Thí sinh đến nộp hồ sơ theo hình thức xét tuyển bằng học bạ tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Từ thực tế của các phương thức tuyển sinh đại học (ĐH) và kết quả điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, đòi hỏi phải cấp thiết đổi mới tuyển sinh ĐH.
Trung tâm khảo thí quốc gia sẽ tổ chức nhiều đợt thi trong năm và các trường ĐH sẽ sử dụng kết quả để xét tuyển. Khi đó, việc đánh giá sẽ công bằng hơn và tiệm cận chất lượng chuẩn hơn.
TS Phan Hồng Hải (hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Bất thường nhưng bình thường
Năm nay, tuyển sinh ĐH ghi nhận hiện tượng điểm chuẩn nhiều ngành tăng vọt lên đến 9 điểm, có ngành thậm chí trên 30 điểm. Lý giải về hiện tượng này, nhiều chuyên gia lại cho rằng điểm chuẩn năm nay tăng là bình thường. Theo đó, nguyên nhân chính dẫn đến điểm chuẩn tăng cao trước hết do năm nay số lượng thí sinh dự thi tăng vọt so với năm trước (xấp xỉ 11%), trong khi chỉ tiêu không tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, do dịch COVID-19, ảnh hưởng lớn đến việc học của học sinh lớp 12 nên Bộ GD-ĐT ra đề có phần nhẹ nhàng hơn, khiến mặt bằng điểm thi cao, dẫn đến điểm chuẩn cao.
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, số liệu trong những năm gần đây cho thấy đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ, nhất là từ năm ngoái đến nay khi kỳ thi THPT không còn mục tiêu "2 trong 1".
"Với kỳ thi chung, vì thí sinh cùng dự thi cùng làm bài thời gian như nhau, như vậy đề dễ thì cùng dễ mà khó thì cũng khó đối với tất cả thí sinh. Điểm chuẩn năm nay cao là điều bình thường do đề thi dễ hơn" - ông Hùng giải thích.
Thực tế cho thấy điểm chuẩn năm nay chỉ tăng cao ở một số ngành, một số trường trong khi điểm chuẩn ở các trường tốp trên không tăng nhiều. Cụ thể, điểm chuẩn ngành y khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM năm nay là 28,20 điểm, trong khi năm 2017 điểm chuẩn ngành này là 29,25 điểm.
Năm nay trường này dành đến 100 chỉ tiêu ngành y khoa xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (điểm chuẩn 27,65). Điều này đồng nghĩa với việc số chỉ tiêu dành xét điểm thi THPT đã giảm gần 1/3 nhưng điểm chuẩn ngành này vẫn giảm so với năm 2017.
Riêng trường hợp điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ngành sư phạm ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) lên đến 30,5 (đã cộng điểm ưu tiên) là do trường xét tuyển đến 5 phương thức, trong đó phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp của ngành này chỉ có 15 chỉ tiêu. Do vậy điểm chuẩn tăng cao là hết sức bình thường.
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định: "Các trường ĐH tự chủ tuyển sinh và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi THPT như xét học bạ, đánh giá năng lực... Có không ít trường có đến gần 50% thí sinh trúng tuyển các phương thức khác. Số chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả điểm thi THPT giảm mạnh, đẩy điểm chuẩn tăng cao".
Chưa chuẩn vì thang đo khác nhau
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng việc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay quá dễ khiến cho sự phân loại để lựa chọn vào các ngành, các trường rất khó khăn, gây ra "tự tin quá mức" của nhiều thí sinh, đồng thời khiến nhiều thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao vẫn không trúng tuyển.
Bên cạnh đó, việc tuyển sinh của các trường dựa theo cách lựa chọn khác nhau như theo học bạ, theo điểm thi THPT, xét tuyển kết hợp hoặc theo đánh giá năng lực nên rất khó có khái niệm chuẩn theo nghĩa chung mặt bằng năng lực học vấn để xét trúng tuyển vào các trường ĐH như thi "3 chung" trước đây.
"Qua đây cho thấy sự bất cập của việc lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào học ĐH. Với các thang đo tuyển đầu vào khác nhau thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của trường ĐH không thể đảm bảo có sự công bằng tương đối giữa các trường vì không đồng nhất thước đo" - ông Vinh nhận định.
Cũng theo ông Vinh, nếu năm sau vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi THPT để tuyển sinh thì bộ phận thiết kế đề thi cần rút kinh nghiệm ra đề cần được chuẩn hóa (nhất là giao cho địa phương tổ chức thi) sao cho có thể có những câu hỏi thi giúp phân hóa cho học sinh khá, giỏi và trung bình. Mỗi trường có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp với các hình thức khác để tuyển chọn được thí sinh phù hợp nhất.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - cho rằng khi có các thang đo tuyển sinh (bằng xét tuyển học bạ, bằng điểm kỳ thi THPT, bằng kết quả thi năng lực...) không giống nhau thì không thể có "công bằng" tuyệt đối.
"Các thang đo tuyển sinh không giống nhau thì không thể có được sự công bằng trong tuyển sinh. Ngay cả trong khi sử dụng kết quả của một kỳ thi mà việc tổ chức thi không giống nhau cũng không thể có kết quả công bằng. Vì thế việc tuyển sinh ĐH, theo tôi, để các trường ĐH tự quyết định theo hướng mở rộng đầu vào, tổ chức tốt việc đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra" - ông Hồng nhấn mạnh.
Cần sớm thành lập trung tâm khảo thí độc lập
Mới đây Bộ GD-ĐT cho biết sẽ hình thành các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực trong năm giúp các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh, giảm áp lực dồn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, Bộ GD-ĐT đã giao quyền cho các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh, nhưng hiện hầu hết các trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT xét tuyển.
"Để đánh giá chính xác chất lượng thí sinh trong tuyển sinh cần có các trung tâm khảo thí độc lập đứng ra tổ chức thi riêng. Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức mấy năm qua cho thấy sự phù hợp của đề thi có tính phân hóa tốt, có thể phân loại năng lực của thí sinh phục vụ mục tiêu tuyển sinh.
Thực tế cho thấy các thí sinh đạt điểm cao của kỳ thi này học ĐH rất tốt. Tuy nhiên thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường phần đông ở các tỉnh, đa số không tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Do vậy năm nay trường chúng tôi dành 70% chỉ tiêu phương thức xét điểm thi THPT. Nếu kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức rộng rãi và nhiều đợt, thí sinh sẽ tham gia nhiều hơn" - ông Hạ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận