Tại nhiều nước châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, việc các cặp đôi chụp ảnh cưới để ghi lại thời khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời đã không còn xa lạ.
Thậm chí, việc chụp ảnh cưới còn là một ngành kinh doanh “có tiếng” tại đất nước tỉ dân. Người ta có thể bắt gặp các cặp đôi hào hứng, vui vẻ, hạnh phúc chụp ảnh cưới tại các công viên, đền chùa, di tích lịch sử.
Tuy nhiên, cũng tại Trung Quốc, hàng triệu cuộc hôn nhân vẫn đi vào bế tắc và kết thúc bằng lá đơn ly hôn mỗi năm.
Tỉ lệ ly hôn tăng vọt ở Trung Quốc sau khi luật hôn nhân và gia đình tại nước này được nới lỏng vào năm 2003. Tuy nhiên, tỉ lệ ly hôn đã giảm đáng kể kể từ sau khi Chính phủ Trung Quốc ban hành quy định áp dụng “một tháng nghỉ ngơi” trước khi mở phiên tòa ly hôn.
Năm 2022, Trung Quốc ghi nhận 2,9 triệu vụ ly hôn, giảm hơn 4,3 triệu so với hai năm trước đó.
Dịch vụ tiêu hủy ảnh cưới hậu ly hôn
Gần đây, trang tin Hong Kong Free Press (HKFP) đưa tin một nhà máy nằm ở tỉnh Sơn Đông, cách thủ đô Bắc Kinh 120km đã triển khai dịch vụ tiêu hủy ảnh cưới thành phế liệu dành cho những cặp vợ chồng hậu ly hôn.
Sau khi dùng sơn tối màu để che đi khuôn mặt của chủ nhân bức ảnh, giúp bảo vệ sự riêng tư của khách hàng, các công nhân đập vỡ phần kính thủy tinh của các bức ảnh và đưa chúng vào các máy tiêu hủy tài liệu công nghiệp, để bắt đầu quá trình tiêu hủy ảnh cưới.
Tiếp theo, những tấm ảnh cưới đã bị nghiền nát sẽ được đưa đến một nhà máy xử lý nhiên liệu sinh học gần đó cùng với các loại rác thải sinh hoạt khác để tạo ra điện.
Nhiều người vẫn chọn giữ lại ảnh cưới của họ suốt nhiều năm sau khi ly hôn và chỉ vứt bỏ khi họ tái hôn hoặc khi người bạn đời cũ qua đời, do nhiều điều kiêng kỵ theo văn hóa Á Đông.
Thế nhưng, bất chấp những điều cấm kỵ xung quanh việc tiêu hủy ảnh của người còn sống, nhà máy của ông Lưu vẫn nhận được từ 5 đến 10 đơn đặt hàng tiêu hủy ảnh cưới mỗi ngày.
Theo lời ông Lưu, họ nhận được rất nhiều bức ảnh với đủ mọi chất liệu mỗi ngày, từ những bức ảnh treo tường có kích thước lớn cho đến những bức ảnh nhỏ hơn, album ảnh cưới bằng nhựa, acrylic và thủy tinh.
“Hầu hết ảnh cưới được làm bằng chất liệu acrylic, không dễ cháy và nhiều nơi có tập tục cấm đốt ảnh người sống. Hơn nữa, việc ném ảnh cưới vào thùng rác là rất khó khăn. Vì thế, chúng tôi chọn tiêu hủy ảnh bằng máy tiêu hủy tài liệu”, ông Lưu giải thích với báo South China Morning Post.
Việc tiêu hủy ảnh cưới sẽ có giá dao động từ 10 đến hơn 100 nhân dân tệ (gần 35.000 đến gần 350.000 đồng) mỗi tấm ảnh, tùy theo trọng lượng và kích thước của ảnh.
Triệt để xóa bỏ đoạn hồi ức đã qua
“Những khách hàng của tôi đều là những người đang loay hoay tìm cách kết thúc câu chuyện của cuộc đời họ. Chủ yếu họ muốn tháo gỡ nút thắt trong lòng mình”, ông Lưu kể.
Kể từ khi dịch vụ tiêu hủy ảnh cưới ra mắt một năm trước, ông Lưu đã tiêu hủy ảnh cưới của khoảng 1.100 khách hàng. Hầu hết, các khách hàng của ông đều ở độ tuổi dưới 45 và 2/3 trong số họ là phụ nữ.
Do tính chất “một đi không trở lại” của việc tiêu hủy ảnh cưới, ông Lưu đã tạo điều kiện cho các khách hàng của mình cơ hội được nhìn lại những hình ảnh cũ của mình, để tránh trường hợp họ còn vương vấn với đoạn ký ức cũ.
“Tôi cũng tạo điều kiện cho các khách hàng có thể trực tiếp chứng kiến những bức ảnh cưới của mình bị tiêu hủy. Điều này cũng giống như việc họ trực tiếp tham gia vào một ‘buổi lễ’ đánh dấu sự kết thúc một chương trong nhật ký cuộc đời họ vậy”, ông Lưu bộc bạch.
Đáng buồn thay, ông Lưu nhận định với tỉ lệ ly hôn chưa có dấu hiệu giảm sút, dịch vụ tiêu hủy ảnh cưới sẽ còn thu hút được nhiều sự quan tâm hơn trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận