27/12/2014 12:15 GMT+7

Cuộc chiến giá dầu: Điều gì sẽ xảy ra?

HỒNG QUÝ
HỒNG QUÝ

TT - Giữa cuộc chiến dầu mỏ 2014 đang căng thẳng, Mikhail Leontyev, phó chủ tịch Tập đoàn dầu mỏ Nga Rosneft, đã thốt lên: “Saudi Arabia đã có động thái mang tính chính trị mà cuối cùng có thể dẫn tới những điều tai hại”.

Công nhân khai thác dầu ở Texas, Mỹ - Ảnh: NYT
Công nhân khai thác dầu ở Texas, Mỹ - Ảnh: NYT

Vậy những điều tai hại đó là gì?

Nguy cơ bất ổn

Nga có thể nắn gân phương Tây trở lại bằng cách can thiệp vào Estonia, Latvia và Lithuania. Lực lượng thân Nga sẽ tiến sâu hơn vào Ukraine. Căng thẳng nếu xảy ra cũng sẽ đẩy giá dầu lên. Chính quyền Nigeria suy yếu và sẽ khó khăn trước những cuộc tấn công của quân nổi dậy gây bạo loạn ở quốc gia thành viên OPEC này. Chuyện tương tự có thể xảy ra với Iraq. Biểu tình nổ ra dữ dội ở thủ đô Caracas của Venezuela...

Ðó là những dự báo bi quan nhất cho thế giới năm 2015 sau cuộc chiến giá dầu vừa được Bloomberg lên kịch bản. Chuyện này khó xảy ra do kịch bản được xây dựng dựa trên những đánh giá bi quan tối đa. Tuy nhiên, không loại trừ sẽ có những vụ việc tương tự với mức độ nhẹ hơn đôi chút.

Gary Shilling, chủ tịch Công ty tư vấn A. Gary Shilling & Co ở New Jersey, Mỹ, nhận định rằng ít nhất cuộc chiến lần này sẽ để lại vết sẹo lớn trong quan hệ giữa OPEC với Mỹ, giữa OPEC - Mỹ với Nga, và thậm chí giữa chính các thành viên OPEC với nhau.

“Các nước đã lộ rõ ý đồ với nhau. Saudi Arabia muốn bóp nghẹt Iran cũng như các nhà sản xuất Mỹ và làm khó Nga dù việc đó khiến các thành viên cùng khối OPEC cũng bị tổn hại. Ðó cũng là khởi nguồn cho những bất ổn sau này”, ông Shilling nhận xét.

Dầu đá phiến gặp khủng hoảng

Công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ được cho là một trong những mục tiêu chính của cuộc chiến giá dầu năm 2014. Do vậy, theo New York Times, ngành này của Mỹ sẽ chịu tác hại lớn. Trước mắt, các dự án đầu tư mới sẽ buộc phải hoãn lại.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhờ dầu đá phiến Mỹ đã có thể sản xuất khoảng 9 triệu thùng dầu/ngày, nhiều hơn bất cứ thành viên OPEC nào và chỉ kém Nga chút đỉnh. Tuy nhiên, IEA dự báo sang năm 2015 Mỹ sẽ vượt Nga lên số 1 về sản lượng dầu. Khi đó quyền lực của nước này trên thị trường dầu sẽ càng mạnh.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Scotiabank, dầu đá phiến của các mỏ ở North Dakota, Mỹ sẽ chỉ hòa vốn nếu giá dầu khoảng 65 USD/thùng. Ngân hàng Credit Suisse thậm chí cho rằng phải 75 USD/thùng mới đủ cho nhóm này hòa vốn.

Theo dự đoán của Credit Suisse, trong kịch bản lạc quan, với giá dầu hạ, các nước đang mở rộng thêm kho dự trữ và khi xây thêm xong họ sẽ nhập thêm, qua đó giúp giá dầu lên tầm 62 USD/thùng trong quý 1-2015 và lên 70 USD/thùng trong quý 2. Như vậy dầu đá phiến còn lỗ ít nhất tới lúc đó. Credit Suisse dự đoán sản lượng dầu đá phiến sẽ giảm trong năm 2015 thay vì tăng vọt như năm 2014.

Tất nhiên, một số công ty dầu đá phiến sẽ vẫn có tài chính đủ mạnh, hoặc huy động được từ thị trường vốn, để chống chọi dài hơi, theo đánh giá của Jan Stuart, chuyên gia dầu từ Credit Suisse. “Sẽ khó có thể giết chết được công nghiệp dầu đá phiến Mỹ”, Stuart nhận định.

Không giết chết cả ngành nhưng có thể tiêu diệt sinh lực của rất nhiều công ty, theo Scotiabank. Theo đó, với việc giá dầu nằm dưới ngưỡng này càng lâu, nguy cơ phá sản của các công ty trong ngành càng rõ rệt. Vấn đề là trong bao lâu nữa.

Đâm lao phải theo lao

Bao lâu đang là chuyện của Saudi Arabia và các nước OPEC. Trong bất cứ cuộc chiến giá dầu nào, mục tiêu của OPEC luôn là đưa dầu lên ổn định ở mức giá cao hơn sau khi tàn cuộc. Tuy nhiên, các nước này sẽ phải thi gan với các công ty dầu đá phiến Mỹ trong thời gian bao lâu trước khi có thể đạt được điều đó.

Theo Forbes, một vài tháng giá dầu dưới mức hòa vốn sẽ không đủ làm hàng loạt công ty dầu đá phiến phải phá sản, nhường lại sân chơi hoàn toàn cho OPEC như cũ. Có thể phải mất vài ba năm. Nhưng liệu bản thân OPEC có sống nổi với giá dầu dưới 65 USD/thùng cho tới năm 2017 hay 2018? Theo tờ báo này, một vài thành viên như Saudi Arabia và Kuwait có thể chịu được, nhưng Venezuela hay Brazil gần như không thể. Tất nhiên, Nga cũng không thể chịu nổi tới lúc đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18-12 đã nói: “Tôi tin rằng giá dầu rồi sẽ tăng và chúng tôi sẽ có thể mang lại thịnh vượng cho người dân”. Có thể cho đó là lời động viên, song một số chuyên gia có vẻ cũng đồng tình với ông khi cho rằng một khi chạm đáy, giá dầu sẽ bật lại nhanh.

“Lịch sử thị trường hàng hóa kỳ hạn cho thấy giá thấp hôm nay có thể đồng nghĩa với giá sốc trong tương lai. Giá dầu càng hạ sâu và lâu càng bật lại mạnh và dài trong tương lai”, chuyên gia Adam Longson của Ngân hàng Morgan Stanley cảnh báo.

Theo The Economist, dầu đang hành hạ những người có nó để xuất nhưng luôn phải dè chừng sức mạnh của những đối tượng này. Một lực lượng hùng hậu gồm các nước xuất khẩu, các công ty năng lượng, công nghiệp phụ trợ dầu, các cổ đông đều muốn dầu trên ngưỡng 60 USD/thùng để sống.

Và những người cho các đối tượng đó vay tiền cũng muốn nhìn thấy điều đó. Họ đều không muốn cùng chết ở mức giá dưới 40 USD/thùng.

Ðã đâm lao, giờ các nước OPEC dẫn đầu là Saudi Arabia sẽ phải theo lao, nhưng chắc chắn không thể theo tới mức sinh tử đó, theo The Economist. Tuy nhiên, mức giá quanh ngưỡng hiện nay theo các chuyên gia quốc tế vẫn là khả thi trong một thời gian dài nữa.

Châu Á trước thời cơ mới

Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội quốc gia Anh đã dùng công thức thống kê để dự báo về tác động của việc giá dầu hạ hơn 40 USD/thùng trong thời gian qua với kinh tế thế giới.

Theo đó, trong năm đầu tiên GDP toàn cầu tăng thêm 0,5%, năm thứ hai cộng thêm 0,9% và năm thứ ba thêm được 0,6%. Tổng cộng đợt giảm giá vừa qua đóng góp khoảng 2% tăng trưởng GDP toàn cầu.

Joseph Zveglich, nhà kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cũng cho rằng hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt là châu Á, sẽ hưởng lợi sau cuộc chiến giá dầu này, ít nhất là sẽ có lạm phát thấp hơn trong năm 2015. Lạm phát khu vực này được ADB điều chỉnh giảm từ mức 3,6% xuống 3,5% trong năm sau.

“Giá dầu trung bình cả năm 2015 giảm độ 20% so với mức trung bình năm 2014 sẽ đẩy GDP mỗi nền kinh tế châu Á thêm khoảng 0,2%. Riêng Trung Quốc được 0,5% và các nền kinh tế đang phát triển được thêm 0,3%. Chỉ có Trung Á thiệt nhất khu vực này do dựa nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ”, ông Zveglich dự báo.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson dự báo các nước nhập khẩu dầu có thể tiết kiệm được tổng cộng 500 tỉ USD tiền mua dầu trong năm 2015 nếu giá dầu vẫn như hiện nay.

Singapore, nền kinh tế dựa khá nhiều vào xuất khẩu dầu đi các nước, trong đó có VN, là quốc gia hiếm hoi trong khu vực thiệt hại nặng vì dầu mất giá. Theo Bloomberg, đảo quốc sư tử đứng trong tốp đầu các nước sống dựa vào dầu.

Sẽ có cuộc chơi bắt đáy

Theo tôi, giá dầu thô khó lòng có thể giảm xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng. Thời kỳ kinh tế khủng hoảng nặng hồi 2008-2009 giá dầu cũng chỉ rớt xuống mức 40 USD/thùng và trong một thời gian rất ngắn lại bật nhanh trở lại mức trên 70 USD/thùng.

Trong giai đoạn này mặc dù nguồn cung nhiều hơn do xuất hiện phương pháp khai thác mới (từ đá phiến), nhưng giá thành khai thác dầu từ phương pháp mới này trung bình ở mức 65 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức giá trao đổi trên thị trường hiện nay (55 USD/thùng). Tôi nghĩ với mức giá hiện nay sẽ sớm xuất hiện các nhà đầu cơ giá dầu tham gia cuộc chơi bắt đáy và mức giá sẽ sớm hồi phục ở mức trên dưới 70 USD/thùng.

TS TRẦN VINH DỰ

_________

Kỳ tới: VN trong “cuộc chiến giá dầu”

HỒNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên