Nhiều dự án điện mặt trời đang bị dừng thanh toán vì vướng mắc quy định - Ảnh: N. HIỂN
Ông Lê Anh Vũ - giám đốc Công ty TNHH Nguồn năng lượng - cho biết trước đây lắp điện mặt trời khá đơn giản, song sau này đã phát sinh các vụ cháy trên mái đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn nếu hệ thống mái không chịu đủ lực.
Do đó việc đảm bảo các quy định về an toàn đối với dự án điện mặt trời mái nhà là cần thiết.
Siết vì sợ trách nhiệm?
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-5, ông Nguyễn Quốc Huy - chủ đầu tư một số dự án điện mặt trời mái nhà phía Nam - cho biết vấn đề mấu chốt dẫn đến EVN tạm ngừng thanh toán tiền điện là yêu cầu các chủ đầu tư phải cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ an toàn phòng chống cháy nổ.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khiến các chủ đầu tư bức xúc đó là việc quy định giấy phép xây dựng mà có sở xây dựng đang yêu cầu các dự án phải có. Như Sở Xây dựng Bình Dương cho rằng hệ thống điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng, loại công trình công nghiệp cấp IV, nên phải xin cấp phép xây dựng.
Trong khi đó, ông Trương Công Vũ - giám đốc Công ty CP Công nghệ năng lượng toàn cầu - cho biết nhà xưởng là công trình xây dựng đã được cấp phép, tấm quang năng trên mái chỉ là thiết bị lắp đặt thêm. Do đó không thể coi điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng (khác với hệ thống mặt đất).
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng nếu bắt buộc phải có giấy phép thì cần phải có hướng dẫn rõ ràng các thủ tục, cơ quan nào cấp giấy phép.
"Doanh nghiệp đã liên hệ, nhưng ngành xây dựng trả lời rằng không có cơ sở để cấp giấy phép xây dựng đối với hệ thống đã lắp trên mái nhà xưởng mà công trình bên dưới đã có giấy phép xây dựng", ông Vũ nói.
"Tôi cho rằng bản chất của việc dừng thanh toán tiền điện đột ngột là bởi các bên quá thận trọng, sợ trách nhiệm khi thanh tra, kiểm tra dự án thường xuyên, còn thực tế các cơ quan quản lý cũng hiểu các vướng mắc này không phải do doanh nghiệp cố tình không tuân thủ", một lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thiện giấy tờ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc EVN - cho hay những chủ đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục liên quan là những trường hợp được ngành điện đưa vào diện "thiếu hồ sơ".
Do vậy trong thời gian chờ các chủ đầu tư bổ sung giấy tờ và thủ tục liên quan, EVN thực hiện theo quy định tại điều 5 trong chính hợp đồng mua bán điện mẫu (áp dụng cho các dự án điện mặt trời mái nhà): vẫn ghi nhận sản lượng lên lưới nhưng ngừng thanh toán để chủ đầu tư thực hiện đúng các nghĩa vụ được pháp luật quy định.
Ông Lâm cũng cho biết, khi triển khai các dự án điện mặt trời áp mái, chủ đầu tư phải tuân thủ đầy đủ các quy định của ngành điện cũng như quy định chuyên ngành khác. Khi ký hợp đồng mua bán điện, các chủ đầu tư đã phải ký cam kết với ngành điện về việc phải hoàn thành đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan. Ngành điện chỉ hậu kiểm.
Khi hậu kiểm nếu không có thì yêu cầu bổ sung cho đúng quy định, sau khi có đầy đủ giấy tờ quy định liên quan sẽ tiếp tục thực hiện theo hợp đồng mua bán điện mà các bên đã ký.
Một đại diện của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thì nhấn mạnh, tại quyết định 13/2020 của Thủ tướng đã quy định với hệ thống điện mặt trời mái nhà, các tổ chức và cá nhân đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.
"Những quy định này rất rõ và trách nhiệm của nhà đầu tư buộc phải biết việc đó, tức khi xây dựng và triển khai dự án thì phải có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu chuyên ngành" - vị này cho rằng việc xử lý của ngành điện khi tiếp tục ghi nhận sản lượng điện lên lưới, yêu cầu các đơn vị bổ sung các giấy tờ theo quy định sau đó thanh toán cũng là thể hiện sự thiện chí, tránh những nguồn điện đã đầu tư phải dừng cấp điện lên hệ thống.
Ngành điện cần thanh toán tiền
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc EVN tạm dừng thanh toán mặc dù vẫn lấy điện lên lưới bán, thu tiền của dân là bất hợp lý.
Lãnh đạo một doanh nghiệp làm điện mặt trời lớn có trụ sở ở phía Nam nhấn mạnh nhiều dự án đều vay vốn ngân hàng nên nếu điện lực đồng loạt dừng thanh toán tiền điện thì nhiều chủ đầu tư dễ vỡ nợ. Giải pháp hài hòa là tạm thời EVN vẫn thanh toán tiền mua điện, song yêu cầu chủ đầu tư ký cam kết hoàn thiện các thủ tục theo các quy định.
Ông Nguyễn Quốc Huy cho rằng bản thân các doanh nghiệp đều đi vay ngân hàng để thuê mái thực hiện dự án với doanh thu ổn định trên 200 triệu đồng/MW thời gian qua. Do đó, khi EVN ngừng thanh toán, các chủ đầu tư rơi vào tình cảnh nhảy nhóm nợ xấu, thậm chí phá sản.
"Chúng tôi đã ủy thác cho các ngân hàng làm việc với EVN để thu hồi số tiền điện mà EVN đã ghi nhận sản lượng mà chưa thanh toán. Còn bản thân các nhà đầu tư mong muốn phía EVN vẫn thanh toán tiền điện trong lúc chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định", ông Huy nói.
Không được cấp nhưng vẫn bị đòi
Đại diện một doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời ở nhiều tỉnh, thành phía Nam cho biết việc EVN tạm dừng thanh toán tiền điện chủ yếu rơi vào các dự án lắp năm 2020. Thời điểm đó, doanh nghiệp đã liên hệ sở xây dựng các tỉnh để hoàn thiện các thủ tục lắp đặt nhưng đều được thông báo chưa có hướng dẫn nên chưa có căn cứ để cấp.
Vị này cũng xác nhận khi nhiều doanh nghiệp bị EVN từ chối thanh toán tiền, chờ hoàn thiện thủ tục thì các doanh nghiệp đã xin giấy phép xây dựng. Song nhiều sở xây dựng tiếp tục từ chối vì không thể tạo ra "quy trình ngược" là cấp giấy phép cho công trình đã tồn tại.
Không thể mỗi nơi một kiểu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết một trong những vướng mắc hiện nay là do tính chất dự án điện mặt trời áp mái có quy mô nhỏ nên các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường... sẽ do địa phương quản lý và mỗi địa phương lại đưa ra yêu cầu riêng trong các quy định này.
Ông Trương Công Vũ lại cho rằng các bộ ngành ban hành các quy định cần sớm tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, không thể "đẩy" hết cho các địa phương trong khi mỗi địa phương một quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận