Diễn viên - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân trong phim Hai Phượng. Sau thị trường Bắc Mỹ, phim cũng đã tìm được nhà phát hành tại thị trường Trung Quốc - Ảnh: ĐPCC
Và đúng hơn 3 năm sau, bộ phim hành động Hai Phượng đã chạm đến cột mốc này. Kỷ lục mới nói lên điều gì về thị trường điện ảnh Việt?
5 năm, xô ngã 5 kỷ lục
Năm 2014, lần đầu tiên có một bộ phim của điện ảnh Việt Nam vượt qua mốc 100 tỉ đồng, đó chính là bộ phim hài Để Mai tính 2 (hay Để Hội tính) của đạo diễn Charlie Nguyễn.
Từ đó, gần như sau một năm lại có một kỷ lục mới được thiết lập. Cuối năm 2015, Em là bà nội của anh nắm giữ kỷ lục trong khoảng 18 tháng với cột mốc 103 tỉ đồng và tháng 5-2017, kỷ lục này bị Em chưa 18 vượt qua với 172 tỉ đồng.
Em chưa 18 từng phá kỷ lục doanh thu với 172 tỉ đồng - Ảnh: ĐPCC
Tháng 2-2019, Cua lại vợ bầu chính thức xô đổ Em chưa 18 với 190 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thời gian nắm giữ kỷ lục của Cua lại vợ bầu chỉ vỏn vẹn một tháng, khi nhà sản xuất Hai Phượng mới công bố con số doanh thu 200 tỉ đồng (tính cả thị trường quốc tế) vào ngày 25-3.
Điều đó cho thấy chỉ trong vòng 5 năm đã có năm bộ phim vươn lên nắm giữ kỷ lục, và chỉ một thời gian ngắn sau lại bị một bộ phim khác vượt qua.
Thị trường điện ảnh nội địa Việt Nam đã chứng tỏ sự phát triển khá nhanh chóng và khẳng định Việt Nam là một trong vài thị trường điện ảnh có sự phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.
Trailer phim Hai Phượng
Trong năm bộ phim từng giữ kỷ lục doanh thu nội địa này có ba bộ phim hài (comedy) hoặc lãng mạn hài (rom-com) - thể loại vẫn đang thống trị thị trường điện ảnh nội địa - là Để Mai tính 2, Em chưa 18 và Cua lại vợ bầu.
Một bộ phim thuộc thể loại bi/hài (drama-comedy) là Em là bà nội của anh và một bộ phim hành động là Hai Phượng - bộ phim mới nhất đang nắm giữ kỷ lục và khiến nhiều người bất ngờ vì sự đổi ngôi ngoạn mục của nó.
Em là bà nội của anh, một phim remake đã thắng lớn trên thị trường điện ảnh Việt
12 năm trước, dù có công lớn nâng tầm chất lượng sản xuất và thị hiếu cho khán giả Việt, Dòng máu anh hùng - bộ phim hành động tầm quốc tế đầu tiên của điện ảnh Việt Nam - vẫn gặp thất bại tại phòng vé do kinh phí đầu tư quá cao trong khi thị trường phát triển chưa tương ứng.
Trong nhiều năm qua đã có thêm một số bộ phim hành động, hình sự hoặc giả tưởng ra mắt nhưng cũng đều không thành công, nếu không nói là thất bại, như Bẫy rồng, Lửa Phật, Truy sát hay gần đây nhất là Lôi Báo và Người bất tử.
Vì vậy mà trước khi Hai Phượng ra mắt, không ai dám đặt cược thành công lớn cho phim, chứ đừng nói là bộ phim này vươn lên giữ kỷ lục doanh thu phòng vé tại Việt Nam.
Trailer phim Dòng máu anh hùng
10 năm, doanh thu tăng gấp 10 lần
Năm 2009, kỷ lục doanh thu nội địa của điện ảnh Việt thời điểm đó là bộ phim Giải cứu thần chết của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với 20 tỉ đồng.
Mười năm sau, vào tháng 3-2019, với Hai Phượng của đạo diễn Lê Văn Kiệt, kỷ lục này đã tăng lên 10 lần, đạt 200 tỉ đồng (xem thêm biểu đồ).
Các cột mốc doanh thu qua từng năm của điện ảnh Việt - Đồ họa: T.ĐẠT
Hai cột mốc đó cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường điện ảnh Việt Nam sau một thập niên. Có nhiều lý do giải thích sự tăng trưởng nhanh chóng này.
Thứ nhất, sự đầu tư của các "ông lớn" Hàn Quốc như CGV và Lotte với hệ thống rạp chiếu được phủ sóng rộng khắp từ các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đến các thành phố tỉnh lỵ nhỏ giúp phim ảnh tiếp cận được với một số lượng khán giả lớn.
Thứ hai, thị trường chiếu bóng cũng được hưởng lợi từ một đất nước có hơn 97 triệu dân (theo trang https://danso.org/viet-nam/ công bố ngày 26-3-2019) với tỉ lệ dân số trẻ cao. Đối tượng khán giả đến rạp chủ yếu tại Việt Nam nằm ở độ tuổi 18-25, nên chắc chắn vẫn còn một số lượng lớn dân số gia nhập nhóm đối tượng khán giả chủ lực này.
Sự nở nồi của hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam đã góp phần đáng kể vào việc tăng doanh thu của thị trường điện ảnh nội địa...
Sẽ còn nhiều thay đổi
Tốc độ tăng trưởng của thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhờ vào dân số trẻ, hệ thống rạp chiếu tiếp tục gia tăng và việc đến rạp giải trí đang trở thành xu hướng sống của giới trẻ.
Con số doanh thu 100 tỉ đồng đối với phim Việt vẫn là niềm mơ ước lớn của các nhà làm phim, nhưng thực chất vẫn còn quá nhỏ so với thị trường gần 100 triệu dân.
Trong số các bộ phim từng giữ kỷ lục doanh thu tại Việt Nam, kể cả Hai Phượng, chưa có bộ phim nào vượt quá cột mốc thu hút được 3 triệu lượt khán giả.
Hãy thử nhìn sang thị trường nội địa Hàn Quốc, quốc gia có 50 triệu dân nhưng có tới hơn... 100 bộ phim thu hút hơn 4 triệu lượt khán giả trở lên và 18 phim trong số đó thu hút từ 10 triệu lượt khán giả trở lên (cao nhất là bộ phim Đại thủy chiến với 17,6 triệu lượt).
Phim Đại thủy chiến - một trong số những niềm tự hào của điện ảnh Hàn Quốc
Tất nhiên điện ảnh Việt Nam còn lâu mới so sánh được với điện ảnh Hàn Quốc, vì chúng ta vẫn thực sự thiếu những tác phẩm lớn và những nhà làm phim tài năng.
Nhưng với một thị trường còn tăng trưởng mạnh, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng điện ảnh Việt sẽ còn có nhiều thay đổi ngoạn mục trong thời gian tới và các kỷ lục mới sẽ sớm được thiết lập.
Bên cạnh sức hút của một bộ phim hành động có kịch bản đơn giản nhưng hiệu quả, các màn hành động mãn nhãn với sự dấn thân của "đả nữ" Ngô Thanh Vân; Hai Phượng có lẽ còn thu hút sự tò mò của người xem bởi hiệu ứng truyền miệng của một bộ phim do Việt Nam sản xuất được Netflix mua bản quyền và gần như được chiếu đồng thời tại thị trường nổi tiếng khó tính là Bắc Mỹ.
Những cảnh 'đánh đấm' trong Hai Phượng đã thực sự làm thỏa cơn khát phim hành động Việt
Một phần khác không thể phủ nhận là Hai Phượng được hưởng lợi nhờ thị trường nội địa đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm 2019.
Đó là những lý do "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" giúp Hai Phượng vươn lên dẫn đầu doanh thu không chỉ tính riêng phim nội địa, mà cả phim quốc tế tại thị trường Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận