Nga sẵn sàng đáp trả
Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề và một quan chức Anh không nêu tên, cho biết các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về một lý thuyết pháp lý mới cho phép tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga.
Việc này dự kiến được trao đổi khi họ gặp nhau vào tháng 2-2024.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố động thái như vậy của phương Tây đồng nghĩa với hành vi "trộm cắp", là vi phạm luật pháp quốc tế, làm suy yếu đồng tiền dự trữ, hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới.
"Đây sẽ là một đòn giáng đáng kể vào các thông số tài chính quốc tế, làm suy yếu nền kinh tế quốc tế. Hành động đó sẽ làm suy yếu niềm tin của các quốc gia khác vào Mỹ cũng như EU, với tư cách là những người bảo lãnh kinh tế", ông Peskov nói với báo giới, nhấn mạnh những hành động như vậy sẽ "gây ra những hậu quả rất, rất nghiêm trọng".
Khi được hỏi liệu có danh sách cụ thể các tài sản phương Tây mà Nga có thể tịch thu trả đũa hay không, ông Peskov nói: "Có".
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin từ chối tiết lộ tài sản cụ thể nào có trong danh sách.
Tính hợp pháp chưa rõ ràng
Sau khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2-2022, Mỹ và các đồng minh đã cấm việc giao dịch với Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga, phong tỏa khoảng 300 tỉ USD tài sản của Nga ở phương Tây.
Những tháng gần đây, các quan chức Mỹ và Anh đã có các động thái nhằm khởi động nỗ lực tịch thu tài sản Nga ở Bỉ và nhiều nơi khác ở châu Âu. Họ hy vọng các nhà lãnh đạo G7 sẽ đồng ý đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ hơn trong cuộc gặp vào tháng 2.
Tính hợp pháp của việc tịch thu tài sản của Nga vẫn chưa rõ ràng. Matxcơva đã nhiều lần tuyên bố sẽ phản đối các vụ tịch thu trước tòa án.
Những người ủng hộ việc tịch thu tài sản của Nga cho rằng "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine là "bất hợp pháp", ủng hộ việc chuyển số tài sản đó cho Ukraine để tái thiết hoặc để chống lại Nga.
Nga đã giảm tỉ lệ nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ kể từ năm 2014. Có một số cảnh báo ở Mỹ cho rằng việc tịch thu tài sản của Nga có thể khiến các nước lớn khác, bao gồm cả Trung Quốc, tránh xa tiền tệ cũng như trái phiếu chính phủ của Mỹ và châu Âu.
Nga cũng đã khóa nhiều tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài trong các tài khoản loại C. Một số nguồn tin quan chức Nga cho biết số tài sản đó có thể so sánh với 300 tỉ USD bị đóng băng của Nga.
Giới chức Nga cũng cảnh báo nếu tài sản của Matxcơva bị tịch thu thì tài sản trong các tài khoản loại C này sẽ phải chịu số phận tương tự.
Ukraine bị tố bắn tên lửa "sát thủ radar" của Mỹ vào Nga
Ngày 29-12, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đã bắn 3 tên lửa HARM do Mỹ sản xuất vào khu vực Belgorod của Nga.
Tuy nhiên, Matxcơva cũng tuyên bố hệ thống phòng không của Nga đã phá hủy số tên lửa này trên lãnh thổ khu vực Belgorod. Không rõ các hư hại trong cuộc tấn công này, do Matxcơva chưa công bố chi tiết về vụ việc.
Được mệnh danh là "kẻ hủy diệt radar", HARM (tên lửa chống bức xạ tốc độ cao) là loại tên lửa không đối đất chiến thuật được thiết kế để tìm kiếm và tiêu diệt các hệ thống phòng không được trang bị radar của đối phương.
Cũng trong ngày 29-12, Ukraine tố Nga thực hiện không kích lớn nhất vào nước này với loạt 158 tên lửa và máy bay không người lái, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận