13/03/2018 15:04 GMT+7

Dinh dưỡng cho sức khỏe và sắc đẹp

Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh

Khuynh hướng ngày nay người ta quan tâm hơn đến “làm đẹp từ bên trong cơ thể” vì cơ thể có khỏe thì người mới đẹp.

Dinh dưỡng cho sức khỏe và sắc đẹp - Ảnh 1.

4 nhóm thực phẩm chính cần thiết cho cơ thể con người. Ảnh: taringa.net

Muốn "làm đẹp từ bên trong cơ thể", cần "nuôi dưỡng" vẻ đẹp bắt đầu từ chế độ ăn uống hợp lý giúp cơ thể khỏe mạnh, sắc vóc, làn da đẹp. Chế độ ăn cân bằng nghĩa là phải đảm bảo cho cơ thể không bị thiếu dinh dưỡng đặc biệt là chất đạm, acid béo thiết yếu, chất chống oxy hóa, vitamin và khóang chất.

Để bảo đảm nhận đủ các chất dinh dưỡng thì cần ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Những người ăn thiên về một số loại thực phẩm và bỏ qua một số loại khác sẽ dễ bị thiếu dưỡng chất do không có loại thực phẩm nào, dù bổ dưỡng, có thể cung cấp đầy đủ tất cả các chất mà cơ thể cần.

Chế độ ăn cân đối và đa dạng

Nên bảo đảm đủ năng lượng, tránh để bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì (kể cả béo bụng) vì cả hai tình trạng này đều dẫn đến những bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe và vẻ đẹp. Người bị suy dinh dưỡng sẽ dễ bị các bệnh nhiễm trùng, thiếu máu, loãng xương…; người thừa cân béo phì sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, tăng huyết áp…

Chế độ ăn nên đa dạng các loại thực phẩm và cân đối theo tháp dinh dưỡng, cân bằng các chất đạm, béo và chất bột đường.

Sự oxy hóa và chất chống oxy hóa

Sự hủy hoại của các gốc tự do (chất oxy hóa) là kẻ thù của sức khỏe và sắc đẹp vì thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa. Ngoài những chất oxy hóa là sản phẩm do cơ thể tạo ra trong quá trình chuyển hóa, các tác nhân từ môi trường (thuốc lá, rượu, stress, và ô nhiễm môi trường) cũng làm tổn thương các tế bào của cơ thể.

Trong cơ thể người còn trẻ lành mạnh, chất oxy hóa không gây tác hại đáng kể vì có hệ thống bảo vệ chống oxy hóa. Ở tuổi trung niên thì khả năng chống oxy hóa của cơ thể kém đi do sự hấp thu các chất chống oxy hóa giảm và hoạt động của chất oxy hóa chiếm ưu thế, chúng sẽ thúc đẩy những phản ứng oxy hóa gây tổn thương tế bào. Do đó, người tuổi trung niên trở lên rất dễ bị những căn bệnh do gốc tự do gây ra như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thóai hóa võng mạc, kể cả suy giảm trí nhớ.

Vitamin E là chất chống oxy hóa tan trong chất béo phong phú nhất trong cơ thể. Vitamin E có nhiều trong mầm giá đỗ, dầu thực vật và các loại hạt nhiều dầu.

Vitamin C là chất chống oxy hóa tan trong nước phong phú nhất trong cơ thể, hoạt động chủ yếu ở dịch tế bào. Vitamin C có nhiều trong rau quả tươi, đặc biệt là kiwi, bưởi, cam, táo, cóc chín, đu đủ chín, bông cải xanh…

Beta-caroten là chất chống oxy hóa tan trong chất béo, có nhiều trong các loại củ quả có màu vàng hoặc cam (cà rốt, bí đỏ, đu đủ chín, xoài chín…), hoặc rau lá xanh đậm (cải thìa, rau muống, rau ngót, rau lang, rau dền, bông cải xanh…).

Cách ăn uống phòng bệnh thiếu máu, thiếu vi chất, loãng xương, tim mạch, đái tháo đường, béo phì, và ung thư

- Ăn đa dạng các loại thực phẩm. Chọn ngũ cốc thô hoặc không xát quá trắng.

- Thực phẩm giàu chất sắt: Gan, thịt, cá, trứng, rau xanh, đậu đỗ.

- Thực phẩm giàu kẽm: Cá, thịt, hải sản, gia cầm.

- Thực phẩm giàu canxi: Sữa và sản phẩm từ sữa, cá nhỏ ăn luôn xương, tôm tép ăn cả vỏ, rau xanh, đậu hũ và sản phẩm từ đậu nành.

- Ít nhất có 3 bữa cá trong tuần. Tăng cường đậu hũ và các loại đậu đỗ.

- Ăn nhiều rau và trái cây giàu beta-caroten, vitamin C.

- Chọn thực phẩm ít béo: Chất béo gây nguy cơ nhiều nhất là chất béo bão hòa và chất béo dạng trans. Nên chọn chất béo chưa bão hòa (dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu nành, dầu olive...).

- Hạn chế đường và thực phẩm nhiều đường tinh (bánh ngọt, kẹo, nước ngọt…) vì sẽ làm đường huyết không ổn định.

- Hạn chế muối, gia vị mặn hoặc thực phẩm chế biến mặn.

- Bổ sung vitamin hoặc chất khoáng để tăng chất chống oxy hóa cho những người có hệ miễn dịch bị suy yếu, tiếp xúc hóa chất thường xuyên.

- Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá.

Hạn chế những chất có thể gây ung thư

- Tránh thức ăn bị mốc: Vì có thể chứa aflatoxin gây ung thư gan.

- Không đun chất béo ở nhiệt độ cao để phòng ngừa chất béo chuyển sang dạng gây ung thư. Nên thay cách chế biến nướng, chiên bằng luộc, hấp.

- Hạn chế thịt muối xông khói, phơi khô.

- Hạn chế thịt nướng.

- Hạn chế các chất gây ô nhiễm: Rửa sạch rau quả nhiều lần, gọt vỏ khi ăn.

Vận động thường xuyên

Vận động thường xuyên sẽ giúp phát triển khối cơ, giảm khối mỡ, chắc xương, hạn chế mất cơ, tích mỡ và loãng xương, giúp giữ dáng vóc trẻ trung, phản xạ nhanh nhạy. Vận động còn giúp tăng tuần hoàn đến các cơ quan, làm da dẻ hồng hào. Nên áp dụng các hình thức vận động ưa thích và phù hợp với sức khoẻ để có thể duy trì vận động thường xuyên.

Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên