09/12/2024 15:24 GMT+7

Điều gì dẫn đến sự sụp đổ chớp nhoáng của chính quyền Syria?

Sự sụp đổ của chính quyền Syria diễn ra như một hệ quả tất yếu của lịch sử khi quân đội đã mất đi nhuệ khí, đồng minh bỏ rơi và kẻ thù thừa dịp trỗi dậy.

Điều gì dẫn đến sự sụp đổ chớp nhoáng của chính quyền Syria? - Ảnh 1.

Người dân Syria tại Mỹ đổ ra đường ăn mừng sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad - Ảnh: REUTERS

Ngày 9-12 đánh dấu một giai đoạn mới với người Syria sau khi quân nổi dậy chiếm thủ đô Damascus và Tổng thống Bashar al-Assad chạy trốn sang Nga, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 13 năm và hơn 50 năm cầm quyền của gia đình ông Assad.

Quân đội như ‘lớp vỏ rỗng’

Truyền thông phương Tây, như Washington Post, nhận định rằng sau 13 năm nội chiến tàn khốc tại Syria, chính quyền và quân đội của Tổng thống Assad, dù được cho là khó có thể sụp đổ, thực chất chỉ còn lại như một "lớp vỏ rỗng".

Trong những năm đầu của cuộc chiến, các yếu tố như thương vong, đào ngũ, trốn nghĩa vụ đã khiến quân số giảm khoảng một nửa.

Thêm vào đó, vấn nạn tham nhũng và thiếu nhuệ khí khiến quân đội Syria không kịp trở tay khi bị phiến quân nổi dậy đột ngột tấn công vào ngày 27-11, theo Hãng tin AFP.

“Kể từ năm 2011, quân đội Syria đã phải đối mặt với tình trạng suy giảm quân số, trang thiết bị và nhuệ khí”, chuyên gia nghiên cứu về Syria David Rigoulet-Roze tại Viện nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế Pháp, nhận định.

Nhà phân tích Syria Gregory Waters đồng quan điểm với ý kiến trên khi cho rằng tham nhũng, đào ngũ, sự sai lầm về đường lối cải cách và sự lệ thuộc vào lực lượng nước ngoài đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt quân số, đồng thời giảm sức chiến đấu của quân đội, theo New York Times.

Hồi tuần trước, ông Assad đã ra lệnh tăng 50% lương cho nhóm binh sĩ chuyên nghiệp như một nỗ lực làm hồi sinh lực lượng quân đội đang có nguy cơ tan rã của nước này.

Tuy nhiên nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng của Syria khiến mức lương dự kiến dù cao hơn, nhưng thực chất lại không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Điều gì dẫn đến sự sụp đổ chớp nhoáng của chính quyền Syria? - Ảnh 2.

Khói bốc lên tại thủ đô Damascus của Syria ngày 9-12 khi phe nổi dậy tuyên bố lật đổ chính quyền - Ảnh: REUTERS

Đồng minh bỏ mặc

Theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao Yezid Sayigh tại Trung tâm nghiên cứu Trung Đông Carnegie, chính sự bỏ mặc từ những đồng minh là yếu tố then chốt dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Assad.

Chính quyền Assad có thể tồn tại trong suốt những năm tháng nội chiến kéo dài một phần đến từ sự hậu thuẫn về chính trị, quân sự và ngoại giao từ hai đồng minh hàng đầu là Nga và Iran.

Với sự hậu thuẫn của những nước này, Syria đã giành lại được những vùng lãnh thổ bị mất từ khi nội chiến nổ ra vào năm 2011. Thêm vào đó, sự can thiệp của không quân Nga vào năm 2015 đã thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho chính quyền Assad.

Thế nhưng cuộc tấn công của các lực lượng nổi dậy Syria vào tháng trước diễn ra trong bối cảnh Nga đang mắc kẹt trong cuộc xung đột với Ukraine.

“Người Nga có lẽ đã muốn hỗ trợ chính quyền Syria nhiều hơn, nhưng các nguồn lực quân sự của họ tại Syria đã giảm đáng kể do cuộc chiến tại Ukraine”, nhà nghiên cứu Trung Đông Wassim Nasr nói với Đài France 24.

Iran - đồng minh quan trọng khác của Syria - nhiều năm qua đã điều động cố vấn quân sự đến hỗ trợ các lực lượng vũ trang của chính phủ Syria.

Tuy nhiên ông Wassim Nasr giải thích rằng Iran và trục kháng chiến của nước này đã chịu những tổn thất đáng kể trong cuộc giao tranh với Israel thời gian qua, đồng thời nền kinh tế Iran cũng bị suy yếu bởi các lệnh trừng phạt khiến họ không còn tâm trí lo lắng cho Syria.

Hay nói theo cách khác, Iran dường như cũng “bỏ rơi” đồng minh lâu năm của mình trong khu vực. Tờ New York Times đánh giá sự rạn nứt trong mối quan hệ đồng minh 4 thập kỷ giữa Iran và Syria sẽ định hình lại cán cân quyền lực ở Trung Đông.

Iran không chỉ bỏ mặc đồng minh của mình, mà còn từ bỏ mọi thứ mà họ đã xây dựng và chiến đấu để bảo vệ trong suốt 40 năm qua tại Syria - điểm tựa chính của quốc gia này trong thế giới Ả Rập.

Điều gì dẫn đến sự sụp đổ chớp nhoáng của chính quyền Syria? - Ảnh 4.

Các lực lượng nổi dậy Syria diễu hành trên đường phố Hama của nước này ngày 6-12 - Ảnh: AFP

Kẻ thù trỗi dậy

Trong khi quân đội chính phủ đang kiệt quệ thì lực lượng nổi dậy ở phía bắc nước này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trên thực tế, liên minh nổi dậy do nhóm Hayat al-Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đóng vai trò là tổ chức nắm quyền thực tế tại tỉnh Idlib (vùng giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ) trong nhiều năm qua.

Nhóm này thu thuế từ hoạt động thương mại xuyên biên giới và chuyển các khoản lợi nhuận đó vào ngân sách quân sự. Không chỉ vậy, sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đem lại động lực và tăng thêm sức mạnh cho các lực lượng này.

Nhà phân tích Trung Đông Emile Hokayem tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận định quân nổi dậy dường như được tiếp thêm động lực từ sự mất phong độ và thiếu gắn kết của quân đội chính quyền Assad.

Có thể nói sự sa sút trong nội bộ quân đội Syria, cùng với sự bỏ mặc từ đồng minh Nga và Iran, đã tạo ra thời điểm chín muồi giúp các lực lượng nổi dậy Syria tận dụng cơ hội tấn công một chính quyền Assad đang đơn độc.

Điều gì dẫn đến sự sụp đổ chớp nhoáng của chính quyền Syria? - Ảnh 5.Assad bỏ chạy, nguy cơ cho các căn cứ quân sự của Nga ở Syria

Giới chức Nga tuyên bố đạt thỏa thuận về việc đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự của nước này ở Syria, trong khi nhiều bên khẳng định điều ngược lại.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên