên y tế tăng cường vào TP.HCM của Bệnh viện Việt Đức cuối cùng rời khỏi Trung tâm hồi sức tích cực, lúc 12h ngày 13-10 - Ảnh: TỰ TRUNG

Lời cảm ơn hai chiều

Trong khi phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình nhắc đi nhắc lại lời thề Hippocrates để cảm ơn các y, bác sĩ tình nguyện thì họ lại rất nhiều lần cảm ơn ngược lại. 

Đó là những lần mang thiết bị y tế đến trao tặng, các bác sĩ bảo: "Thật không biết nếu không có sự hỗ trợ của người dân, tạo điều kiện của thành phố thì trung tâm sao có thể đi vào hoạt động sớm...". 

Đó là sự vui mừng của các bác sĩ khi bồn oxy kịp lắp đặt để đáp ứng nhu cầu người bệnh. Đó là những tin nhắn xúc động mà các bác sĩ chụp các hộp cơm được gài thêm tấm thiệp, hình vẽ, lời chúc thật dễ thương của người Sài Gòn, là lá thư của người xuất viện được bác sĩ xúc động lưu giữ...

Ông Lê Hòa Bình kể: "Buổi chiều bệnh viện mở cửa, đến tối bác sĩ Thùy đã gọi điện "Bệnh đông quá, nặng quá, tôi chịu hết nổi". Ngày nào tôi cũng đi ngang qua để xem, thấy xe cấp cứu chạy đến tấp nập, thấy dãy nhà tôn như phát sáng dưới nắng, nghĩ trong đó không có cái máy lạnh nào, anh em thì bít bùng trong bộ bảo hộ, không chịu nổi thật. Thế nhưng mọi người đã chịu nổi, chúng ta đã cùng với thành phố vượt qua...". 

Còn bác sĩ Trần Bình Giang thì cho biết: "Nhân viên của chúng tôi vẫn còn muốn cống hiến tiếp, gắn bó tiếp cho đến khi nào thành phố thật sự hết dịch, thật sự khỏe, trung tâm thật sự hết bệnh nhân. Nhưng viện chúng tôi lại mới nhận nhiệm vụ xây dựng và điều hành một trung tâm hồi sức tích cực tại Hà Nam nên đành chấp hành rút quân sớm".

"Tạm biệt Sài Gòn", các bác sĩ, điều dưỡng Việt Đức viết lên bộ bảo hộ trong ca trực cuối cùng. "Hẹn gặp lại khi thành phố thật sự hồi sinh, trở lại sôi động cả ngày cả đêm như những lời mà người nào yêu Sài Gòn cũng kể" - Trang, một nhân viên của bệnh viện, vừa thu dọn đồ đạc vừa nói...

Người trở về - Người ở lại

Sáng 13-10, Trung tâm hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (đặt tại Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) đã tổ chức lễ bàn giao cho Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM.

Chiều nay 15-10, Trung tâm hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Bạch Mai đặt tại quận 7, TP.HCM cũng sẽ tổ chức lễ bàn giao lại cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Riêng Trung tâm hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế (đặt tại Tân Phú) vẫn chưa có kế hoạch bàn giao lại cho Bệnh viện Nhân dân 115. Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết tình nguyện quyết tâm bám trụ lại để hỗ trợ ngành y và người dân TP.HCM cho đến khi dịch hết hẳn và cuộc sống hoàn toàn trở lại bình thường.

Chia tay, ai cũng rưng rưng...

dp_bacsi_rutquan_3 1(read-only)

Tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM đã cơ bản được kiểm soát, nhiều ngày nay các đoàn y tế chi viện đã rút dần lực lượng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hẹn gặp lại Sài Gòn khi "lành vết thương" - là lời gửi gắm của bác sĩ Trần Hữu Kỳ (Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn, Nghệ An) khi phải chia tay Sài Gòn sau hơn 2 tháng chi viện chống dịch COVID-19. Anh và các đồng nghiệp được phân công vào đội phản ứng nhanh số 4 quận Phú Nhuận, chuyên cấp cứu, vận chuyển các trường hợp F0.

"Thời điểm đầu có lẽ là khoảng thời gian khốc liệt nhất đối với tôi, có ngày chạy 20 - 25 chuyến trong khi vừa đặt chân xuống thành phố, chưa thạo đường. Đôi lúc, chưa kịp chuyển bệnh nhân đến bệnh viện đã có thông báo ca khác cần cấp cứu.

Nhưng những ngày gần đây khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, ai nấy cũng mừng cho Sài Gòn và cũng vui vì chính bản thân mình sắp được đoàn tụ với gia đình.

Hơn 60 ngày tham gia chống dịch có lẽ sẽ là khoảng thời gian quý báu và đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm nghề của tôi" - bác sĩ Hữu Kỳ tâm sự. Anh cho biết thêm, nhất định sẽ trở lại Sài Gòn một ngày gần nhất cùng với gia đình nhỏ của mình.

Trong giờ phút chia tay Sài Gòn, bạn Ngọc Ánh - sinh viên Trường cao đẳng Dược trung ương Hải Dương - bật khóc nức nở. Ngọc Ánh và các bạn của mình được phân công về trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM) để giúp người dân tiêm ngừa, lấy mẫu xét nghiệm.

"Đây là chuyến đi ý nghĩa nhất cuộc đời của tôi. Đến với TP.HCM, tôi mang theo những kiến thức chuyên môn đã được học để cùng tiếp sức cho nơi đây.

Hơn 2 tháng, khoảng thời gian không dài, không ngắn nhưng được cùng làm việc, cùng chia sẻ cuộc sống những ngày xa nhà cũng đủ để tôi có tình cảm và thêm gắn bó, trân trọng các anh chị đồng nghiệp tại thành phố mang tên Bác" - Ngọc Ánh xúc động tâm sự.

Nhìn hình ảnh các anh chị đồng nghiệp ra tận sân bay để tiễn đoàn, cô gái nhỏ không kìm được nước mắt, cô trân trọng những ngày tháng vừa qua đã cho mình sống một thời tuổi trẻ không uổng phí.

Nhiều ngày nay, các đoàn y tế hỗ trợ chống dịch đã có mặt ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), háo hức trở về nhà. Họ là nhân viên y tế, y bác sĩ của rất nhiều đoàn chi viện chống dịch cho TP.HCM thời gian qua: Cao đẳng Dược trung ương Hải Dương, đoàn y tế Bắc Kạn, y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đoàn y tế tỉnh Bắc Giang...

Ai cũng mang trong mình một tâm trạng khó tả sau chuyến công tác đặc biệt này.

DUYÊN PHAN

Chuyến đi của tuổi trẻ Chuyến đi của tuổi trẻ

TTO - Ngày làm việc cuối cùng của đôi vợ chồng Đông - Vân cùng với 29 y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu (Nghệ An) ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) cũng là ngày hoạt động cuối cùng của khu cách ly nơi cả hai tham gia chống dịch suốt hai tháng qua.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên