Các ngành sư phạm tại Trường ĐH Sài Gòn có điểm chuẩn tăng so với năm trước - Ảnh: M.G.
Ngành sư phạm năm nay điểm chuẩn tăng vọt so với năm trước. Không ít ngành sư phạm có điểm chuẩn tăng đến 6, 7 điểm so với năm 2020.
Thống kê sơ bộ cho thấy, ngành sư phạm ở các trường có truyền thống đào tạo ngành này đều tăng từ 2 đến 10 điểm so với năm trước. Đây là mức tăng nhiều nhất sau nhiều năm ngành sư phạm ở nhiều trường có điểm chuẩn khá thấp.
Tăng từ 4 đến 10 điểm
Đáng chú ý nhất là nhóm ngành sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa). Nếu như năm 2020, hầu hết các ngành sư phạm của trường có điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn (18,5) thì năm nay điểm chuẩn tăng đột biến.
Trừ ngành sư phạm sinh tăng 0,5 điểm, sư phạm vật lý tăng 0,75 điểm, các ngành sư phạm còn lại đều có điểm chuẩn tăng đột biến từ 4 đến 7 điểm, có ngành tăng đến 9, 10 điểm so với năm 2020. Tuy là trường ĐH thuộc tỉnh nhưng điểm chuẩn nhiều ngành cao hơn cả những trường sư phạm trọng điểm.
Trong đó ngành sư phạm lịch sử tăng 10 điểm từ 18,5 của năm trước lên 28,5 của năm nay. Ngành sư phạm ngữ văn tăng 9,25 điểm, sư phạm địa lý tăng 7,75 điểm, sư phạm tiếng Anh tăng 6,25 điểm, sư phạm toán tăng 6,1 điểm, sư phạm hóa tăng 4 điểm.
Tại Trường ĐH Cần Thơ, ngành sư phạm lịch sử có điểm chuẩn 25 điểm, tăng 6 điểm so với năm trước. Một số ngành sư phạm khác cũng có điểm chuẩn tăng mạnh như giáo dục thể chất tăng 7,25 điểm, sư phạm vật lý tăng đến 6 điểm, sư phạm sinh học tăng 5,25 điểm, sư phạm tin học tăng 4,5 điểm.
Tại Trường ĐH Đà Lạt, các ngành sư phạm toán, ngữ văn và tiếng Anh đều tăng từ 6 đến 6,5 điểm so với năm 2020.
Điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) năm nay cũng tăng từ 1 đến 5,9 điểm so với năm trước. Trong đó ngành sư phạm hóa tăng 5,9 điểm, sư phạm vật lý tăng 4,9 điểm, sư phạm lịch sử tăng 4,5...
Tương tự, điểm chuẩn ngành sư phạm toán, sư phạm hóa tại Trường ĐH Quy Nhơn cũng tăng 6,5 điểm so với năm trước. Một số ngành sư phạm khác cũng có điểm chuẩn tăng đáng kể như sư phạm ngữ văn tăng 4,5 điểm, sư phạm tiếng Anh tăng 5,5 điểm.
Ở nhiều trường ĐH khác như Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM, Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Sài Gòn, Tây Nguyên, Vinh... điểm chuẩn các ngành sư phạm phần lớn tăng từ 1 đến 3 điểm so với năm trước.
Điểm chuẩn tăng do khó khăn kinh tế
Lý giải về nguyên nhân điểm chuẩn ngành sư phạm tăng vọt, đại diện nhiều trường cho rằng có nhiều yếu tố tác động, chứ không chỉ do đề thi năm nay dễ hơn.
TS Trần Hữu Duy - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Đà Lạt - cho hay đề thi dễ khiến điểm thi của thí sinh tăng lên, không chỉ riêng thí sinh xét tuyển ngành sư phạm. Tuy nhiên, năm nay ngành sư phạm có chính sách miễn học phí, cấp sinh hoạt phí hằng tháng 3,56 triệu đồng nên đã thu hút lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hơn.
"Các chính sách này đã thu hút thí sinh, nhất là thí sinh giỏi quay trở lại ngành sư phạm. Năm nay trường tuyển 350 chỉ tiêu sư phạm nhưng có đến gần 3.000 nguyện vọng đăng ký, nhiều hơn hẳn năm trước. Đây là yếu tố chính đẩy điểm sư phạm tăng mạnh" - ông Duy nói.
Tương tự, GS.TS Hà Thanh Toàn - hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho rằng chính sách cấp sinh hoạt phí là yếu tố chính tác động thí sinh giỏi quay lại ngành sư phạm. Bên cạnh đó, đề thi dễ cũng là yếu tố tác động thêm cho việc điểm chuẩn tăng.
Trong khi đó, PGS.TS Lưu Trang - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) - cho rằng đề thi dễ, chính sách học phí là yếu tố tác động đến điểm chuẩn sư phạm tăng nhưng không phải là nguyên nhân chính.
Theo ông Trang, chính dịch COVID-19 là nguyên nhân đẩy điểm chuẩn sư phạm tăng vọt. Lý giải việc này, ông Trang cho biết dịch COVID-19 kéo dài đã khiến kinh tế nhiều gia đình rơi vào cảnh rất khó khăn, có thể không kham nổi học phí những trường khác.
"Sư phạm miễn học phí, được cấp sinh hoạt phí hằng tháng là lựa chọn của nhiều gia đình thí sinh trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này khiến số lượng và chất lượng thí sinh xét tuyển sư phạm tăng lên. Giáo viên là nghề không làm ra nhiều tiền nhưng ổn định, có thu nhập. Dịch kéo dài, giáo viên dạy online và Nhà nước vẫn trả lương" - ông Trang giải thích thêm.
Chưa rõ phương thức chi trả sinh hoạt phí
GS.TS Hà Thanh Toàn cho biết đến nay mới có 2 tỉnh đặt hàng, chi trả chi phí, sinh hoạt phí cho trường. Các tỉnh còn lại trong khu vực chưa thực hiện đặt hàng nên không biết việc chi trả học phí và sinh hoạt phí của sinh viên thế nào.
TS Lưu Trang cũng băn khoăn về việc chi trả kinh phí đào tạo và cấp sinh hoạt phí cho sinh viên. Ông Trang cho biết dự kiến tháng 10 Bộ GD-ĐT mới họp về vấn đề này.
"Làm sao gỡ được vướng mắc giữa khâu đặt hàng và giải quyết việc làm sau này thì chính sách miễn học phí, cấp phí sinh hoạt hằng tháng cho sinh viên sư phạm mới thực sự hiệu quả. Tỉnh đặt hàng nhưng sau này không phân nhiệm sở hoặc sinh viên tốt nghiệp không được qua vòng thi tuyển giáo viên của tỉnh thì sao?" - TS Trần Hữu Duy băn khoăn.
Là thí sinh mới trúng tuyển ngành sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Sài Gòn, thí sinh Trần Ngọc Khánh Vy cho biết chính sách miễn học phí, cấp phí sinh hoạt hằng tháng hỗ trợ sinh viên sư phạm là điều tốt. Tuy nhiên Vy lo ngại, nếu cam kết nhận chi phí này, nếu ra trường trong 2 năm không tìm được việc trong ngành giáo dục, phải hoàn trả chi phí khó khăn.
"Học phí của trường cũng khá thấp nên gia đình lo được. Do đó tôi đang cân nhắc xem có ký cam kết phục vụ trong ngành để nhận hỗ trợ hay không" - Vy chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận