04/08/2021 08:09 GMT+7

Dịch COVID-19 ngày 4-8: TP.HCM điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm COVID-19

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số xét nghiệm phục vụ nhu cầu theo dõi điều trị và xuất viện cũng tăng đồng thời so với số xét nghiệm giám sát người nhiễm trong cộng đồng.

Dịch COVID-19 ngày 4-8: TP.HCM điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 1.

Lây mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân phường 9, quận Phú Nhuận - Ảnh: X.MAI

Để phát hiện sớm các trường hợp F0 trong cộng đồng cũng như kịp thời trả kết quả cho các khu cách ly, bệnh viện điều trị, TPHCM thực hiện điều chỉnh việc phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm dựa trên công suất, nhu cầu của các đơn vị.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đề nghị Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động phân phối mẫu xét nghiệm theo hướng mỗi phòng xét nghiệm phụ trách chính cho một số đơn vị gửi mẫu (gồm Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức và cơ sở cách ly, cơ sở điều trị COVID-19).

Xây dựng bảng phân công cụ thể và điều phối mẫu về phòng xét nghiệm khác khi vượt công suất để đảm bảo mẫu không bị ứ động và trả kết quả đúng thời hạn.

Đồng thời các đơn vị lấy mẫu, chuyển mẫu cũng phải có kế hoạch và thông báo số lượng cần xét nghiệm về cho Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 trước một ngày. Chủ động kết nối cơ sở xét nghiệm để việc giao nhận mẫu, trả kết quả được thông suốt và đúng quy định.

Các đơn vị phải nhập đầy đủ thông tin người được lấy mẫu trên phần mềm CDS (http://cds.hcdc.vn) trước khi gửi mẫu xét nghiệm và thực hiện báo cáo theo quy định tại đường link được cung cấp.

Các phòng xét nghiệm phải kiểm tra, đối chiếu thông tin khi nhận mẫu và nhập kết quả xét nghiệm ngay khi có trên phần mềm CDS.

Theo báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 4-8, từ ngày 27-4 đến 3-8, thành phố đã lấy 1.074.590 mẫu, trong đó có 594.742 mẫu đơn, 479.848 mẫu gộp, với 4.272.400 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...).

Tổng số mẫu chưa có kết quả: 6.748 mẫu, trong đó có 6.235 mẫu đơn và 513 mẫu gộp.

BÌNH NGHI

Phú Yên kéo dài thời gian áp dụng Chỉ thị 16 đến ngày 15-8

Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên thống nhất chủ trương tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh đến ngày 15-8-2021.

Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay ở tỉnh này vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, công tác phòng chống dịch vẫn còn có những bất cập, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn dân với cách làm khoa học, hiệu quả và quyết liệt hơn nữa.

Dịch COVID-19 ngày 4-8: TP.HCM điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân Phú Yên từ TP.HCM về quê - Ảnh: DUY THANH

Do vậy, Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu phải tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Thực hiện nghiêm hơn, chặt chẽ hơn các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên thống nhất tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh đến ngày 15-8-2021.

Các địa phương sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể báo cáo UBND tỉnh để nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ địa phương.

Rà soát, nâng cao năng lực phòng chống dịch của tỉnh trên tất cả các khâu từ truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Tăng cường đúc rút kinh nghiệm, cách làm hay, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục hoàn thiện quy trình, giải pháp. 

Huy động tối đa các lực lượng, phân công cụ thể, hướng dẫn quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh khi làm nhiệm vụ để phát huy sức mạnh tổng hợp, giảm tải cho lực lượng tuyến đầu. 

Cân đối nguồn lực và có giải pháp để thực hiện đồng thời công tác khám chữa bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin bảo đảm đúng kế hoạch, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và an toàn.

Tỉnh Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg trong 15 ngày bắt đầu từ ngày 23-7, tức đến ngày 6-8 là chấm dứt. 

Tuy nhiên, hiện dịch COVID-19 ở Phú Yên vẫn chưa được chặn đứng, bình quân mỗi ngày có trên dưới 50 ca mắc mới. Tính từ 23-6 đến sáng 4-8, toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 1.561 ca COVID-19, trong đó có 12 ca tử vong.

DUY THANH

Doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau thuê khách sạn 5 sao cho công nhân ở để sản xuất

Ngày 4-8, ông Nguyễn Thành Phương- trưởng Phòng kinh tế TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau - cho biết UBND TP đã phê duyệt phương án tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến" cho 14 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn.

Có khoảng 6.000/13.000 công nhân (đạt khoảng 46%) đăng ký tập trung sản xuất theo hai phương án trên.

Doanh nghiệp bố trí chỗ ở miễn phí, tiền ăn trung bình từ 20.000 đồng - 30.000 đồng/suất (1 ngày ăn 3 suất). Bên cạnh đó, có doanh nghiệp hỗ trợ thêm 50.000 đồng/ngày tập trung…

Cũng theo ông Phương, doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn phải thuê nhiều khách sạn cho công nhân ở.

Cụ thể, Công ty cổ phần tập đoàn thủy sản Minh Phú có trên 1.950 công nhân đăng ký ăn ở tập trung sản xuất theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến". Vì vậy, doanh nghiệp này thuê 6 khách sạn và trường mầm non trên địa bàn TP Cà Mau. Trong số này, có khách sạn tiêu chuẩn 5 sao cho công nhân ở.

Theo Sở Công thương tỉnh Cà Mau, trên địa bàn có gần 40 doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản) được phê duyệt thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến".

Tùy theo điều kiện, các doanh nghiệp triển khai bố trí cho công nhân làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại công ty theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn hoặc đăng ký thực hiện phương án cho công nhân ở nhà nghỉ, khách sạn và tiến hành đưa đón công nhân lao động đến công ty làm việc.

Các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã bắt đầu triển khai thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến".

Qua kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt nội dung phương án đã được xây dựng, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

NGUYỄN HÙNG

Nghệ An phát hiện nhiều ca COVID-19 là công dân đi xe máy về quê

Những ca COVID-19 được phát hiện ở Nghệ An những ngày qua chủ yếu là người dân đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê và liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Minh An.

Sáng 4-8, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua, Nghệ An ghi nhận 11 ca COVID-19 mới; trong đó 6 người là người về từ TP.HCM, 5 bệnh nhân còn lại liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Minh An.

Dịch COVID-19 ngày 4-8: TP.HCM điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 3.

Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân về quê qua khu vực khai báo y tế tại chốt kiểm soát Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 - Ảnh: DOÃN HÒA

Các bệnh nhân từ TP.HCM về các địa phương huyện Diễn Châu, Yên Thành, Con Cuông và một công dân huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở Trạm thu phí Cầu Bến Thủy 2 được xét nghiệm nhanh, đưa vào các khu vực cách ly.

Riêng các bệnh nhân mới từ ổ dịch Bệnh viện Đa khoa Minh An đều là F1, đã được cách ly từ trước. Đến nay, ổ dịch này đã có 74 ca COVID-19.

Như vậy, từ ngày 13-6 đến nay, Nghệ An có 285 ca COVID-19 ở 16 địa phương, trong đó có 148 người đã khỏi bệnh, xuất viện. Tại các điểm dịch ở huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, nhiều ngày qua đã không xuất hiện ca COVID-19 mới trong cộng đồng.

Theo Sở Y tế Nghệ An, người từ vùng dịch trở về quê sẽ phải chịu mọi chi phí liên quan đến cách ly và xét nghiệm. Hai ngày qua, lượng người trở về quê Nghệ An đã giảm mạnh do các tỉnh phía Nam đã khép các chốt kiểm dịch.

Những ngày tới, Nghệ An sẽ tổ chức thêm 5 "chuyến bay 0 đồng" đưa hơn 1.000 công dân thuộc nhóm đối tượng ưu tiên (người cao tuổi, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; trẻ em, người mắc bệnh hiểm nghèo…) từ các tỉnh, thành phía Nam về quê.

DOÃN HÒA

Cần Thơ đưa 50 y bác sĩ tham gia Bệnh viện Dã chiến số 1 điều trị COVID-19

Sáng 4-8, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã làm lễ xuất quân cho lực lượng y bác sĩ trực tiếp tham gia Bệnh viện Dã chiến số 1 đặt tại Trường Chính trị TP Cần Thơ.

Buổi lễ xuất quân không hoa, không rườm rà lễ nghi, nhưng vẫn rất trang nghiêm và cảm động. Những gửi lời nhắn nhủ chân thành và những tràng pháo tay động viên, lời hô vang quyết thắng đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho 50 y bác sĩ nhân viên y tế tham gia Bệnh viện Dã chiến số 1

Dịch COVID-19 ngày 4-8: TP.HCM điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 4.

Lễ xuất quân cho 50 y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tham gia Bệnh viện Dã chiến số 1 - Ảnh: T. LŨY

Ông Trần Quốc Luận - giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết, Bệnh viện Dã chiến số 1 là cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, được mở ra với mục đích chia sẻ gánh nặng cho các bệnh viện dã chiến khác trên địa bàn thành phố trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

"Thay mặt Ban giám đốc Bệnh viện, tôi cảm ơn các anh em y bác sĩ đã tình ra tuyến đầu tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Trận chiến này trước mắt sẽ còn kéo dài và cam go, tôi mong các anh chị em bảo trọng, đảm bảo sức khỏe của mình, phòng hộ cá nhân chặt chẽ, nghiêm túc thực hiện quy định phòng dịch. 

Vững tin bước vào hỗ trợ điều trị giúp đỡ bệnh nhân COVID-19 cùng các đồng nghiệp tại đây. Mong các y bác sĩ sớm hoàn thành nhiệm vụ trở về, anh em ở lại tại cơ sở chính của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ và cũng trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại đây", ông Luận chia sẻ.

Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trường Chính trị TP Cần Thơ) là cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ được thành lập theo Quyết định của UBND TP Cần Thơ, có quy mô 400 giường tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân COVID-19. 

Tổng nhân sự được điều động tham gia Bệnh viện Dã chiến số 1 gồm 150 y bác sĩ, sinh viên y khoa đến từ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ,…

Ngoài ra trên địa bàn TP Cần Thơ còn có 7 bệnh viện dã chiến đặt tại các bệnh viện, trung tâm y tế quận huyện đế tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và vừa. 

Bệnh viện Dã chiến số 2 là cơ sở 2 của Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ cũng đã được thành lập, đang được khẩn trương lắp đặt tại khu vực  Nhà thi đấu đa năng và Trung tâm Hội chợ triển lãm Cần Thơ.

T. LŨY

Thủ Đức triển khai cho vay để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất

Người sử dụng lao động trên địa bàn TP Thủ Đức, TP.HCM có thể vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

UBND TP Thủ Đức vừa triển triển khai Chương trình cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 ngày 4-8: TP.HCM điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 5.

Nhiều cơ sở ngưng kinh doanh do dịch COVID-19 - Ảnh: LÊ PHAN

Các chính sách, đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, quyết định 23 năm 2021 của Thủ tướng và văn bản hướng dẫn của tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội về nghiệp vụ.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TP Thủ Đức triển khai thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Tuyên truyền và chủ động tiếp cận doanh nghiệp, người sử dụng lao động để triển khai chính sách hỗ trợ cho vay này.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức sẽ xác nhận, cung cấp các thông báo cho người sử dụng lao động kịp thời để đáp ứng điều kiện vay vốn đúng theo quy định.

Theo đó, những người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022 không có nợ xấu tại ngân hàng.

Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện như: cơ sở tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022, có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; không có nợ xấu tại ngân hàng…

D.N.HÀ

Các tỉnh phía Nam khép chốt, đoàn người hồi hương về miền Trung đã vắng hẳn

Sau khi mở chốt tạo điều kiện cho người hồi hương về quê trước lệnh "ai ở đâu ở yên tại đó", 2 ngày qua việc kiểm soát không để người lao động rời thành phố đã được siết chặt khiến xe cộ trên quốc lộ vắng hẳn.

Sáng 4-8, ông Phạm Hoàng Ân - giám đốc Trạm vận hành trung chuyển hầm Hải Vân (Tập đoàn Đèo Cả) - cho biết từ trưa 2-8 tới nay lượng người lao động từ các tỉnh phía Nam đi xe máy qua hầm Hải Vân để về quê đã vắng hẳn. 

Dịch COVID-19 ngày 4-8: TP.HCM điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 6.

Một trong những nhóm lao động hồi hương cuối cùng qua hầm Hải Vân sáng 4-8 - Ảnh: B.D

Hầm Hải Vân chỉ tiếp nhận một đoàn về quê lúc 7h sáng 4-8 nhưng đoàn này chỉ khoảng 40 người đi trên 20 xe máy và được CSGT dẫn đường để về khu vực trung chuyển.

Theo ông Ân, đây là đoàn lao động quê ở Hà Tĩnh, Thanh Hoá… đã lên đường vào ngày 31-7, trước thời điểm có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu "ai ở đâu thì ở yên tại đấy". 

Trên đường đi, những người lao động này được tạo điều kiện qua các chốt kiểm dịch, khi về đến hầm Hải Vân thì được Trạm vận hành trung chuyển hầm Hải Vân mở hầm, cho xe ôtô chở người và xe máy qua hầm miễn phí. 

Tại đây mỗi người đi đường còn được tặng 1,5 lít xăng, thức ăn, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có con nhỏ, người già yếu được tặng 500.000 đồng.

Dịch COVID-19 ngày 4-8: TP.HCM điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 7.

Xe máy của người đi đường được phun khử khuẩn và trung chuyển qua hầm - Ảnh: B.D

Ông Phạm Hoàng Ân cho biết thêm, hiện hầm Hải Vân vẫn chưa nhận được thông tin có đoàn nào đang di chuyển trên đường từ Nam ra Bắc. 

Trong khi từ 26-7 đến ngày 2-8, lịch trình tiếp đón và hỗ trợ trung chuyển qua hầm luôn được CSGT các tỉnh báo về đơn vị vận hành hầm Hải Vân dày đặc. Đã có hơn 10.000 lượt người đi trên 7.000 xe máy được chở qua hầm từ 26-7 đến 31-7.

"Hiện nay theo thông tin chúng tôi nhận được thì các tỉnh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã chốt giữ không cho người lao động trở về quê, do vậy nếu có đoàn nào đang di chuyển trên đường thì chỉ là số người rơi rớt lại và họ lên đường trước khi có yêu cầu ở yên tại chỗ. 

Hầm Hải Vân sẽ tiếp tục bố trí xe cộ, nhân lực để mở cửa hầm, tiếp tục đón tất cả bà con qua hầm miễn phí chừng nào không còn người về" - ông Ân nói.

THÁI BÁ DŨNG

Hà Tĩnh thêm 12 ca COVID-19, 10 ca đi xe cá nhân và 2 ca đi tàu từ Nam ra

Sáng 4-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh công bố thêm 12 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 2 người đi trên tàu SE14 và 10 người đi phương tiện cá nhân từ miền Nam về quê.

Cụ thể, hai trường hợp đi trên chuyến tàu SE14 mắc COVID-19 gồm bệnh nhân bệnh nhân N.T.T.T (21 tuổi, ngụ tại huyện Hương Khê) và bệnh nhân L.T.P (5 tuổi, huyện Lộc Hà), những người này về quê sáng 26-7 và được cách ly tập trung ngay khi xuống tàu.

Dịch COVID-19 ngày 4-8: TP.HCM điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 8.

Công dân từ miền Nam về quê trên chuyến tàu SE14 chờ lên xe đi cách ly tập trung - Ảnh: LÊ MINH

10 trường hợp đi xe cá nhân về quê gồm: bệnh nhân N.V.T (32 tuổi, ngụ huyện Hương Sơn); bệnh nhân P.V.M (20 tuổi, ngụ huyện Thạch Hà); bệnh nhân T.T.L (36 tuổi), T.Q.H (11 tuổi), T.M.Q (9 tuổi) và N.T.T (36 tuổi) cùng ngụ tại huyện Đức Thọ.

Bệnh nhân T.V.V (31 tuổi, huyện Can Lộc); bệnh nhân N.Đ.H (28 tuổi, ngụ tại huyện Lộc Hà); bệnh nhân H.V.D (27 tuổi) và bệnh nhân nữ T.T.L (25 tuổi) cùng ngụ tại huyện Cẩm Xuyên.

Các trường hợp này khi về đến Hà Tĩnh đã được lực lượng chức năng đưa đi cách ly tập trung tại địa phương và lấy mẫu xét nghiệm. Theo kết quả xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR vào sáng nay 4-8, 12 công dân này dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; khử khuẩn môi trường tại khu vực cách ly; điều tra khai thác dịch tễ, lập danh sách các đối tượng là F1, F2 của 12 ca bệnh trên, đồng thời đưa bệnh nhân đi cách ly điều trị.

Tính từ ngày 4-6 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 182 ca mắc COVID-19.

Ngày 3-8, Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh có văn bản gửi Sở Lao động thương binh và xã hội địa phương này để phối hợp đưa công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê trong ít ngày tới.

Theo kế hoạch, từ ngày 6 đến ngày 8-8, dự kiến sẽ có 5 chuyến bay của hãng hàng không Bamboo Airway đưa công dân về quê, mỗi chuyến bay có 190 ghế không kể trẻ em dưới 2 tuổi.

Để việc đưa đón công dân về quê thuận lợi, Sở Lao động thương binh và xã hội cung cấp danh sách công dân của từng chuyến bay cho đơn vị và Bamboo Ariway, tổ chức tiếp nhận vé, chuyển vé, hướng dẫn công dân vào sân bay. 

Đồng thời cung cấp họ tên, số điện thoại người đại diện ở TP.HCM cho Bamboo Ariway và Sở Giao thông vận tại Hà Tĩnh để cùng phối hợp thực hiện.

LÊ MINH

Quận Sơn Trà hỗ trợ tiền cho toàn bộ người dân bị cách ly

UBND quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết sẽ chi trả hỗ trợ cho tất cả người dân trong vùng cách ly y tế trên địa bàn, tuy nhiên cũng vận động người có điều kiện kinh tế nhường phần hỗ trợ lại cho người khó khăn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 4-8, ông Huỳnh Văn Hùng, phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng về việc hỗ trợ người dân khó khăn cách ly y tế để chống dịch COVID, thì sẽ hỗ trợ mỗi người 40.000 đồng/ngày trong thời gian bị cách ly. 

Tuy nhiên trước nguy cơ dịch đang bùng phát rất cao, người dân cũng nhiều lần bị ảnh hưởng nên quận quyết định sẽ hỗ trợ tất cả đối tượng bị cách ly thay vì người khó khăn để người dân an tâm thực hiện tốt việc cách ly, sớm đẩy lùi đại dịch.

 "Anh em đang tính toán số người sẽ được nhận hỗ trợ 40.000 đồng/ngày. Chúng tôi cũng kêu gọi người dân có điều kiện khá hơn có thể không nhận số tiền hỗ trợ này hoặc có thể nhường lại cho người khó khăn" - ông Hùng nói.

Dịch COVID-19 ngày 4-8: TP.HCM điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 9.

Người dân quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ông Hùng cũng cho biết trước đây việc chi tiền hỗ trợ cho người dân vùng cách ly thường được tiến hành sau khi hoàn thành cách ly. Tuy nhiên để người dân an tâm ở nhà và có tiền chi tiêu trong thời gian cách ly, việc chi tiền sẽ được các địa phương thực hiện trong thời gian đang thực hiện cách ly.

Từ ngày 3-8, quận Sơn Trà áp dụng cách ly y tế một vùng rộng lớn tại 5 phường do địa phương này có số ca mắc tăng đột biến.

TRƯỜNG TRUNG

Cấp giấy thông hành qua mặt chốt chống dịch, Đà Nẵng siết mục đích ra đường Cấp giấy thông hành qua mặt chốt chống dịch, Đà Nẵng siết mục đích ra đường

TTO - Trong những ngày đầu Đà Nẵng áp dụng chỉ thị 05, đã có một số trường hợp cấp giấy thông hành (giấy đi đường) không đúng đối tượng để qua mặt các chốt kiểm soát trên đường nội đô thành phố.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên