Vào nhà hàng, cậu ấy chỉ được chân sai vặt. Khi khách đông, cậu chạy bàn, hết giờ phục vụ, cậu rửa chén rồi cả chùi nhà vệ sinh. Mon men, cậu hỏi về nghề và một đầu bếp đàn anh cho biết từng học xong trung cấp điện nhưng nhận ra không thích hợp nên đã rời quê lên TP.HCM bắt đầu học nghề bếp.
Chính người đàn anh này khuyên bạn tôi phải hoàn thành việc học phổ thông, trau dồi nhiều kiến thức, kỹ năng khác nếu muốn làm nghề bếp. Chưa kể nếu giỏi tiếng Anh, cơ hội xin vào các nhà hàng cao cấp, nấu cho khách nước ngoài, giới thiệu món ăn Việt với bạn bè quốc tế cao hơn.
Lời khuyên ấy làm bạn bừng tỉnh, nhận ra dường như đã quá vội vàng, nôn kiếm tiền và từng nghĩ đầu bếp biết nấu ăn là đủ. Bạn tôi quay lại đi học, đã muộn hơn một năm so với bạn bè.
Trở lại, bạn học chăm hơn, tìm hiểu về nghề bếp một cách nghiêm túc và đăng ký học thêm tiếng Anh, tiếng Hoa.
Sau khi tốt nghiệp THPT, cậu ấy đi học ở một trường dạy nghề, như được mở mang tầm mắt và càng yêu thích, xác định rõ hơn đam mê với công việc đã chọn.
Bạn đã xin được công việc phụ bếp ở một khách sạn 5 sao sau khi hoàn thành khóa học một phần nhờ vốn ngoại ngữ đã tích lũy. Cứ làm rồi dần trở thành đầu bếp tại nơi này.
Bạn nói rất cảm kích người anh đồng nghiệp đã khuyên bạn học hành tử tế vì như thế dù có làm nghề nào cũng giúp mình thành công, phát triển bản thân hơn.
Đến nay, bạn đã có nhiều năm làm công việc mình yêu thích, có vị trí tương ứng với kiến thức, kinh nghiệm đã trau dồi. Bạn tự nhận nếu bỏ học như từng nghĩ có thể vẫn làm đầu bếp nhưng cơ hội trở thành đầu bếp chuyên nghiệp ở một nơi sang trọng, có thu nhập tốt khó lòng đạt đến.
Nếu là đam mê, chọn đúng ngành nghề, công việc gì cũng giá trị và tốt. Cách chúng ta đi tới đam mê cực kỳ quan trọng, càng không thể vội vàng, đi tắt mà phải có lộ trình. Đơn giản như trái cây chín ép sao ngon bằng quả đủ độ già, tới lúc phải chín.
Đồng ý rằng có nhiều cánh cửa đi đến thành công mà học đại học không phải là con đường duy nhất. Nhưng đam mê sẽ càng tỏa sáng hơn khi bạn được cộng gộp kiến thức, nhất là kiến thức ở trình độ cao.
Đam mê nào cũng cần không ngừng học hỏi
Nếu chọn học nghề, buôn bán, làm nghệ thuật tự do... người ta có thể không học cao hơn nhưng chắc chắn cần học kiến thức, kỹ năng liên quan tới công việc ấy.
Nên bỏ học không đồng nghĩa ngừng học mà có khi còn học nhiều hơn ở lĩnh vực mới mang tính thực tiễn hơn.
Học ở đây còn là học cách cư xử, giải quyết vấn đề, cách làm người. Để làm được điều ấy, chúng ta cần có đủ vốn văn hóa, cần tích lũy kiến thức ở mức tối thiểu. Việc đến trường giúp chúng ta rèn luyện tư duy học thuật mà nếu bỏ học quá sớm có khi khiến quá trình tự học trở nên khó khăn hơn.
Đam mê hiểu nôm na là khao khát, hướng đến mục tiêu cuộc đời rõ ràng hơn là cứ làm một cách mù quáng. Nếu lý giải bỏ học theo đuổi đam mê là ngừng học lại là suy diễn chưa chính xác. Học là quá trình cả đời. Bất cứ điều gì trong đời đều cần phải học.
Ông bà đã dạy "Học ăn, học nói, học gói, học mở", học để trở thành người tử tế, có ích cho xã hội. Đam mê nào cũng cần không ngừng học hỏi để rèn luyện và tiến bộ mỗi ngày bởi sự học như thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận