08/06/2024 05:25 GMT+7

Điểm chuẩn vào lớp 10 TP.HCM sẽ giảm?

'Với tình hình đề thi của ba môn văn, toán và tiếng Anh, tôi nghĩ điểm chuẩn vào lớp 10 năm 2024 sẽ giảm ở các trường THPT tốp đầu và tốp thứ hai' - một giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) nhận định.

Thí sinh kết thúc thi môn Toán tại điểm thi THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận, TP.HCM vào sáng 7-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thí sinh kết thúc thi môn Toán tại điểm thi THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận, TP.HCM vào sáng 7-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo giáo viên trên, điểm chuẩn ở các trường THPT thuộc tốp giữa và tốp dưới sẽ không giảm hoặc có thể tăng lên chút ít.

Phổ điểm tăng ở môn văn, tiếng Anh

Theo đánh giá của các giáo viên, phổ điểm môn văn năm nay sẽ tăng so với năm trước vì đề thi thuộc dạng "dễ thở".

"Độ khó của đề thi văn ở mức độ vừa phải, sát với nội dung mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã thông báo trước đó. Các câu lệnh ở từng phần đều rất rõ ràng. Ngay cả phần nghị luận văn học cũng không làm khó thí sinh. Em nào không thuộc dẫn chứng cho câu hỏi về nhân vật trong tác phẩm Chiếc lược ngà thì có thể chọn câu 2. Câu này cho phép thí sinh tự chọn một đoạn thơ hoặc một bài thơ để phân tích. Tóm lại, đề thi tạo cơ hội hết mức cho thí sinh có thể làm được bài.

Do đó, đối với những học sinh có học bài, có kỹ năng làm bài là có thể đạt được 7 điểm hoặc 7,5 điểm" - ThS Trần Lê Duy, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định.

Cũng theo thầy Duy, đề văn năm nay tạo "đất" rất lớn cho học sinh giỏi thể hiện khả năng của mình: "Tôi đoán những học sinh giỏi văn sẽ đạt điểm rất cao với đề thi này".

Tương tự, các giáo viên môn ngữ văn ở quận 5, Bình Tân, Gò Vấp... cũng dự báo năm nay sẽ có nhiều thí sinh đạt trên 8 điểm môn văn, phần lớn các thí sinh sẽ đạt từ 6,5 - 7,5 điểm ở môn này.

Với môn tiếng Anh, tuy đa số thí sinh chia sẻ là các em làm bài tốt nhưng cô Hồ Thị Bích Ty, tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), đánh giá: "Sẽ không có mưa điểm 10 môn tiếng Anh như năm trước. Nguyên nhân vì một số câu hỏi dạng vận dụng có độ khó nhỉnh hơn năm trước, nếu không cẩn thận, thí sinh rất dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, 50% câu hỏi trong đề thi tiếng Anh thuộc dạng cơ bản nên học sinh trung bình có thể đạt được 5 điểm.

Dự đoán phổ điểm môn tiếng Anh năm nay sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2023. Học sinh khá có thể đạt điểm 7 - 8. Riêng số học sinh đạt 8 - 9 điểm sẽ nhiều hơn. Còn tỉ lệ học sinh đạt điểm 10 sẽ ít hơn" - cô Bích Ty cho hay.

Khó khăn môn toán

Điểm chuẩn vào lớp 10 TP.HCM sẽ giảm?- Ảnh 4.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các điểm thi, hầu hết thí sinh đều đánh giá là đề khó hơn năm trước. Sau giờ thi, một số thí sinh không làm được bài đã bật khóc.

Thầy Đặng Nguyên Vũ, tổ trưởng tổ toán Trường THCS Cầu Kiệu, quận Phú Nhuận, thừa nhận: "Đề toán năm nay khó hơn năm 2023, thể hiện rõ nét nhất ở bài 6 và bài 7.

Chưa kể đề còn có những câu hỏi lạ so với học sinh học chương trình cũ. Đơn cử là bài 3: bài này không khó nhưng sách giáo khoa chương trình cũ thì ít có những bài tập dạng như thế này.

Mà tâm lý học sinh mới làm đến bài 3 đã thấy khó khăn là các em dễ bị hoảng, mất bình tĩnh. Rồi các bài toán thực tế thì dài dòng, thí sinh không chỉ đọc một lần mà phải đọc nhiều lần mới giải được... dẫn đến việc làm bài không kịp thời gian".

Thầy Vũ dự đoán: "Đã nhiều năm nay, điểm thi môn toán thường là thấp nhất trong các môn thi tuyển sinh lớp 10. Năm trước, số thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên chỉ có hơn 50% thì năm nay, với tình hình này, rất có thể là hơn 50% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Ngoài ra điểm 9, 10 cũng sẽ ít hơn năm trước".

Cùng quan điểm, một giáo viên môn toán Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng cho rằng: "Đề thi môn toán năm nay có độ phân hóa rõ nét hơn năm trước. Phổ điểm môn toán chắc chắn sẽ giảm xuống, tỉ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình sẽ tăng lên. Với đề thi như năm nay thì việc đạt được 8 điểm đã là rất khó. Vì vậy, tỉ lệ học sinh đạt điểm giỏi sẽ không nhiều".

Sẽ sắp xếp cho thí sinh đi thi bằng xe cấp cứu học trường gần nhà

Nguyễn Thị Yến Nhi đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: bệnh viện cung cấp

Nguyễn Thị Yến Nhi đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: bệnh viện cung cấp

Sáng 7-6, thí sinh Nguyễn Thị Yến Nhi (Trường THCS Nguyễn An Ninh, quận 12, TP.HCM) phải nhập viện và không thể tiếp tục thi vào lớp 10.

Bà Nguyễn Thị Ánh Trang, mẹ của Nhi, cho biết 4h sáng cùng ngày, bà gọi con dậy nhưng thấy chân con lạnh, bà vội đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ trưa 7-6, ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết: "Chúng tôi đã nắm được trường hợp em Nhi. Đây là một học sinh có ý chí, dù bị tai nạn, rất đau đớn nhưng em vẫn nỗ lực ngày đêm ôn bài và mong muốn được đi thi vào lớp 10. Chúng tôi cũng nắm được là gia cảnh em Nhi rất khó khăn, riêng em Nhi là học sinh giỏi ở cấp THCS.

Vì vậy sở đang nghiên cứu, vận dụng các quy định về tuyển sinh lớp 10 với mục đích có thể sắp xếp cho em Nhi một chỗ học trong trường THPT công lập ở gần nhà".

Đề thi đảm bảo yêu cầu

Tại buổi họp báo diễn ra ngay sau kỳ thi, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - giải thích kỳ thi lớp 10 là kỳ thi tuyển sinh, do đó tinh thần của đề thi sẽ phải thể hiện tính phân hóa: có dễ, có khó để phục vụ được mục tiêu tuyển sinh.

"Không phải đánh giá một đề thi khó hay dễ, mà có sự phân hóa để học sinh giỏi làm được bao nhiêu phần trăm, khá làm được bao nhiêu phần trăm, trung bình, yếu làm được bao nhiêu phần trăm, để có thể tuyển sinh được. Đó là tinh thần chung của việc ra đề", ông Nam nói.

Theo ông Nam, đề thi vẫn đảm bảo theo yêu cầu và không ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguyện vọng, lựa chọn trường của học sinh.

Theo ông Hồ Tấn Minh - chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP, có hai trường hợp nữ sinh để điện thoại trong váy mang vào phòng thi bị giám thị phát hiện và lập biên bản. Các điện thoại này được đưa sang Phòng an ninh chính trị nội bộ kiểm tra và không phát hiện có dấu hiệu làm lộ, lọt đề thi ra ngoài.

Đề toán khó là khó chung

Cấu trúc đề toán năm nay cũng giống như năm trước, nhưng đề thi dài hơn. Với đề thi này, khi học sinh đọc đề xong, các em phải nghĩ ra hướng giải nhanh mới có thể thực hiện được hết bài kịp thời gian.

8 câu toán với 10 phần nhỏ như vậy và thời gian làm bài 120 phút, trung bình mỗi phần các em sẽ phải giải quyết trong 12 phút. Nếu các em phải suy nghĩ nhiều thì với đề toán này các em sẽ không thể thực hiện xong khi hết thời gian.

Trong các câu liên hệ thực tiễn của đề toán, nếu học sinh chưa quen, các em sẽ gặp khó khăn ngay. Vì trong những câu toán thực tế này, học sinh phải vận dụng những kiến thức đã học để giải bài toán thực tế nhưng nếu các em chưa có thời gian để ôn tập và thực hiện những dạng toán này nhiều cộng với đề dài, các em sẽ gặp khó khăn khi làm những bài thực tế.

Điều này xảy ra ngay cả với những học sinh có học lực khá về môn toán, không phải riêng đối với những em có học lực trung bình.

Với đề toán năm nay thì phổ điểm của học sinh chủ yếu sẽ nằm ở mức 5 - 6 điểm. Đây là phổ điểm của học sinh khá. Theo tôi thì điểm 9, 10 môn toán sẽ không nhiều như năm ngoái. Nhưng phụ huynh yên tâm, việc đề toán khó là khó chung, tất cả học sinh đều sẽ gặp khó như vậy.

Thầy CAO ĐỨC KHOA (hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, TP.HCM, giáo viên bộ môn toán) - MỸ DUNG ghi

Kỳ thi thôi, cần gì tốn nhiều nước mắt thế con!Kỳ thi thôi, cần gì tốn nhiều nước mắt thế con!

Cậu con trai chỉ nói dứt câu 'đề toán dài quá con làm không hết' rồi khóc hù hụ. Giáo dục đang biến việc học - thi bình thường thành 'cái gì đó' rất bất thường!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên