Mỹ hồi hộp chờ xem có bị đổ lỗi hay không
Washington đang theo dõi sát sao phản ứng của Iran sau cái chết thương tâm của cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.
Theo báo Politico, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng mong đợi tình hình khu vực Trung Đông sẽ được giữ nguyên trạng, đồng thời cảnh giác về các cáo buộc có thể gây leo thang căng thẳng vượt ngoài khu vực.
Đến thời điểm hiện tại, giới chức Mỹ kỳ vọng sẽ có thay đổi dù là nhỏ nhất trong chính sách của Iran vào thời điểm quốc gia này đang tồn tại khoảng trống quyền lực, trước khi chính thức bầu ra một tổng thống mới thay thế vị trí của ông Ebrahim Raisi.
Tuy nhiên, sự ra đi của cố Tổng thống Raisi có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động thực thi và hoạch định chính sách quốc gia vì quyền lực tối thượng vẫn nằm trong tay Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.
Truyền thông quốc tế nhận định ông Ali Khamenei là người có quyền ra quyết định cuối cùng trong các vấn đề hệ trọng của Iran, nắm trong tay vận mệnh quốc gia.
Thế nhưng, Iran ít nhiều phải đối mặt cục diện chính trị rối ren trước cuộc bầu cử tiếp theo. Xa hơn, nước này cần tìm ra người thay thế ông Khamenei trở thành lãnh tụ tối cao sau cái chết của ông Raisi - người từng được xem là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này.
Nhà Trắng cũng sẽ xem xét đến phạm vi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chính trị sau sự ra đi của cố Tổng thống Raisi đến cuộc cạnh tranh cho vị trí lãnh tụ tối cao trong trường hợp Đại giáo chủ Ali Khamenei gặp các vấn đề về sức khỏe.
Do đó, giới chức Mỹ cho rằng Iran quá bận bịu với những vấn đề nan giải trước mắt để thực hiện những thay đổi lớn về mặt chính sách trong khu vực.
“Tôi không đặt cược vào bất kỳ sự thay đổi chính sách nào", một quan chức cấp cao đề nghị không nêu tên của Mỹ nói với báo Politico.
Sau sự cố rơi trực thăng hôm 19-5, chính quyền ông Biden chờ xem liệu Iran có đổ lỗi cho Israel hay Mỹ không, thay vì nhận định vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ lỗi kỹ thuật, sự cố do con người gây ra hay điều kiện thời tiết xấu.
Tuy nhiên, tính đến ngày 21-5, Tehran vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về nguyên nhân vụ tai nạn trực thăng, đồng thời cũng không lên tiếng đổ lỗi cho Mỹ hay Israel. Giới chức Iran chỉ khẳng định vụ tai nạn trực thăng là do "trục trặc kỹ thuật" từ chiếc Bell 212 do Mỹ sản xuất và không làm rõ thêm.
Giới quan sát quốc tế nhận định chừng nào Iran không đưa ra các cáo buộc thì khả năng xảy ra xung đột vượt ra ngoài khu vực vẫn thấp.
Israel và Mỹ lên tiếng phủ nhận sự liên quan
Israel hiếm khi lên tiếng chính thức về các hoạt động ngoài nước, nhưng lần này đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận thông tin liên quan đến vụ rơi máy bay chở Tổng thống Raisi, trong lúc các nước khác đang gửi điện chia buồn hôm 20-5.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Israel cho biết nước này không liên quan đến vụ rơi trực thăng khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tử nạn.
"Không phải do chúng tôi", quan chức Israel yêu cầu không nêu tên cho hay.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tiết lộ Washington đã nhận được yêu cầu giúp đỡ từ Tehran ngay sau khi chiếc trực thăng chở cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gặp nạn.
Tuy nhiên, Mỹ nói không thể giúp gì cho Iran, viện các lý do hậu cần, nhưng Washington không nói rõ những khó khăn hậu cần này là gì.
“Chúng tôi đã được Chính phủ Iran yêu cầu hỗ trợ. Chúng ta đã nói rõ với họ rằng chúng tôi sẽ cố gắng giúp, như cách chúng tôi sẽ chấp nhận mọi lời yêu cầu hỗ trợ từ chính phủ nước ngoài trong các trường hợp tương tự. Tuy nhiên, phần lớn do khó khăn hậu cần mà chúng tôi đã không thể làm gì”, ông Miller giải thích.
Khi được hỏi về khả năng Iran sẽ buộc tội Mỹ có dính líu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định: "Mỹ không hề liên quan đến vụ tai nạn. Tôi không thể phỏng đoán lý do có thể dẫn đến vụ việc trên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận