13/07/2018 11:06 GMT+7

Điều gì xảy ra khi Grab gắn hộp đèn 'Xe hợp đồng điện tử’?

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Điều gì xảy ra khi các xe Grab gắn logo "Xe hợp đồng điện tử"? Khách hàng, thay vì đặt xe qua ứng dụng, có thể vẫy tay đón xe. Và các hãng taxi liệu có mất thêm khách?

Điều gì xảy ra khi Grab gắn hộp đèn Xe hợp đồng điện tử’? - Ảnh 1.

Giả sử quy định mới của Bộ Giao thông - Vận tải đang đưa ra lấy ý kiến được áp dụng, thị trường kinh doanh vận tải ôtô dưới 9 chỗ ngồi sẽ có các loại: taxi, taxi điện tử, xe hợp đồng, xe hợp đồng điện tử.

Chuyên gia, người tán thành, người phản đối

Cụ thể thì các xe taxi truyền thống tính tiền bằng đồng hồ gắn biển taxi, còn xe taxi tính tiền bằng phần mềm Grab hay các ứng dụng của các hãng taxi thì gắn hộp đèn Taxi điện tử.

Trong khi đó, các xe không phải taxi nhưng nếu được sử dụng để chạy Grab, VATO thì phải "niêm yết" Xe hợp đồng điện tử".

Điều này khác với đề nghị của các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải là muốn coi Grab là taxi, dù hãng này nói rằng mình là một công ty công nghệ.

Điều này làm dấy lên những tranh luận khi nhiều chuyên gia cho rằng không cần thiết phải có quy định như vậy gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường taxi.

Ông Trần Bằng Việt, một chuyên gia về tư vấn, cho biết ông không tán thành những quy định kiểu như thế.

Ông Việt, trước đây là lãnh đạo của một hãng taxi, cho rằng "khi buộc phải đeo hộp đèn như vậy thì những người dân có xe rảnh rỗi khai thác theo kiểu kinh tế chia sẻ sẽ rút dần" trong khi những người đầu tư/khai thác chuyên nghiệp thì sẽ vẫn ở lại không bị ảnh hưởng.

"Nghĩa là cái xã hội cần khuyến khích (chia sẻ xe để giảm chi phí xã hội, giảm lượng xe lưu thông) thì sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi cái cần kiểm soát thêm (xe đầu tư kinh doanh) thì vẫn vậy. Tức là tác dụng ngược", ông Việt nói.

Theo ông Việt, xe kinh doanh gắn thêm hộp đèn thì được hợp thức hoá, và dễ nhận diện hơn dưới mắt khách hàng.

Tuy nhiên, lúc này khách có thể vẫy tay để yêu cầu dịch vụ mà bản thân hãng cung cấp phần mềm không quản lý được, và đó là "tiền đề cho nhiều rủi ro cho hành khách và thiếu kiểm soát cho hãng".

"Các hãng taxi truyền thống sẽ mất thêm khách hàng so với hiện tại vì ngay cả hành khách không cài ứng dụng cũng sẽ đi được. Đề xuất này sẽ làm cho tình hình giao thông nói chung tệ hơn, hại các hãng taxi hiện tại, các hãng xe công nghệ và cả hành khách khi chất lượng dịch vụ sẽ suy giảm hơn", ông Việt nói.

Điều gì xảy ra khi Grab gắn hộp đèn Xe hợp đồng điện tử’? - Ảnh 2.

Nếu Grab phải dán nhãn "Xe hợp đồng điện tử" liệu khách hàng có cần phải đặt xe qua ứng dụng hay sẽ vẫy tay như taxi? - Ảnh: TL

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức, cho rằng việc gắn hộp đèn taxi điện tử hoặc phù hiệu xe hợp đồng là không cần thiết, gây tốn kém.

Ông Tuấn cho rằng muốn quản lý tốt các loại hình vận tải hành khách bằng taxi thì phải căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia, người dân và tài xế đảm bảo tính khách quan, trên cơ sở đó Bộ Giao thông - Vận tải có thể đề xuất các công cụ quản lý khác.

"Chúng ta cũng có thể quản lý bằng tem thay vì hộp đèn hay phù hiệu. Chất lượng dịch vụ và giá cước vẫn phù hợp với như cầu của khách hàng", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, tiến Chung Thành Tiến, chuyên gia kinh tế, lại cho rằng cần thiết gắn hộp đèn taxi điện tử hoặc phù hiệu xe hợp đồng là cần làm để quản lý các loại hình vận tải hành khách bằng taxi.

Theo ông Tiến, làm vậy, khách hàng cũng dễ đang nhận biết, lựa chọn dịch vụ sử dụng phù hợp với nhu cầu của mình.

"Điều này công góp phần hạn chế các dịch vụ trá hình, lừa đảo hoành hành lừa gạt khách hàng’, ông Tiến nói.

Tài xế, hành khách phản đối

Trong khi đó, giới tài xế thì cho rằng không nên áp dụng những quy định trên có thể gây ra nhiều hệ lụy, lượng khách giảm sút.

Anh Nguyễn Văn Minh, một chủ xe GrabCar, nói rằng phần lớn tài xế Grab là tận dụng xe lúc nhàn rỗi để chở khách kiếm thêm thu nhập chứ không chỉ sử dụng cho mục đích chạy Grab.

Như vậy, theo anh Minh, việc gắn hộp đèn hoặc phù hiệu, đổi màu sơn xe… đều gây mất thẩm mỹ, tốn kém chi phí.

"Sau này, khi người dân chuyển đổi mục đích sử dụng xe, không chạy taxi nữa thì phải làm sao?", anh Minh đặt vấn đề.

Anh Trần Minh Lực, một tài xế GrabCar cho biết phải thuê xe để chạy dịch vụ này, vì thế nếu nhà nước quy định lắp hộp đèn, dán phù hiệu hoặc sơn lại xe thì tài xế sẽ gặp không ít khó khăn, chủ xe phản đối.

Hơn nữa, việc dán phù hiệu như vậy là hình thức quảng cáo miễn phí cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, theo anh Lực.

Chị Phạm Thị Phương, khách hàng Grab cho biết, có nhiều cách quản lý các loại hình vận tải hành khách bằng taxi, không nhất thiết phải áp dụng những quy định trên.

Chị Phương khẳng định, những quy định này chỉ gây tốn kém, rườm rà, càng khó quản lý. "Cái mà người sử dụng quan tâm là chất lượng, giá cả dịch vụ", chị Phương nói.

Grab sẽ phải dán biển Grab sẽ phải dán biển 'Xe hợp đồng điện tử'

TTO - Các xe taxi sử dụng các ứng dụng gọi xe như Grab sẽ phải gắn hộp đèn "TAXI ĐIỆN TỬ', trong khi đó các xe GrabCar chạy hợp đồng sẽ phải dán biển hiệu "XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ".

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên