16/09/2021 17:36 GMT+7

Điểm chuẩn nhiều ngành tăng 'chóng mặt'

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Điểm chuẩn các trường đại học năm nay tăng vọt so với những năm trước. Những kỷ lục mới về điểm chuẩn liên tục bị phá vỡ.

Điểm chuẩn nhiều ngành tăng chóng mặt - Ảnh 1.

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển học bạ vào trường đại học - Ảnh: M.G

Những năm trước, điểm chuẩn ngành sư phạm dù cao cũng hiếm khi vượt qua nhiều ngành "hot" khối công nghệ, ngoại ngữ. Năm nay, điểm chuẩn sư phạm đã thiết lập đỉnh điểm chuẩn mới.

Điểm chuẩn ngành sư phạm nhảy vọt

Điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) của ngành sư phạm ngữ văn chất lượng cao lên đến 30,5. Điểm chuẩn này dành cho thí sinh không có điểm ưu tiên khu vực, đối tượng.

Đây là đỉnh điểm chuẩn mới được thiết lập trong mùa tuyển sinh năm nay, xô đổ mức điểm chuẩn 30 của ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) công bố trước đó.

Ngành sư phạm lịch sử chất lượng cao cũng có điểm chuẩn lên đến 29,75. Đây là mức điểm chuẩn chưa từng có ngành, trường sư phạm nào đạt được trước đây.

Không chỉ các ngành chất lượng cao, điểm chuẩn các ngành sư phạm đại trà của trường năm nay cũng cao chót vót: sư phạm ngữ văn 27,75, sư phạm lịch sử 28,5, sư phạm địa lý 26,25.

Điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm ở nhiều trường đại học khác như Cần Thơ, Sư phạm TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Đà Lạt đều tăng từ 1 đến 7,25 điểm so với năm trước.

Tại Trường ĐH Cần Thơ, ngành sư phạm lịch sử có điểm chuẩn 25 điểm, tăng 6 điểm so với năm trước. Những ngành sư phạm khác cũng có mức điểm tăng chóng mặt, như giáo dục thể chất tăng 7,25 điểm, sư phạm vật lý tăng đến 6 điểm, sư phạm sinh học tăng 5,25 điểm, sư phạm tin học tăng 4,5 điểm.

Tại Trường ĐH Đà Lạt, các ngành sư phạm toán, ngữ văn và tiếng Anh đều tăng từ 6 đến 6,5 điểm so với năm 2020.

Theo các trường, quy định mới với sinh viên ngành sư phạm đã thu hút thí sinh giỏi trở lại ngành này. PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền - phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức - cho biết nghị định mới về hỗ trợ sinh viên sư phạm, sinh viên ngoài được miễn học phí, được cấp phí sinh hoạt hằng tháng 3,6 triệu đồng chính là yếu tố thu hút thí sinh giỏi vào sư phạm. Đây chính là lý do điểm chuẩn các ngành sư phạm của trường tăng mạnh so với năm trước.

Nhiều ngành điểm chuẩn tăng 11 điểm

Thống kê từ các trường cho thấy điểm chuẩn các ngành năm nay đều tăng so với năm trước, nhất là các tổ hợp có xét tuyển môn tiếng Anh. Cá biệt có một số trường điểm chuẩn tăng rất mạnh, nhiều ngành có điểm chuẩn tăng đến hơn 10 điểm so với năm trước.

Tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, ngành quản trị du lịch và lữ hành có điểm chuẩn 26, tăng gần 11 điểm so với mức điểm 15,05 của năm trước. Điểm chuẩn ngành công nghệ thông tin cũng tăng 10 điểm, tài chính ngân hàng tăng 10,05 điểm, kinh doanh quốc tế tăng 9,9 điểm. Các ngành còn lại tăng từ 4 đến 8,25 điểm.

Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, các ngành đều tăng từ 0,25 đến 2,5 điểm. Sư phạm tiếng Anh và ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn tăng nhiều nhất. 

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nhận xét có hai lý do dẫn đến điểm chuẩn tăng mạnh.

"Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay ở một số môn thi, nhất là môn tiếng Anh, dễ hơn so với năm trước, nên mặt bằng điểm của thí sinh cao hơn, điểm 8 - 9 của thí sinh tăng lên. Điều này khiến các ngành năm trước có điểm chuẩn 24 - 25 năm nay tăng mạnh. Trong khi đó những trường năm trước điểm chuẩn rất thấp năm nay sẽ có sự nhảy vọt.

Ngoài ra, vì tình hình dịch bệnh, các trường chủ động xét tuyển bằng các phương thức khác nên chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều. Đó cũng là lý do khiến điểm chuẩn tăng", ông Dũng giải thích.

ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết điểm chuẩn của trường năm nay tăng từ 0,5 đến 5 điểm so với năm trước. Năm nay, các ngành chất lượng cao có điểm chuẩn gần hoặc bằng với chương trình đại trà.

Theo ông Quán, đề thi dễ hơn là một trong những nguyên nhân đẩy điểm chuẩn các trường lên. Các chính sách của trường với những ngành khoa học cơ bản như toán, vật lý được chú trọng đầu tư nên thu hút thí sinh hơn.

"Thí sinh nghe toán học nhiều khi đã sợ, nên không đăng ký. Trường đã chia ra các chuyên ngành như toán ứng dụng, toán tin, khoa học dữ liệu nên thu hút thí sinh hơn. Hơn nữa sinh viên các ngành khoa học cơ bản học nghiệp vụ sư phạm có thể đi dạy phổ thông được cũng là yếu tố thu hút thí sinh", ông Quán nói.

Lo thí sinh ảo tăng

Mặc dù hai nhóm trường phía Bắc, phía Nam và Bộ Giáo dục và đào tạo đã lọc ảo nhiều lần trước khi công bố điểm chuẩn, nhưng các trường vẫn lo năm nay tỉ lệ ảo sẽ lớn so với năm trước.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, những năm trước thí sinh trúng tuyển các phương thức khác sẽ phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học, trường quét mã lên hệ thống chung, thí sinh sẽ bị loại khỏi danh sách xét tuyển trên hệ thống.

Năm nay, do tình hình dịch COVID-19 ở các tỉnh thành phía Nam, thí sinh không xác nhận nhập học được, các trường cũng không thể loại thí sinh khỏi danh sách xét tuyển. Do đó tỉ lệ ảo năm nay sẽ rất lớn.

"Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM gọi hơn 6.000 thí sinh trúng tuyển theo phương thức học bạ, nhưng chỉ có khoảng 2.000 thí sinh xác nhận nhập học. 4.000 thí sinh còn lại là ảo, ảo cho chính trường và các trường khác. Tình hình các trường khác cũng như vậy. Do đó, nếu trường gọi 110% so với chỉ tiêu, nhiều khả năng sẽ không tuyển đủ", ông Dũng phân tích.

Thi điểm tuyệt đối 30 vẫn không trúng tuyển đại học Thi điểm tuyệt đối 30 vẫn không trúng tuyển đại học

TTO - Ngành sư phạm ngữ văn chất lượng cao ở Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) có điểm chuẩn lên đến 30,5, do đó thí sinh thi đạt điểm tuyệt đối 30 điểm/3 môn vẫn không trúng tuyển.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên