Hôm 23-8, một ngày trước quốc khánh Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời công bố gói viện trợ quân sự mới cho Kiev.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng thông báo về đợt viện trợ 125 triệu USD này sau cuộc thảo luận với người đồng cấp Rustem Umerov bên phía Ukraine.
Tiếp lửa cho Kursk và Donetsk
Trong cuộc điện đàm, ông Biden tái nhấn mạnh sự ủng hộ "không lay chuyển" của Washington đối với Ukraine trong xung đột với Nga. Từ tháng 2-2022, thời điểm Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, Mỹ đã là nhà viện trợ lớn nhất cho Kiev với hơn 50 tỉ USD.
Gói viện trợ quân sự lần này sẽ gồm các tên lửa phòng không, thiết bị chống máy bay không người lái, tên lửa chống tăng và đạn dược cho hệ thống HIMARS, Javelin... Đây được xem như món quà cho Ukraine ngay trước ngày quốc khánh 24-8 của họ, cũng là tin vui trong những ngày Ukraine căng thẳng trên hai mặt trận: Kursk ở hướng đông bắc và Donetsk ở phía đông.
Hãng tin AP lưu ý số vũ khí này được cung cấp thông qua cơ chế giải ngân của tổng thống, đồng nghĩa sẽ lấy từ kho dự trữ vũ khí của Bộ Quốc phòng và có thể được giao nhanh hơn. Mặc dù vậy, Ukraine chắc chắn phải cần thêm nữa để tiếp tục cuộc xâm nhập bất ngờ sang vùng Kursk của Nga, trong khi phải đối phó với bước tiến của Nga ở Donetsk, đặc biệt tại thành phố quan trọng Pokrovsk.
Trong phát biểu về vấn đề này, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng lặp lại lời kêu gọi các nước nhanh chóng thực hiện cam kết viện trợ cho Ukraine, đặc biệt đối với các hệ thống phòng không để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng. Trước đó vài ngày, ông Zelensky khẳng định Ukraine cần các nước tiếp tế nhanh hơn, và gửi thông điệp này tới Mỹ, Anh và Pháp.
Sự sốt ruột của ông Zelensky liên quan trực tiếp tới lo ngại ngày càng tăng ở miền đông, nơi Nga đang tiến nhanh tại các khu vực gần Pokrovsk, Toretsk và Chasiv Yar.
Một lữ đoàn bộ binh Ukraine tuần rồi vừa viết trên Telegram rằng Nga đang gần như chiếm được Krasnohorivka và kiểm soát thị trấn Niu-York (hay New York) ở Donetsk. Tình thế này buộc Ukraine phải cân nhắc giữa việc dồn sức cho chiến dịch Kursk hay phải "chia lửa" trở lại cho miền đông.
Nhiều câu hỏi bỏ ngỏ
Quyết định của Ukraine về Kursk thực chất cũng là chủ đề Mỹ cần tìm câu trả lời. Theo AP, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều lần cho biết Mỹ đã liên lạc với giới lãnh đạo Ukraine để đánh giá tốt hơn về mục tiêu lâu dài cho chiến dịch Kursk. Việc Pokrovsk thất thủ sẽ gây nguy hiểm cho Ukraine khi Nga tiến gần hơn đến mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng Donetsk.
Khi được hỏi về Kursk, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh chỉ nói đang tiếp tục phối hợp với Ukraine về cách thức chiến dịch tại đây tương thích với những mục tiêu chiến lược của Ukraine. Bà Singh thừa nhận Mỹ còn nhiều câu hỏi về chuyện này, dù đã hiểu Ukraine muốn thiết lập "vùng đệm" ở Kursk.
Thực tế đây cũng là vấn đề nhạy cảm với bản thân chính quyền Tổng thống Biden. Khi chưa hiểu được Ukraine thực sự muốn gì, ông Biden cũng không thể trả lời các câu hỏi về chính chiến lược của Mỹ đối với xung đột Ukraine - Nga.
Hôm 21-8, tạp chí Foreign Policy cho rằng sự thất vọng tại Quốc hội Mỹ đang gia tăng khi ông Biden trễ hạn nộp báo cáo chi tiết về chiến lược của Mỹ nêu trên. Ít nhất một nghị sĩ đã tìm cách đình chỉ hoàn toàn việc viện trợ cho Ukraine cho tới khi báo cáo ấy được trình.
Ông Michael McCaul, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện, nhận xét trong tuyên bố gửi Foreign Policy: "Sự "ủng hộ" của chính quyền Biden - Harris dành cho Ukraine chỉ đủ giúp quốc gia này tồn tại chứ không đủ để thắng.
Ông McCaul cũng lưu ý việc Tổng thống Biden xem một số loại vũ khí cung cấp cho Ukraine là "quá khiêu khích" nhưng sau cùng cũng phải gửi sang Kiev, và điều này phản ánh chính quyền đương nhiệm của Mỹ thiếu chiến lược rõ ràng để giúp Ukraine chiến thắng.
Tương tự tướng không quân về hưu Philip Breedlove cũng nhận xét Mỹ đang mặc định không muốn Ukraine bị đánh bại, và chỉ chờ đợi một trong hai nước từ bỏ giao tranh, ngồi vào bàn đàm phán, thay vì có một chính sách rõ ràng.
Ngày 23-8, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên hơn 400 thực thể và cá nhân vì đã hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Viện trợ và trừng phạt vẫn là những công cụ "truyền thống", và nhiều người đang hoài nghi về hiệu quả của nó.
Mỹ có tin Ukraine chiến thắng?
GS Anders Aslund (ĐH Georgetown, Mỹ) bình luận trên báo Kyiv Independent rằng nếu đắc cử, Phó tổng thống Kamala Harris cần sửa lại những sai lầm trong chính sách của ông Biden với Ukraine.
Và theo ông, đây cũng là một cơ hội để bà Harris ghi dấu ấn chính trị. Đó cũng là nỗ lực giúp xóa đi suy nghĩ của nhiều người rằng Mỹ và một số nước phương Tây thực tế không tin Ukraine có thể thắng.
Một khảo sát của YouGov mới đây cho thấy dư luận Mỹ đang chia rẽ khi bàn về khả năng Ukraine hay Nga sẽ "thắng", và phần lớn nói rằng họ không biết ai sẽ thắng. Có 22% nói Ukraine sẽ thắng, so với 16% của Nga; 33% nói không ai thắng, và 28% còn lại nói họ không chắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận