15/09/2023 16:23 GMT+7

Dịch vụ công cần rút ngắn thời gian, giảm hoặc miễn lệ phí

Ý kiến về dịch vụ công do bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, nêu tại tọa đàm "Đề án 06 với chuyển đổi số và cải cách hành chính" diễn ra sáng 15-9.

Ông Bùi Ngọc Giáp, trưởng Ban chuyên đề Công an TP.HCM, chủ trì tọa đàm - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Ông Bùi Ngọc Giáp, trưởng Ban chuyên đề Công an TP.HCM, chủ trì tọa đàm - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Cần thêm nhiều "cú hích"

Tại tọa đàm, bà Trinh nhận định việc chuyển đổi số là câu chuyện tất yếu, nếu không thực hiện sẽ bị tụt hậu. Để triển khai ứng dụng các chương trình chuyển đổi số của TP như đề án 06 hiệu quả với người dân, doanh nghiệp, bà cho rằng cần chú trọng hỗ trợ nhóm đối tượng khó tiếp cận, tận dụng mạng xã hội và đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở.

Bà Trinh lưu ý người dân cần sự công khai, minh bạch, cam kết thời gian chính xác. Do đó các đơn vị liên quan phải nêu cụ thể được khi dùng dịch vụ công trực tuyến sẽ rút ngắn thời gian như thế nào. "Lệ phí có thể tính tới miễn hoặc giảm là những chính sách cụ thể để thu hút người dân sử dụng", bà Trinh nói.

Nêu cảm nhận về việc triển khai chuyển đổi số nói chung và thực hiện đề án 06 nói riêng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, cho rằng đã tạo được khí thế sôi nổi. Song theo ông Điện, vẫn có gì đó "chưa đủ" và cần thêm nhiều "cú hích" để kích thích sự quan tâm của xã hội.

Đảm bảo an ninh mạng khi làm dịch vụ công

Khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, nhiều người dân bày tỏ sự lo ngại về an ninh mạng. Về vấn đề này, thượng tá Hồ Thị Lãnh, phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, cho biết nghị định 59 về định danh và xác thực điện tử có quy định rõ trách nhiệm của công dân và các đơn vị về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM - Ảnh: MINH HÒA

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM - Ảnh: MINH HÒA

Khi thực hiện đề án 06, Bộ Công an quán triệt nguyên tắc là tất cả các chia sẻ, kết nối tuyệt đối đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Bộ Công an cũng đang hoàn thiện và phát triển ứng dụng VNeID theo hướng đảm bảo an toàn thông tin. Tuy nhiên kỹ thuật càng cao thì thủ đoạn của tội phạm càng phức tạp, tinh vi, khó lường.

"Thực tế vẫn có người dân mất tiền do bị lừa đảo qua mạng. Do đó cơ quan chức năng cần đảm bảo tuyên truyền kịp thời bằng nhiều kênh khác nhau. Khi phát hiện sự việc, Công an TP luôn cố gắng xử lý nhanh nhất có thể", bà Lãnh nói. 

Bà cũng cho biết để giảm tình trạng lừa đảo tín dụng đen, sắp tới sẽ có quy định để một số người dân có thể vay tới 100 triệu đồng qua xác thực dữ liệu dân cư.

Hết nghẽn mạng, dịch vụ công "gần như thông suốt"

Tại tọa đàm, thượng tá Hồ Thị Lãnh cho biết trước đây có tình trạng nghẽn mạng khi làm dịch vụ công và nhận định đó là vấn đề khách quan. Sau khi phối hợp xử lý sự cố về đường truyền, hiện tình trạng trên đã giảm nhiều, gần như thông suốt.

Ở góc độ địa phương, trung tá Nguyễn Ngọc Hải, trưởng Công an phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, cho rằng cũng gặp vướng về đường truyền trong thời gian đầu triển khai đề án 06.

"Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, phường đã tiếp nhận và giải quyết trên 7.000 hồ sơ. Con số này cho thấy đã khắc phục tốt vấn đề đường truyền. Nó không quá nghiêm trọng hay phức tạp để xem là khó khăn khi thực hiện đề án 06", ông Hải nói.

TP.HCM đã có 600 dịch vụ công toàn trình và một phầnTP.HCM đã có 600 dịch vụ công toàn trình và một phần

TP.HCM đã hoàn thành rà soát 80% tổng số thủ tục hành chính các cấp và phê duyệt danh mục 600 dịch vụ công đáp ứng tiêu chí toàn trình và một phần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên