02/01/2025 22:22 GMT+7

'Điều đầu tiên tôi ấn tượng', 'đây là sản phẩm tuyệt vời nhất'... coi chừng đó là đánh giá giả mạo

Các nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ và người tiêu dùng giờ đây phải đối mặt với một cơn sóng ngầm khó lường khi AI đang hỗ trợ những kẻ gian lận sản xuất đánh giá giả với tốc độ và độ tinh vi chưa từng có.

'Điều đầu tiên tôi ấn tượng'; 'đây là sản phẩm tuyệt vời nhất'... coi chừng đó là đánh giá giả mạo - Ảnh 1.

Minh họa AI

Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), khi những công cụ tạo nội dung như ChatGPT trở nên phổ biến, chúng không chỉ mở ra những cơ hội sáng tạo vô hạn mà còn mang lại những thách thức nghiêm trọng.

Một trong số đó là sự gia tăng đáng báo động của các đánh giá giả mạo trực tuyến.

Người tiêu dùng khó phát hiện đánh giá giả mạo

Từ lâu, các trang web tiêu dùng như Amazon hay Yelp đã phải đối mặt nạn đánh giá giả mạo, vốn thường được mua bán trong các nhóm kín trên mạng xã hội.

Một số doanh nghiệp thậm chí "mua" đánh giá tích cực bằng cách tặng thẻ quà tặng hoặc khuyến mãi.

Nhưng với sự xuất hiện của các công cụ tạo văn bản tích hợp AI, như ChatGPT, việc tạo ra các bài đánh giá giả không chỉ nhanh chóng mà còn trở nên thuyết phục hơn rất nhiều, khiến người tiêu dùng khó phát hiện.

Theo báo cáo của The Transparency Company - tổ chức sử dụng phần mềm để phát hiện đánh giá giả mạo, số lượng đánh giá do AI tạo ra đã tăng mạnh kể từ giữa năm 2023.

Trong số 73 triệu đánh giá được phân tích thuộc các lĩnh vực như nhà ở, pháp lý và y tế, gần 14% được đánh giá là giả, và khoảng 2,3 triệu trong số đó được xác nhận có sự can thiệp của AI.

Những đánh giá giả mạo không chỉ xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử mà còn len lỏi vào các ngành dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, sửa chữa nhà cửa hay thậm chí giáo dục.

Theo Công ty DoubleVerify, đánh giá giả mạo còn được sử dụng để dụ người tiêu dùng tải xuống các ứng dụng độc hại hoặc mua các sản phẩm kém chất lượng.

Các ứng dụng trên điện thoại thông minh và tivi thông minh cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các đánh giá giả mạo trong năm 2023, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và mở đường cho những hành vi gian lận kỹ thuật số.

Xóa hàng triệu đánh giá đáng ngờ

Trước tình hình này, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã ban hành quy định cấm mua bán đánh giá giả mạo từ tháng 10-2023.

Một trường hợp điển hình là Công ty Rytr, bị cáo buộc cung cấp công cụ giúp tạo ra hàng nghìn đánh giá giả mạo, làm ô nhiễm không gian trực tuyến.

Các công ty công nghệ lớn như Amazon, Google và Yelp cũng đang tham gia cuộc chiến này bằng cách kiện các nhóm môi giới đánh giá giả, đồng thời triển khai công nghệ phát hiện và xóa hàng triệu đánh giá đáng ngờ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các nỗ lực này vẫn chưa đủ. Ông Kay Dean - người sáng lập tổ chức giám sát Fake Review Watch - chia sẻ: "Nếu các công ty lớn thực sự cam kết loại bỏ đánh giá giả mạo, tại sao tôi - một cá nhân làm việc mà không sử dụng công nghệ tự động - vẫn có thể phát hiện hàng trăm đánh giá giả mạo mỗi ngày?".

Trong khi các nền tảng lớn đang cải thiện công nghệ phát hiện, người tiêu dùng vẫn cần cảnh giác.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những đánh giá quá tích cực hoặc tiêu cực, lặp đi lặp lại tên sản phẩm hoặc sử dụng những cụm từ sáo rỗng như "thay đổi cuộc chơi" có thể là dấu hiệu của đánh giá giả mạo.

Các bài viết quá dài, cấu trúc quá chặt chẽ hoặc sử dụng những từ ngữ mơ hồ cũng nên được nghi ngờ.

Theo Pangram Labs - công ty chuyên phát hiện nội dung giả mạo, các bài đánh giá do AI tạo ra thường có xu hướng sử dụng cụm từ cường điệu như "điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng" hoặc "đây là sản phẩm tuyệt vời nhất".

Các công ty lớn như Amazon và Trustpilot đã xây dựng chính sách mới, cho phép người dùng đăng đánh giá do AI hỗ trợ, miễn là phản ánh đúng trải nghiệm thực tế.

Ngược lại, Yelp áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn, yêu cầu nội dung phải do người dùng tự tay viết hoàn toàn.

Một liên minh gồm các nền tảng lớn, bao gồm Amazon, Tripadvisor và Glassdoor, đang hợp tác để nâng cao tiêu chuẩn đánh giá trực tuyến. Liên minh này cam kết phát triển các hệ thống phát hiện AI tiên tiến nhằm bảo vệ tính minh bạch và lòng tin của người tiêu dùng.

AI không chỉ mang đến những thách thức trong việc quản lý đánh giá trực tuyến mà còn mở ra cơ hội để cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng.

Bằng cách tận dụng chính công nghệ AI để phát hiện và chống lại những hành vi gian lận, các nền tảng có thể xây dựng một không gian trực tuyến đáng tin cậy hơn.

'Điều đầu tiên tôi ấn tượng'; 'đây là sản phẩm tuyệt vời nhất'... coi chừng đó là đánh giá giả mạo - Ảnh 4.Chính phủ Nhật Bản cảnh báo lừa đảo qua trang web giả mạo Văn phòng Thủ tướng

Ngày 23-10, Chính phủ Nhật Bản thông báo đã xác nhận về sự tồn tại của một phiên bản giả mạo của trang web Văn phòng Thủ tướng nước này, trong đó có yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân khi truy cập.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên