Học sinh một trường THCS tại TP.HCM - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Bộ GD-ĐT vừa ban hành khung thời gian năm học 2021-2022, với thời gian tựu trường sớm nhất là ngày 1-9, riêng học sinh lớp 1 có thể đến trường từ ngày 23-8. Nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh cho rằng kế hoạch này không khả thi.
"Chiều qua tôi thấy kế hoạch này cứ như không có dịch. Làm sao trường chuẩn bị kịp? Lại thay sách giáo khoa mới, rồi chuẩn bị cơ sở vật chất. Nếu như TP.HCM tới ngày 15-8 hết giãn cách, thì chỉ còn 2 tuần để vào năm học mới. Đó là chưa kể một số trường làm cơ sở cách ly.
Thêm nữa, với học sinh lớp 6, thầy cô chưa biết mặt các em làm sao dạy online nếu lịch học vẫn diễn ra đầu tháng 9… Vì thế, với khung thời gian năm học trên, tôi thấy chưa phù hợp, thiếu thực tế" - hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1, TP.HCM nói.
Tương tự, một hiệu trưởng trường THCS ở quận Tân Bình, TP.HCM kể ông "chỉ biết cười" khi đọc xong thông tin về khung thời gian năm học 2021-2022. "Tôi không biết khi xây dựng khung thời gian năm học mới, Bộ GD-ĐT có nghĩ đến bao nhiêu bộ phận vất vả, nhất là ngành y tế.
Không hiểu sao bộ lại 'lùa' học sinh đi học như khung cũ của những năm trước, na ná nhau về thời gian, trong khi TP.HCM và cả nước đang căng thẳng chống dịch bệnh. Một khung thời gian quá bất cập.
Riêng trường của tôi, nếu áp dụng khung thời gian này, chúng tôi không sao có phòng để học sinh học. Vì bây giờ đang xây dãy phía trước gồm 30 lớp, trong hợp đồng cuối tháng 8 xong nhưng do dịch nên công trình ngưng thi công và không biết đến khi nào hoạt động.
Rồi có rất nhiều em về quê tránh dịch, và ở quê cũng là vùng dịch, trở lại TP không biết có kịp? Tuy nhiên, tôi vẫn mong đợi UBND TP ban hành khung thời gian năm học mới phù hợp với thực tế, với đặc thù của TP", ông chia sẻ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), cho rằng việc ban hành khung thời gian năm học mới là việc làm của bộ giống những năm trước, nhưng phải xem xét tình hình bối cảnh, hợp thời, hợp tình, hợp pháp.
"Tôi rất khó hiểu và không đồng tình khi bộ ra văn bản chỉ đạo năm học khai giảng như thế. Ở TP.HCM làm sao chuẩn bị kịp, có trường đang là nơi cách ly với 500-600 bệnh nhân F0, con số này giải quyết trong 10 ngày, 1 tuần kịp không? Chưa kể làm vệ sinh, khắc phục cơ sở vật chất. Tôi mong bộ điều chỉnh lại, có văn bản mới, văn bản mở, tạo sự linh động với thực tế hơn", thầy Phú bày tỏ.
Có con chuẩn bị vào lớp 1 ở TP.HCM, chị Hồ Thị Tuyền cho biết đang "rối trí" với khung thời gian năm học mới vì con chị đang ở Phú Yên tránh dịch: "Tỉnh Phú Yên cũng đang căng mình chống dịch, khu nhà tôi thì bị phong tỏa, không biết khi nào ổn. Chưa tròn 20 ngày, tôi phải cho con vào lại TP, nhưng đi bằng cách nào? Đó là tôi còn chưa chuẩn bị mọi thứ cho con. TP.HCM đang dịch giã, con đến trường sớm sức khỏe ra làm sao?".
Trước đó ngày 4-8, Bộ GD-ĐT đưa ra khung thời gian năm học áp dụng với bậc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, lễ khai giảng năm học mới sẽ vào ngày 5-9; thời điểm kết thúc học kỳ I trước ngày 16-1-2022; hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25-5-2022 và kết thúc năm học trước ngày 31-5-2022.
Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30-6-2022. Mốc thời gian hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp học trước ngày 31-7-2022.
Bạn đọc Tuổi Trẻ Online: Nên lùi thời gian năm học mới
* Mầm bệnh hiện đang ở trong cộng đồng, trước khi vắc xin được phủ rộng, tôi đề nghị cho bọn trẻ được học online hoặc tạm gác lại việc học. Học cả đời, chứ không phải 1 tháng hay 1 năm. Tôi không muốn nơm nớp lo lắng lỡ như con mình phải ôm đồ đi cách ly hoặc chữa bệnh trong khi cháu còn nhỏ. (Bạn đọc Hoàng Nguyên)
* Trẻ em hiện nay vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2. Bây giờ số ca nhiễm ở TP vẫn còn nhiều. Thà lùi ngày tựu trường và học bù vào dịp hè, không nên quá cứng nhắc phải tựu trường đúng ngày mà gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Nên nhớ biến thể Delta rất nguy hiểm, có thể tấn công vào người khỏe mạnh, huống gì trẻ em yếu ớt. Do đó ngày khai giảng niên học mới tùy thuộc vào số ca giảm đến mức nào, ngành giáo dục cần tham khảo ý kiến của Bộ Y tế trước khi quyết định. (Bạn đọc khainguyen...@yahoo.com)
* Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nếu khai trường sớm thì có đảm bảo là không bùng phát dịch bệnh lại hay không? Theo tôi, nên khai trường trễ hơn và cắt giảm thời gian nghỉ tết, nghỉ hè, ngày nghỉ để hoàn thành chương trình học. (Bạn đọc Giang)
* Dịch bệnh tại các tỉnh, thành phía Nam đang diễn biến phức tạp, không ít gia đình lại có nhiều thế hệ cùng sinh sống với nhau nên nguy cơ lây nhiễm chéo khá cao. Mặt khác, tỉ lệ tiêm chủng cho người đủ 18 tuổi trở lên tại các vùng này còn thấp, chưa đạt miễn dịch cộng đồng và chưa có vắc xin cho trẻ em. Mong rằng các sở GD-ĐT của các địa phương này được tự quyết định thời gian, hình thức học tập tùy diễn biến dịch bệnh từng nơi. (Bạn đọc Đông Phương)
* Vì sức khỏe cộng đồng, sức khỏe của các em học sinh, Bộ GD-ĐT nên kéo dài thời gian tựu trường đến tháng 10 hoặc tháng 11. (Bạn đọc Châu)
Bạn có đồng tình với khung thời gian năm học mới do Bộ GD-ĐT vừa ban hành? Bạn có ý kiến gì về việc này? Mời bạn chia sẻ ở ô Bình luận dưới bài hoặc gửi ý kiến đến email: giaoduc@tuoitre.com.vn
Thăm dò ý kiến
Dịch COVID-19 đang phức tạp, nhiều trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến... Theo bạn năm học mới nên:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận