03/08/2011 05:33 GMT+7

Dị ứng thực phẩm chức năng

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Không chỉ dị ứng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt... như thường thấy, nhiều ca dị ứng có nguyên do từ việc sử dụng thực phẩm chức năng, có ca rất nặng.

u3ZuVI6a.jpgPhóng to
Bà Đậu Thị T. (Nghệ An) bị dị ứng nặng nghi do dùng thực phẩm chức năng “xách tay” - Ảnh: Ngọc Hà

Những ngày qua lượng bệnh nhân dị ứng thuốc phải nhập viện điều trị dài ngày tại Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai đang gia tăng...

Vì muốn khỏe, muốn đẹp hơn

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, giám đốc Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, cho hay mô hình thuốc gây dị ứng đang có những thay đổi tương ứng với sự thay đổi nhu cầu dùng thuốc trong cộng đồng.

Trước đây, dị ứng xảy ra chủ yếu ở nhóm thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Hơn một năm trở lại đây, dị ứng gặp nhiều ở bệnh nhân dùng thuốc chữa bệnh gút, các sản phẩm bổ máu và đặc biệt là thực phẩm chức năng. Đa số người bệnh nghĩ thực phẩm chức năng an toàn vì được chiết suất từ thảo mộc, nhưng con số thống kê tại trung tâm lại cho thấy bệnh nhân ngộ độc thuốc đang tăng rõ ở người dùng thực phẩm chức năng. Chỉ hơn hai tháng qua, trung tâm tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân bị dị ứng nặng do dùng các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Bệnh nhân Đậu Thị T. (67 tuổi, Nghệ An) nhập viện với biểu hiện của hội chứng Steven Johnson điển hình: hai mắt dính lại không mở được, loét da nhiều vị trí, xuất hiện những bọng nước khổng lồ trên cơ thể. Theo lời kể của con gái bà T., bà bị tiểu đường nhiều năm, gần đây lại hay đau nhức các đầu ngón tay nên được bác sĩ kê toa thuốc trị bệnh kèm theo một loại thực phẩm chức năng có giá 400.000 đồng/ hộp, không hề có hướng dẫn hay vỏ hộp đi kèm. Chỉ sau khi uống thuốc ba ngày, bà T. đã cảm giác bứt rứt, khó chịu. Sang ngày thứ năm mắt bà đỏ ngầu rồi khép chặt dần lại, không mở ra được, khuôn mặt biến dạng, miệng phồng rộp và lịm đi không hay biết gì.

Chị Trần Mai A. (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bị mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống hai năm nay. Dù được bác sĩ giải thích đây là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi, song điều trị sớm, đúng hướng, tuân thủ chặt chỉ định thuốc của bác sĩ thì có thể “chung sống hòa bình” với bệnh, nhưng chị A. vẫn cố công tìm cách chữa khỏi bệnh. Do đó, khi nghe quảng cáo về loại thực phẩm chức năng chữa được các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, chị A. vội mua về dùng ngay thay cho đơn thuốc hằng ngày.

Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày sử dụng trên người chị bắt đầu xuất hiện các đám ban đỏ rực, bong tróc da và ngứa ngáy toàn thân. Khi đã ngưng dùng thực phẩm chức năng, các đám ban đỏ vẫn tiếp tục xuất hiện dày thêm trên các vùng khác của cơ thể. Kết quả xét nghiệm tại trung tâm cho thấy chị bị dị ứng nặng với loại thực phẩm chức năng mới dùng.

Không nên vội tin quảng cáo

Tại trung tâm, bệnh nhân dị ứng vì thực phẩm chức năng rất đa dạng: người chọn thực phẩm để làm đẹp, tăng cân, giảm cân, tăng sinh lý, điều trị bệnh hiểm nghèo..., thậm chí nhiều người vào viện vẫn khăng khăng “thuốc cung cấp tế bào gốc, chữa bách bệnh, sao lại gây ngứa ngáy, phồng rộp, hại gan, thận...”.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, các loại thực phẩm chức năng thường được bào chế từ thảo mộc nên có thành phần khá phức tạp, khó xác định, gây ra nhiều phản ứng phụ khác nhau. Ngay cả tại các nước Anh, Mỹ, hằng năm cũng có cả nghìn trường hợp chịu tác dụng phụ không mong muốn do sử dụng sản phẩm bổ trợ này. Do đó, người bệnh không nên vội tin vào những quảng cáo quá đà của những loại thực phẩm chức năng chưa được kiểm chứng tác dụng thật sự.

Nguy cơ dị ứng thuốc tăng cao ở nhóm phụ nữ mang thai và thời kỳ cho con bú, các bệnh nhân mắc bệnh lý mãn tính, đang trong giai đoạn stress... Do đó, những đối tượng kể trên cần thận trọng khi dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc chưa sử dụng bao giờ. Khi có dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc: sốt, mệt mỏi khác thường, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, ngứa nổi mẩn trên da... cần đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng đáng tiếc.

“Hù” mắc bệnh nan y để bán thuốc

Liên tiếp những ngày qua, hơn 1.200 cụ già là hội viên Hội Người cao tuổi của xã Điện Phước (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), đã nhận được giấy mời của hội người cao tuổi địa phương mời đi nghe đoàn chuyên gia tư vấn sức khỏe từ Hà Nội vào khám chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên khi đến nơi, sau khi được khám qua loa với một chiếc máy chiếu bé tẹo thì các cụ nhận “bệnh án”: bị bệnh nan y... Nếu muốn hết bệnh phải mua các loại thực phẩm chức năng đoàn này mang theo để uống.

Tại thôn Nhị Dinh 3 (xã Điện Phước) chiều 31-7, sau khi nghe ông Vũ Mạnh Hùng (tự xưng là “chuyên gia” sức khỏe - Trung ương Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á) tư vấn, các cụ được nhóm năm “bác sĩ” không áo blouse, không bảng tên mang ra một máy soi chiếu vào đầu các móng tay khoảng 3 phút/người, sau đó kết luận: bị thiếu canxi, thiếu kẽm... Thậm chí có người bị thoái hóa khớp gối, bị ung thư. Tiếp đến, nhóm người này bày ra hai lọ thực phẩm chức năng gọi là viên nang linh chi và canxi trân châu thiên nhiên, bên trên có in tên Công ty TNHH Đức Mỹ Việt (trụ sở tại Hà Nội) bán với giá 750.000 đồng cho cả hai lọ. Vì tin vào lời tư vấn, nhiều cụ mua về uống với hi vọng sẽ lành bệnh.

Điều đáng nói là “đoàn chuyên gia” đều không có giấy tờ chứng minh là dược sĩ hay chuyên gia tư vấn sức khỏe như từng giới thiệu. Thậm chí có người vừa lái xe vừa kiêm nhiệm việc khám và bán thực phẩm chức năng. Dù hoạt động khá rầm rộ, công khai, song khi được hỏi thì ông Phạm Phú Hoan - bí thư Đảng ủy xã Điện Phước - không hay biết. Một hồi sau ông Hoan mới cho biết là có đoàn bác sĩ phối hợp với hội người cao tuổi huyện đến tư vấn, khám bệnh miễn phí. “Nghe đâu họ được sở y tế và hội người cao tuổi huyện cấp phép”- ông Hoan nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 2-8, chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Trần Quang Hiền cho biết thanh tra sở đang chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Điện Bàn theo dõi, xác minh làm rõ vụ việc khám bệnh, bán thực phẩm chức năng của Công ty Đức Mỹ Việt. Theo ông Hiền, Công ty Đức Mỹ Việt có công văn cho phép của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam để hành nghề nhưng chỉ quảng bá thực phẩm chức năng, tuyệt nhiên không có việc khám hay chữa bệnh để bán thực phẩm chức năng như chuyện đã xảy ra.

Theo ông Hiền, việc nhóm năm người không có chuyên môn, nghiệp vụ nhưng lại đi khám bệnh và bán thuốc cho người dân là vượt khả năng chuyên môn. “Thanh tra sở sẽ vào cuộc ngay lập tức, nếu vi phạm thì lập biên bản xử phạt. Khung phạt hành chính cho hành vi vi phạm này từ 3-5 triệu đồng” - ông Hiền nói.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên