18/01/2023 05:58 GMT+7

Đi 'xe dù', nghĩ mà ức!

Nhiều hành khách chọn đi xe ngoài bến đã "vỡ mộng" vì quá mệt mỏi và thêm tốn kém khi tìm đến nơi để lên xe, trong khi nhiều hành khách mua vé tại bến lại ấm ức do phải lội ra quốc lộ đón xe vì xe không vào bến.

Đi 'xe dù', nghĩ mà ức! - Ảnh 1.

Xe khách đón khách sai quy định tại cầu bộ hành khu du lịch Suối Tiên (TP Thủ Đức) vào trưa 16-1 - Ảnh: L.PHAN

Và hành khách lại phải chịu đủ kiểu phiền phức từ nạn "xe dù, bến cóc" tại TP.HCM.

Lỡ mua vé "xe dù"

Tôi mua vé xe về quê vào ngày 13-1. Nghĩ rằng bến xe Miền Đông mới ở khá xa nhà, tôi quyết định đi xe ngoài để được đón gần nhà. Sát ngày đi, tôi nhận được tin nhà xe sẽ đổi điểm đón vì thành phố cấm xe giường nằm vào trung tâm.

Tôi được hẹn đến quốc lộ để lên xe. Vé đã lỡ mua nên tôi đành đi xe ôm ra tận đó, chờ đợi vật vã hơn cả tiếng đồng hồ mới lên được xe. Nhiều người muốn đi xe ngoài vì ngại phải di chuyển ra bến xe Miền Đông mới. Thế nhưng, đi "xe dù" hiện nay lợi bất cập hại và hành khách luôn phải chịu thiệt.

Thứ nhất, chọn đi "xe dù" sẽ không biết được lộ trình xe chạy, không chắc điểm đón trả khách cụ thể như thế nào. Thậm chí, nhà xe thay đổi giờ đón khách và điểm đón khách rất bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay.

Thứ hai, hành khách bỏ tiền ra để hưởng dịch vụ, giá vé "xe dù" có khi còn cao hơn vé xe trong bến.

Thứ ba, "xe dù" đón khách không có bến bãi cố định, đôi khi là đón dọc đường vắng nên rất nguy hiểm vào ban đêm, không đảm bảo an toàn cho hành khách. Trường hợp nhà xe hẹn ở tuyến vành đai, khách vẫn phải đi taxi, xe ôm... ra điểm đón, tốn thêm chi phí đi lại.

Nguyễn Thị Thanh Thảo 

(quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Đi xa để ra bến cóc

Nhà tôi ở TP Thủ Đức, cách bến xe Miền Đông mới khoảng 4km. Tôi thường xuyên về quê ở TP Long Khánh, Đồng Nai. Đón xe về quê bây giờ khó quá, phải lòng vòng các điểm đón di động theo hướng dẫn của nhà xe và của các anh xe ôm.

Tuyến đường tôi đi trước nay rất đông khách. Có ba hãng xe dịch vụ cùng chạy tuyến này. Những xe 29 chỗ theo cung đường từ quận 5 xe đi trong nội thành ra ngã tư Hàng Xanh, xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Dầu Giây (và ngược lại). Mỗi hãng đều có chuyến từ 30 phút đến 1 giờ. Một số xe không đi cao tốc mà đi hướng quốc lộ 1 qua Biên Hòa, Trảng Bom...

Trước nay chúng tôi đón xe ở xa lộ Hà Nội, gần đường Mai Chí Thọ. Giờ tình hình đã khác. Muốn về quê, sau khi gọi điện đặt vé thì phải chờ nhà xe thông báo điểm đón. Mấy lần tôi được hướng dẫn ra điểm đón cũ và nhờ xe ôm đưa đến điểm lên xe. 

Điểm đón nằm trong khu dân cư, dời chỗ hằng ngày tùy tình hình. Xe đón chỗ nào xe ôm biết hết và chúng tôi phải trả tiền xe ôm chở đến điểm lên xe (30.000 đồng/người cho quãng đường chừng một cây số).

Ngày 17-1 (26 Tết), tôi gọi đặt vé, nhà xe hướng dẫn ra trạm ở ngã tư Hàng Xanh mới có thể lên xe được. Quãng đường từ nhà tôi ra Hàng Xanh xa gấp đôi so với quãng đường tôi vào bến xe mới, nhưng tôi buộc phải đi.

Chuyện này không phải chỉ vì cận Tết mà vì không có xe nào tuyến này vào bến mới để đón khách. Có thể hiểu lâu nay xe của các hãng này được chạy lòng vòng đón trả khách mọi lúc mọi nơi trong nội thành, nay không được đón khách sai nơi quy định thì hành khách như chúng tôi phải đi lòng vòng tốn tiền, mất thời gian hơn để rồi vội vã lên xe trong tâm thế những người tiếp tay cho nạn "xe dù, bến cóc" trong nội thành.

YÊN BÌNH (TP Thủ Đức)

Mua vé ở bến rồi ra quốc lộ vất vưởng chờ xe

Lầu đầu tiên đi xe từ bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), tôi trải nghiệm tâm trạng mệt mỏi lẫn hoang mang, không biết làm thế nào cho đúng.

Nhà tôi ở gần quốc lộ 1 nhưng mỗi lần về miền Trung lâu nay tôi đều mua vé trong bến xe chứ không ra đường đón như nhiều người khác. Năm nay, các xe về miền Trung đều chuyển ra bến xe Miền Đông mới, tôi mua vé của nhà xe Cúc Tùng tại bến. Tôi đến bến trước giờ khởi hành gần 1 giờ.

Khách vật vạ đợi xe ở lề đường quốc lộ trước bến xe Miền Đông mới - Ảnh: ANH TÚ

Đến giờ xe xuất bến vẫn không thông báo ra xe, tôi hỏi nhân viên nhà xe này thì được hướng dẫn ra đứng ngay lề đường quốc lộ 1 trước bến để chờ vì xe không vô bến.

Nhiều người mua vé của nhà xe này những chuyến khác cũng được hướng dẫn xách vali từ nhà chờ ra đường để đón xe như gia đình tôi. Mỗi chuyến xe có một nhân viên mặc đồng phục của nhà xe đến nói nhỏ với từng khách đem hành lý ra lề đường chờ.

Cô nhân viên nói nhỏ với tôi là xe phải chạy đi đón khách nhiều nơi nên đến trễ, tất cả khách đều ra đường đón. Quá giờ xuất bến 10 phút, ba mẹ con tôi (một cháu 5 tuổi và một cháu 11 tuổi) tự kéo hành lý ra lề đường quốc lộ 1 trước bến xe Miền Đông để chờ xe.

Ngay góc đường vào bến xe giáp quốc lộ 1, phía dưới đường metro có nhiều người cũng lỉnh kỉnh hành lý vật vạ ngồi bệt bên lề đường đợi xe. Ba mẹ con tôi đứng ven quốc lộ nhìn xe cộ lao vun vút qua mà lo tai nạn...

Con tôi đứng mỏi chân, đứa tìm bục bê tông ngồi tạm, đứa nằm tạm trên hành lý, còn tôi ngồi xuống bục xi măng bao quanh bồn hoa.

Lúc đó, chiếc xe giường nằm của một hãng khác đang ngang nhiên đón khách. Lát sau, có chiếc xe tải chở hàng đến bên cạnh và chất hàng lên xe khách ngay giữa đường. Khung cảnh ngay trước bến xe hiện đại của TP.HCM năm 2023 trước mắt mà tôi tưởng như cảnh mấy mươi năm trước.

Quá giờ xuất bến ghi trong vé khoảng 20 phút, tôi nhận được điện thoại báo xe bị kẹt tại ngã tư Bình Phước nên sẽ đến trễ, mong tôi thông cảm chờ một chút. Trong tình thế này, nếu không chờ thì gia đình tôi phải làm gì? Cuối cùng, gần 11h đêm xe mới đến cổng bến xe Miền Đông để đón gia đình tôi (tôi mua vé trong bến xe ghi giờ xuất bến là 9h30).

Tôi ấm ức bởi tôi đã mua vé ở bến xe, đi một quãng đường khá xa để được lên xe ở một nơi có bến bãi đàng hoàng thì lại phải ra lề đường để đón xe. Quản lý bến xe có biết việc này không? Cảnh sát giao thông, quản lý trật tự đô thị ở địa bàn trước bến xe Miền Đông có thấy việc này không?

ANH TÚ

"Xe dù" vẫn tung hoành

Sáng 10-1, TP.HCM chính thức hạn chế xe giường nằm vào khu vực trung tâm từ 6h - 22h (chỉ được chạy theo các tuyến đường vành đai). Những ngày qua, "xe dù, bến cóc" vẫn hoạt động dọc các tuyến vành đai, cả trong trung tâm TP.HCM sau khung giờ cấm.

Từ 6h sáng đến 22h, rất nhiều xe khách giường nằm dừng đón khách và vận chuyển hàng hóa sai quy định dọc quốc lộ 1, quốc lộ 13... Trạm xăng, bãi giữ xe, bãi đất trống bỗng chốc trở thành "bến cóc". Một số xe ngang nhiên rước khách nơi có biển cấm dừng.

Còn sau 22h, xe giường nằm tấp nập ra vào trung tâm TP.HCM đón trả khách. Khu vực bên ngoài bến xe An Sương (Hóc Môn), bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), khu đường Trường Chinh (quận Tân Bình)... thành điểm hẹn khách hoạt động náo nhiệt.

Thanh tra Sở GTVT TP.HCM khẳng định đang phối hợp cùng các lực lượng cảnh sát giao thông, công an địa phương... giám sát, theo dõi để kịp thời xử lý, chấn chỉnh "xe dù" xuất hiện ở tuyến vành đai.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt tình hình giao thông ở cửa ngõ sân bay, bến xe, các tuyến đường dẫn về cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương... cần được theo dõi chặt chẽ.

Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tuần tra, kiểm soát... xử lý xe dừng đỗ, đón trả khách sai quy định để không ảnh hưởng lộ trình người dân, hạn chế tối đa ùn tắc ở các khu vực nói trên.

Sở GTVT TP ứng dụng tối đa giải pháp công nghệ để giảm ùn tắc giao thông. Người dân theo dõi tình trạng ùn tắc giao thông trên Cổng thông tin giao thông TP.HCM để lựa chọn đi lại. Khi có sự cố liên quan tới giao thông, người dân gọi đường dây nóng để được hỗ trợ giải quyết.

THU DUNG

Bến xe TP.HCM không đông, ‘bến cóc xe dù’ lại nhộn nhịpBến xe TP.HCM không đông, ‘bến cóc xe dù’ lại nhộn nhịp

Hôm nay 16-1, người dân làm việc tại TP.HCM bắt đầu về quê nghỉ Tết nhiều hơn, tuy nhiên bến xe không quá đông mà ‘bến cóc xe dù’ lại nhộn nhịp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên