05/05/2025 06:40 GMT+7

'Định mệnh' cảm động: Đồng đội cứu ở chiến trường và 'cứu lại' con trai đồng đội trong thời bình

Được đồng đội cứu trong chiến trường và thời bình lại cứu chính con trai người đồng đội ấy thoát bệnh hiểm nghèo, một sự trùng lặp lạ kỳ. Cựu binh Nguyễn Trọng Bồi chiêm nghiệm cơ duyên đời mình như chuyện cổ tích.

đồng đội - Ảnh 1.

Gia đình ông Bồi đưa đồng đội ân tình đi thăm Hà Nội năm 1996 (từ trái sang: ông Bồi, ông Quyên, bố đẻ ông Bồi và vợ con ông Bồi) - Ảnh: NVCC

"Trong chiến trận, tình đồng đội là nghĩa tình thiêng liêng mà chỉ người trong cuộc mới cảm thấy", ông Bồi (71 tuổi) đúc kết kỷ niệm thời chiến binh trong ngôi nhà rợp bóng cây ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Cuộc đời người lính giống như hai tập phim, trong chiến tranh là tập một, trở về cuộc sống hòa bình là tập hai. Hai tập phim của cuộc đời đều do bản thân mình làm đạo diễn, kiêm diễn viên và cố gắng để làm thật tốt hai vai đó.
Cựu binh NGUYỄN TRỌNG BỒI

Không bỏ đồng đội ở lại với vết thương

Nhập ngũ thời miền Nam đang đỏ lửa - ngày 15-9-1972, ông Bồi là lính tiểu đoàn 7, trung đoàn 3, sư đoàn 5. Đây là đợt tuyển quân tăng cường cho chiến trường ngày càng khốc liệt.

Ở trận Thủ Thừa, Long An, ông Bồi bị mảnh pháo cắt gọn đường gân chính duy nhất điều khiển bàn chân trái khiến ông không thể di chuyển. Và nếu ông cứ nằm bẹp như thế, không trúng phải bom rơi, đạn lạc thì cũng sẽ bị bắt bất cứ lúc nào.

Chính giờ phút nguy nan ấy, người trung đội trưởng Lê Viết Quyên, quê Thanh Hóa, đã bất ngờ xuất hiện cứu ông đang oằn người vì vết thương. 

Ông Bồi nhớ: "Lúc đấy tôi nặng hơn đồng đội nhiều, tôi nói ông ấy cứ bỏ tôi lại. Thế nhưng ông ấy quát tôi im lặng và cố dìu tôi từng bước một đến bến sông, đưa lên một chiếc thuyền trở về tuyến sau để điều trị. Sau này tôi cứ nghĩ, hành động đó hơn cả trách nhiệm người chỉ huy, đó là tình đồng đội, tình người!".

Trở về từ cuộc chiến, đội quân của ông chỉ còn vẻn vẹn 100 người trong tổng số 600 lúc xuất trận. Số ít ỏi đó hiếm ai còn lành lặn, nếu không bị thương nặng thì cũng bị thương nhẹ. Vết thương ông Bồi được điều trị tốt nên rất may không phải ngồi xe lăn suốt đời.

Ông Bồi nói trong niềm hân hoan như tuổi trẻ bỗng quay trở về rạo rực: "Chúng tôi kết thúc tập một của đời người lính ở cái tuổi 18 đôi mươi như thế, cho đến giờ vẫn còn tự hào lắm, mình đã làm được điều gì đó cho Tổ quốc".

đồng đội - Ảnh 2.

Dũng được vợ chồng người đồng đội ân tình của bố mình cứu mạng và đưa đi du lịch thác Bản Giốc

Cứu con trai đồng đội

Chiến tranh kết thúc, chẳng biết ai còn, ai mất. Ông Bồi luôn mong tìm lại được người đồng đội đã cứu mình năm xưa. 

"Tôi chỉ nhớ đồng đội ấy quê biển Thanh Hóa. Bởi một lần chúng tôi chơi bài trong đơn vị, có luật chơi thế này, nếu ai thua, người đó phải nói một câu như tôi tên là..., năm nay bao nhiêu tuổi..., quê quán..., nay tôi thua, xin được chia bài phục vụ các bạn. Thế là tôi nhớ ra, còn tuyệt nhiên không biết vùng biển đó vùng nào, Thanh Hóa thì có cả trăm km bờ biển", ông Bồi nhớ lại.

Từ Hà Nội vào Thanh Hóa gần 200km. Ông Bồi cứ đi xe máy lần tìm như thế đến lần thứ 3, thứ 4 thì có tin tức. Mừng nhất là đồng đội còn sống, nhưng gia cảnh nghèo, là một ngư dân chất phác. 

Ông Bồi bàn với vợ để tặng gia đình đồng đội chiếc tivi đen trắng, khi đó gia đình ông cũng chỉ xem tivi này. Đêm đến, cả xóm đồng đội đến xem phim đông vui, họ gọi điện báo ông như vậy.

Gặp nhau năm 1996, một năm sau ông Bồi nghe hung tin đồng đội qua đời sau khi bị cảm. Liên tiếp tai họa giáng xuống gia đình người chiến sĩ, ngư dân nghèo đó. Cậu con út tên Dũng (22 tuổi) mắc viêm tủy gây liệt toàn thân nếu không được mổ kịp thời sẽ chết nay mai.

Vợ chồng ông Bồi quyết định táo bạo mang Dũng ra Hà Nội mổ, "còn nước còn tát". Ông Bồi liên hệ trước với bác sĩ cho xe chở thẳng vào sảnh bệnh viện. Ban đầu là Bệnh viện Bạch Mai, nhưng khi hội chẩn chính xác thì Bạch Mai lúc ấy lại không thể mổ được.

Họ được giới thiệu sang Bệnh viện Lao phổi trung ương, vì liên quan u lao tủy. Ông Bồi lại tiếp tục viết "tâm thư" cho trưởng khoa mổ của Bệnh viện Lao phổi. Mặt khác, ông đổi địa chỉ hồ sơ của Dũng, ghi quê quán tại địa chỉ gia đình của ông ở Hà Nội để mong xét thủ tục cho nhanh.

Bác sĩ Tọa trưởng khoa cũng là cựu binh, biết không đúng địa chỉ nhưng vẫn quyết định mổ sớm, vì bệnh không thể trì hoãn. Bác sĩ Tọa nói cơ hội 50/50, nếu thành công Dũng có thể bị vô sinh và ngồi xe lăn cả đời. Ông Bồi đồng ý mổ.

Ca mổ sáng hôm ấy trời mưa to, ông Bồi ngồi đợi từng giây. Năm tiếng đồng hồ trôi qua, ông đứng ngồi không yên, trời đang mưa mà lưng áo vẫn đẫm mồ hôi. 

"Khi bác sĩ Tọa bước ra khỏi phòng, bước đến gặp tôi nói "ông à, tôi thông báo với ông là ca mổ thành công hơn những gì chúng ta mong đợi đấy". Tim tôi đập loạn lên vì vui mừng", ông Bồi cười hạnh phúc, nụ cười mà ông đã từng cười cách đây nhiều năm khi nghe bác sĩ thông báo.

Sau đó, Dũng được đưa về Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa để phục hồi. Nhưng vợ ông Bồi thấy Dũng yếu quá, nhà lại nghèo nên bàn với chồng đưa về nhà mình để bồi dưỡng.

"Rất may Dũng khỏe lên dần, không bị ốm nặng lần nào nữa. Vì đã lớn nên học hành sẽ khó, tốt nhất cho Dũng tập lái xe. Ông ấy trực tiếp dạy, vài năm sau Dũng đủ sức khỏe và thi đậu bằng lái. Tôi xin cho Dũng vào làm lái xe kiêm bảo vệ ở chi nhánh Từ Liêm của Ngân hàng Chính sách. Dũng làm từ đó cho tới nay", bà Vân (vợ ông Bồi) cho biết.

Anh Lê Viết Dũng giờ khỏe mạnh, có gia đình riêng, có một trai một gái. Điều anh nhớ nhất về ân nhân, mà anh ví như người cha thứ hai đã sinh ra mình một lần nữa, khi lên bàn mổ giành sự sống với thần chết: "Lúc đó tôi chỉ độ hơn 20kg, ông bế tôi gọn lỏn trong vòng tay. Tôi ôm ông, bàn tay tôi đặt phía sau lưng thấy ướt nhoẹt, lưng ông túa mồ hôi đầm đìa. Tôi suốt đời mang ơn ông".

đồng đội - Ảnh 3.

Vợ chồng ông Bồi và vợ chồng, con cái của Dũng

Chỉ cần khối óc để nghĩ, đôi tay để làm

Chính ý chí người lính đã giúp ông Bồi làm việc và có điều kiện cứu con đồng đội mình. Rời quân ngũ, ông Bồi theo khóa học quản lý, và dù không học lớp chuyên ngành về điện nhưng ông lại mê say ngành này. Ông cũng là người biết dự tính thời cuộc.

Những năm 1980 - 1990, khi sản phẩm điện bắt đầu rộ lên như quạt điện, máy bơm nước, người dân sử dụng nhiều. Ông mày mò sửa chữa, tháo tung mọi thứ đồ điện gia đình ra để thực hành ngay cả khi nó còn... chạy tốt. Có thế, ông mới học được cách quấn mô tơ để sản xuất ra cái mới đem bán cho bà con.

"Nguyên liệu điện lúc đó rẻ lắm. Khi tôi đi qua Nhà máy điện Ba Vì, thấy đống phế thải toàn dây điện, cuộn biến thế họ đổ ngoài cổng công ty, tôi sung sướng nghĩ tiền của mình đây rồi. Tôi đi qua khu người ta bắn pháo hoa còn sót lại các thùng gỗ, tôi cũng nghĩ tiền của mình đây chứ đâu". Thế là ông xin mua hết với giá hời để về bắt đầu chế tạo.

Một mình ông ngày đêm với đôi tay trần, quấn mô tơ điện thủ công đến nỗi bàn tay tóe máu, đến giờ vẫn còn sẹo. Người đặt mua ngày càng nhiều, ông phải mở rộng xưởng và thuê thêm thợ. Gia đình nào khó khăn, ông chỉ lấy một nửa tiền, số tiền còn lại cho khất, khi nào có thì trả...

Có tiền từ bàn tay lao động, ông nghĩ đến việc mua đất, mua được giá rồi bán lại. Sau này thấy nhu cầu về nhà trọ, ông xây cho thuê. Hiện giờ ông có hơn 400m2 đất ở với vườn bưởi Diễn nổi tiếng.

Ở tuổi thất tuần, người cựu binh Nguyễn Trọng Bồi đã có một cơ ngơi mà nhiều người phải ao ước từ chính ý chí của người lính từng đổ máu ở chiến trường.

Cứu con trai đồng đội đã cứu mình năm xưa - Ảnh 4.Cựu chiến binh 76 tuổi rưng rưng lên tàu về nhà sau hành trình 1.300km bằng xe máy

Cựu chiến binh 76 tuổi lên tàu về Nghệ An, sau hành trình 1.300km đến TP.HCM bằng xe máy, hoàn thành tâm nguyện xem lễ diễu binh mừng 30-4.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên