Từ trái qua: phim điện ảnh Hai Phượng, phim truyền hình Về nhà đi con và nhạc kịch Tiên Nga - Ảnh: DUYÊN PHAN - ĐPCC
Điện ảnh Việt dần hội nhập
Năm 2019, điện ảnh Việt đã có những bước tiến đáng khích lệ trên con đường hội nhập. Đó là những phim Việt công chiếu quốc tế và đoạt giải thưởng ở những liên hoan phim uy tín.
Hai Phượng chiếu ở Trung Quốc và lên hệ thống của Netflix, Lật mặt: Nhà có khách chiếu tại Mỹ và Úc, Thất Sơn tâm linh chiếu ở 6 nước và vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam...
Phim điện ảnh Hai Phượng - Ảnh: ĐPCC
Một lối đi hội nhập khác là thông qua các liên hoan phim, nơi dòng phim nghệ thuật thường chiếm ưu thế. Liên hoan phim Busan 2019 ghi nhận 5 phim điện ảnh Việt được chiếu với sự đổ bộ của số lượng diễn viên và nhà làm phim hùng hậu.
Một phim khác từ 2018 là Song Lang miệt mài đi con đường riêng, tham dự hàng chục liên hoan phim lớn nhỏ trên thế giới và thu về hơn 40 giải thưởng.
Mặc dù vậy, con đường hội nhập của điện ảnh Việt Nam vẫn còn rất dài và nhiều chông gai. Nền điện ảnh hầu như vẫn bị gói gọn ở thị trường trong nước, chưa được "xuất khẩu" có hệ thống.
Từ hiện tượng phim truyền hình - Về nhà đi con
Năm 2019, bộ phim truyền hình Về nhà đi con đã trở thành hiện tượng của màn ảnh nhỏ. Phim đoạt giải đặc biệt của Liên hoan truyền hình toàn quốc 2019, Phim truyền hình ấn tượng tại VTV Awards 2019, được bằng khen của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và hàng loạt giải thưởng cá nhân khác.
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đó là tình cảm của khán giả dành cho phim. 85 tập phim đã thật sự chạm đến được trái tim của nhiều khán giả và mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Phim truyền hình Về nhà đi con - Ảnh: ĐPCC
Về nhà đi con trở thành "phim quốc dân", đứng đầu danh sách hạng mục phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2019 tại Việt Nam.
Không biết bao lâu nữa mới có bộ phim truyền hình mới phá được kỷ lục của Về nhà đi con, nhưng bộ phim này đã để lại nhiều bài học quý báu cho các nhà làm phim.
Những dự án phim truyền hình của năm 2020 sẽ phải được đầu tư kỹ về nội dung, cách thể hiện và cả phương thức quảng bá mới mẻ, hiện đại. Đường đi chắc là khó nhưng vẫn có lối ra.
Sân khấu: xu hướng nhạc kịch?
Ra mắt từ cuối năm 2017, vở nhạc kịch Tiên Nga vẫn tiếp tục được sân khấu IDECAF xếp lịch phục vụ khán giả tại nhà hát Bến Thành vào những dịp lễ lớn trong năm 2019.
Tới nay, vở đã có 5 đợt diễn, tổng cộng 49 suất diễn, phục vụ hơn 30.000 khán giả, được đánh giá là vở nhạc kịch thành công nhất của sân khấu thành phố những năm gần đây. Tháng 4-2019, vở đã được trao giải nhất hạng mục sân khấu Giải thưởng văn học nghệ thuật TP.HCM lần thứ 2.
Nhạc kịch Tiên Nga - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nói về sự thành công này, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF chia sẻ: "Nhạc kịch đang là xu hướng chung của thế giới. Sàn diễn Việt Nam trong năm tới tôi dự đoán sẽ có nhiều dự án nhạc kịch. Nếu chúng ta đầu tư kỹ lưỡng, đàng hoàng thì sân khấu kịch vẫn có sức hấp dẫn đối với khán giả".
Cuối năm 2019, Thế giới trẻ đã mời nhóm nhạc kịch Buffalo về diễn vở Tuyết Sài Gòn. Ông Trần Đại, giám đốc sân khấu, cho biết sẽ "đo" sự quan tâm của khán giả với nhạc kịch để có những bước tính toán tiếp theo.
Sân khấu kịch Hồng Vân cũng mở màn năm 2020 với vở nhạc kịch Ngẫm Kiều, "thử thách" các diễn viên đều phải hát live.
Nhạc kịch đi tiếp trong năm 2020 như thế nào hẳn sẽ được các sân khấu trả lời sớm cho khán giả...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận