14/09/2013 21:38 GMT+7

Đi vào "chiến trường khủng bố"

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TTO - Miền nam Thái Lan vốn yên bình đã và đang là "chiến trường khủng bố" khi sân bay, đường sắt, siêu thị bị đánh bom, trường học bị phá hủy, thầy giáo, nhà sư, cảnh sát... bị sát hại.

cZntXHRa.jpgPhóng to
Binh sĩ Thái Lan bị phiến quân ly khai giết hại ở tỉnh miền nam Pattani tháng 8-2013. Ảnh: Reuters.

Báo cáo thường niên về khủng bố và bạo lực toàn cầu 2013 của Công ty quản lý rủi ro toàn cầu Aon RS (trụ sở tại Anh) đã xếp Thái Lan là quốc gia thứ 9 trong top 10 nước dễ bị tấn công khủng bố nhất và ở bậc 4 (cao) trên 5 mức độ nguy hiểm do những vụ khủng bố liên tục ở các điểm nóng Yala, Pattani và Narathiwat.

Theo Bangkok Post ngày 14-9, từ tháng 1-2004 tới tháng 9-2013 có hơn 5.380 binh sĩ, phiến quân và thường dân ở miền nam thiệt mạng, trên 9.520 người bị thương vì xung đột.

Khi nghe chúng tôi chuẩn bị đi đến chiến trường giữa quân đội Thái và phiến quân ly khai ở vùng đất cực nam nước này, anh Sudhep - một người Thái sõi tiếng Việt ở Bangkok - trợn mắt vô cùng ngạc nhiên và gặng hỏi tại sao lại dám xuống vùng nguy hiểm đó. Nhưng rồi Sudhep bắt đầu liên lạc các đồng nghiệp nhà báo Thái để tìm những "thổ địa" ở Yala và Pattani có thể giúp chúng tôi. "Cùng là nhà báo với nhau, sự giúp đỡ "thổ địa" tại chỗ có thể làm anh bớt lo lắng hơn, an toàn hơn" - anh Sudhep nhiệt tình bảo và chúng tôi cũng nhớ lời anh nói như một kinh nghiệm quan trọng trước khi tới tác nghiệp nơi vùng khủng bố.

Chứng nhân nơi “đất dữ”

Xuống sân bay Hatyai, chúng tôi thấy cảnh sát và quân đội vũ trang súng ống đứng ở cổng ra vào bởi sân bay này từng bị đặt bom hồi năm 2005. Bà chủ quầy cho thuê xe ở Hatyai trợn mắt khi khách yêu cầu đi “đất dữ” Yala.

Một anh tài xế được điều sang, song lắc đầu thối lui ngay khi biết đích đến là Yala - Pattani. Chúng tôi bắt đầu chột dạ, tự hỏi trong lòng là liệu có đáng để dấn thân nơi một vùng xa xôi mà các vụ đánh bom, phục kích, giết chóc có thể diễn ra bất cứ ngày nào hay không. Nhiều ngôi chùa bị đánh bom, đốt phá, những nhà sư bị xả súng bắn trọng thương và rất nhiều phật tử bị sát hại bằng đạn bắn hay chặt đầu. Chẳng ai vui nổi khi đến miền đất dữ với những sự thật đau lòng như vậy.

Bà chủ gọi một tài xế khác. Cuối cùng thì anh này chịu chở khách đi trên chiếc xe riêng bốn chỗ dạng có thùng dài phía sau dùng chở hàng hóa. Tên anh là Apinan, người đạo Hồi.

“Nhiều vụ bạo động, bom nổ, giết người gây nên thảm họa cho ngành du lịch ở đây. Từ lâu nhiều nước phương Tây yêu cầu công dân nước họ không nên đến phía nam này” - Apinan nói.

Suwapitpoom, một cựu giáo viên trung học và là cộng tác viên thường trú cho nhật báo số 1 Thái Lan Thai Rak, đón chúng tôi vào buổi chiều mây giăng sụt sùi giữa thủ phủ Yala. Ông đưa đi gặp chứng nhân sống của nạn khủng bố ở quán cà phê từng xảy ra vụ đánh bom kép đường Siroros. Chúng tôi học được cách cẩn thận của Suwapitpoom khi ông yêu cầu Apinan ngừng xe ở một chỗ khá xa ở góc đường rồi mới dẫn chúng tôi đến đúng địa chỉ trong cảnh "nhìn trước ngó sau".

HoxEohw5.jpgPhóng to
Sutharath Suwanyaha và con trai trong ngôi nhà ở Yala chứa các bức ảnh ghi lại cuộc đánh bom. Ảnh: Trung Nghĩa

Chị chủ quán Sutharath Suwanyaha hiền lành đón khách. Nhưng khi ngồi hồi tưởng vụ nổ bom thì gương mặt nhiều gió sương của chị dần đanh lại, mắt thất thần. “Buổi sáng đông khách đến uống cà phê và ăn sáng, tôi bận rộn chạy lên chạy xuống bưng bê phục vụ thì bất ngờ một tiếng nổ thật lớn vang lên từ sân nhà trước dội mạnh đến phía sau lưng”.

Chị Sutharath ngập ngừng, mắt nhìn lên vách tường nhà bên trái treo đầy những bức ảnh 20x30cm chụp lại hiện trường vụ nổ bom. Những hình ảnh trưng bày đã nằm yên trong khung kính vẫn khiến người xem thoáng rùng mình vì nó được đặt cạnh nhau và có thể ghép lại như một đoạn phim khủng bố kiểu Hollywood không dành cho người yếu tim: mặt tiền quán bụi khói đen mù mịt, nhánh cây gãy vung vãi tán lá xanh khắp nơi, bàn ghế chỏng chơ ngổn ngang, người bị thương la liệt…

“Nhiều người bị thương khóc lóc, những người khác la hét và tháo chạy. Lát sau những chiếc xe nhà binh trờ tới. Cảnh sát và đội đặc nhiệm đưa người bị nạn ra ngoài xe cấp cứu (có ba cảnh sát bị thương đầu tiên) và khám nghiệm hiện trường. Ai ngờ trong khi cảnh sát đang làm nhiệm vụ thì một tiếng nổ thật lớn nữa lại phát ra từ quả bom thứ hai giấu ở gốc cây khiến nhiều cảnh sát gục ngã, mặt mũi đầm đìa máu. Tôi ngất đi trên vai chồng…” - chị Sutharath cúi mặt xuống như để giấu cặp mắt hoe đỏ.

Chúng tôi không muốn hỏi gì thêm ở chị Sutharath nữa. Có lẽ những phóng viên tác nghiệp ở các vùng xung đột trên thế giới này thường đối diện tâm trạng khó khăn: một mặt vì tính tò mò cố hữu và nhu cầu nghề nghiệp mà luôn muốn hỏi thêm, hỏi mãi các nhân vật cho tư liệu bài viết của mình; mặt khác lại cắn rứt lương tâm vì không hề muốn xoáy sâu vào những ký ức buồn của những nhân vật từng trải qua những đau thương.

1wFlBBQn.jpgPhóng to
Một chiếc xe bị đánh bom vỡ vụn tại Yala tháng 8-2013. Ảnh: Reuters

“Tại sao họ lại đốt trường của con?”

Vào thế kỷ 16, vương quốc Hồi giáo Pattani (tức các tỉnh phía nam Thái Lan ngày nay) sáp nhập vào vương quốc Siam (Thái Lan) và chính thức hội nhập chính trị năm 1902. Một thời gian dài nơi này kinh tế kém phát triển, giáo dục không được đầu tư đúng mức, mức sống thấp… dẫn đến nảy sinh sự chia rẽ, bất đồng. Thập niên 1980 Chính phủ Thái Lan tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế cũng như ân xá những kẻ nổi loạn bị cầm tù nên các cuộc phản đối giảm hẳn. Bạo lực bùng nổ trở lại từ đầu năm 2004 chủ yếu do các phần tử Hồi giáo cực đoan ly khai.

Ông Suwapitpoom cho biết: “Bom từng nổ khắp mọi nơi: chùa chiền, sân vận động, khu chợ, công sở, cửa hiệu, quán bar... Hàng trăm trường học bị đốt phá bất kể giờ giấc, hàng chục giáo viên bị bắn chết, còn trẻ em đến trường bị thương. Nuracheelahee Doloh, một học sinh bé nhỏ ở Yala, từng bật khóc: “Tại sao họ lại đốt trường của con? Tụi con không còn nơi nào khác để học. Xin đừng đốt trường con nữa”. Ở đây mọi người sẽ không bao giờ biết được mối hiểm nguy nào đang chờ đón mình trên đường phố”.

Trên những dặm đường từ Yala đi Pattani có các trạm gác chất đầy bao cát chắn đạn, các binh lính lăm lăm súng trường M-16 tạo cảm giác về nguy cơ an ninh không an toàn. Nhưng chúng tôi vẫn phải đến Pattani - vùng đất dữ có nhiều cảnh sát, quân đội, viên chức chính phủ, chính quyền địa phương bị sát hại bằng đủ mọi hình thức man rợ: đánh đập cho đến chết, xả súng bắn ngay trên đường hay chặt đầu rồi vứt xác một nơi, thủ cấp một nẻo.

Khi đến Pattani, chúng tôi đứng ngồi không yên ở lề đường trước cửa Bưu điện Pattani để đợi phóng viên Sulaiman của Đài truyền hình Channel 3 đến gặp. Tại Pattani, ngoài phố xá công cộng rất nguy hiểm bởi đây là nơi những tay súng lạ mặt xả súng bắn vào các nạn nhân đang lái xe máy trên đường rồi tẩu thoát biệt vô tăm tích không phải chuyện lạ. Sulaiman có thể được xem như một "phóng viên chiến trường tại chỗ" khi vì nghề nghiệp, anh sẽ quay những hiện trường loang lổ vì bom, các tử thi đầy máu biến dạng...

joZYTopF.jpgPhóng to
Các binh sĩ Thái điều tra hiện trường vụ đánh bom khiến hai quân nhân thiệt mạng, bốn bị thương ngày 14-9-2013 tại Pattani. Ảnh: Reuters.

Rời Pattani trở lại Bangkok, chúng tôi nghĩ đến vấn đề bạo loạn bất ổn kéo dài ở miền nam là nỗi lo của chính phủ Thái Lan từ trào thủ tướng Thaksin cho đến tận bây giờ là em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, cầm quyền.

Đôi khi phóng viên bắt gặp một hình ảnh nào đó mang đến niềm hi vọng cho họ, an ủi họ sau những điều tồi tệ đã chứng kiến tại vùng xung đột. Như khi rời cửa ngõ địa phận Yala, chúng tôi chợt thấy có tấm panô rất lớn dựng bên vệ đường sơn khẩu hiệu bằng ba thứ tiếng Anh, Thái và Ả Rập: “Người Hồi giáo thì không nên dính líu đến bất cứ tình trạng nào gây sự bất an trong tâm hồn. Và tất cả tín đồ Hồi giáo đều mong muốn nhìn thấy người Hồi giáo ở Thái Lan sống trong hòa bình” (trích Liên minh Hồi giáo thế giới H.E.1425)”.

Thông điệp trên sẽ thành hiện thực nếu Chính phủ Thái Lan lẫn lực lượng Hồi giáo ly khai đàm phán thành công hiệp ước hòa bình (từ tháng 2-2013), sau đó khôi phục niềm tin cho người dân địa phương bằng việc tăng cường giáo dục, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đồng đều.

Nhưng những tin tức mới nhất từ vùng khủng bố hiện vẫn đầy khói súng và máu: ngày 10-9, phiến quân Hồi giáo tấn công một trường học, giết một binh sĩ; ngày 11-9, năm cảnh sát thiệt mạng khi bị phiến quân chặn đường tấn công; ngày 12-9, ba binh sĩ đang giúp người dân sửa nhà thì bị phục kích bắn chết; ngày 14-9, hai binh sĩ thiệt mạng và bốn bị thương trong vụ đánh bom ở Pattani…

Chúng tôi lại nhớ tới những "phóng viên chiến trường tại chỗ" như ông Suwapitpoom hay Sulaiman và cảm thấy sự đối diện hiểm nguy trong thời gian tác nghiệp ở Yala và Pattani của mình thật chẳng thấm là bao so với họ - những người chẳng đặng đừng vẫn phải làm công việc đưa tin chết chóc tại địa phương mà họ và gia đình đang sống.

Xem loạt bài phóng viên chiến trường trên Tuổi Trẻ Online:

* Kỳ 1:Không gì nguy hiểm hơn làm phóng viên chiến trường

* Kỳ 2:Chiến trường Syria - trận địa kinh hoàng

* Kỳ 3:Phóng viên Việt Nam đối diện lửa và máu

* Kỳ 4:Ác mộng dưới làn bom ở Libăng

* Đón đọc kỳ 6: Phóng viên chiến trường thời online

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên