08/02/2020 11:42 GMT+7

Đi tìm 'bụng 6 múi' - Kỳ 5: Nghiện chạy bộ

MỄ THUẬN
MỄ THUẬN

TTO - Chạy bộ không chỉ giúp rèn sức khỏe, giữ thân hình đẹp mà còn là điều kiện để họ tiếp cận, xây dựng nên cộng đồng hoạt động ý nghĩa.

Đi tìm bụng 6 múi - Kỳ 5: Nghiện chạy bộ - Ảnh 1.

Ca sĩ Đức Tuấn tham gia tích cực các giải marathon phong trào vì cộng đồng - Ảnh: NVCC

Với nhiều runner (người chạy bộ) như nam ca sĩ Đức Tuấn, hay trưởng nhóm chạy bộ Sunday Running Club Phạm Thanh Tuấn, thì chạy bộ không chỉ giúp họ rèn sức khỏe, giữ thân hình đẹp mà còn là điều kiện để họ tiếp cận, xây dựng nên cộng đồng hoạt động ý nghĩa.

Ca sĩ mê chạy bộ

Vốn yêu thể thao, tham gia tập luyện nhiều bộ môn khác nhau, sở hữu sẵn thân hình săn chắc, ca sĩ Đức Tuấn vẫn bị mê hoặc sau một lần... chạy bộ thử, cách đây 4 tháng. 

Đó là lần nam ca sĩ tham gia giải chạy vì mục đích gây quỹ Phẫu thuật nụ cười (Operation Smile) diễn ra tại Sa Pa, Lào Cai với quãng đường 21km trên đường đua địa hình hiểm trở.

Ca sĩ Đức Tuấn nhớ lại: "Lần chạy đó, tôi về đích thứ 110 trên tổng số 6.000 người chuyên nghiệp và không chuyên, với thời gian 3 giờ 20 phút. Sau khi chinh phục 21km đường địa hình hiểm trở này, tôi hoàn toàn bị quyến rũ với bộ môn chạy bộ. Kể từ đó tôi chính thức theo đuổi chạy bộ hằng ngày".

Đức Tuấn chia sẻ ở lần chạy liều lĩnh đầu tiên này, bản thân anh chỉ có sự tự tin là mình đủ thể lực. Ngoài ra, anh không có chút kinh nghiệm chạy đường địa hình đồi núi hiểm trở kéo dài tới 21km. 

Cũng vì chưa có sự luyện tập cần thiết nên trên đường chạy anh đã té ngã chấn thương, chảy máu vì trơn trượt. "Nhưng điều đó không là gì so với niềm hưng phấn lúc về được đến đích", nam ca sĩ phấn khích.

Hiện việc chạy bộ với Đức Tuấn đã là lối sống. Anh duy trì chạy bộ trên máy trong phòng tập hằng ngày, mỗi tuần dành 1 đến 2 buổi chạy ngoài trời, quãng đường từ 10 đến 15km dọc bờ kè Thị Nghè hoặc quanh công viên. 

"Thực ra, việc chạy trên máy lại rèn tính kiên nhẫn hơn cả chạy ngoài trời, vì đường chạy không thay đổi, phong cảnh không thay đổi nên dễ nhàm chán, bỏ cuộc", ca sĩ Đức Tuấn phân tích. Còn việc chạy ngoài trời giúp anh luyện tập thực tế để luôn sẵn sàng cho các giải marathon từ chuyên nghiệp tới phong trào xã hội.

Với cộng đồng đam mê chạy bộ, Đức Tuấn khoe hiện đã có các phần mềm trên điện thoại giúp người chạy ghi lại các thông số thành tích luyện tập cá nhân để chia sẻ với nhau. Từ đó, các thành viên khích lệ, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau rất sôi nổi và bổ ích.

Đi tìm bụng 6 múi - Kỳ 5: Nghiện chạy bộ - Ảnh 2.

Phạm Thanh Tuấn trên đường chạy - Ảnh: NVCC

Có một cộng đồng chạy bộ sôi nổi

Ở độ tuổi 37, Phạm Thanh Tuấn nhìn trẻ trung, dáng người cân đối săn chắc không chút mỡ thừa. Anh là một trong những runner đồng thời là người sáng lập nhóm cộng đồng chạy bộ Sunday Running Club (viết tắt là SRC) có hoạt động sôi nổi tại TP.HCM.

Tuấn kể thời gian học tập ở Singapre vào năm 2011, anh đã chứng kiến một lối sống khác biệt của người dân, đặc biệt là giới trẻ nước bạn. Mặc dù hằng ngày họ làm việc rất trễ, thường kết thúc lúc hơn 9 giờ tối, nhưng vừa rời sở làm các bạn trẻ Singapore vẫn tiếp tục đến phòng gym hoặc ra sân tập thể thao, chạy bộ. Thời điểm đó, nhiều bạn trẻ ở Việt Nam lại đổ xô đến các quán ăn uống rượu bia...

Khi về nước, Tuấn đau đáu làm điều gì đó, dù nhỏ nhặt, khơi dậy phong trào thể thao lành mạnh. Để khởi đầu, anh chàng đã chạy bộ một mình mỗi sáng. 

"Tôi chạy từ ngã tư Hàng Xanh lên hội trường Thống Nhất, chạy quanh đó vài vòng rồi quay về. Lúc đó, hình ảnh những người chạy bộ ngoài đường mỗi sáng như tôi là hiếm hoi nên người đi đường hay dòm ngó", Tuấn kể về những ngày mình bắt đầu hình thành thói quen chạy bộ.

Để kết nối, chia sẻ kiến thức về chạy bộ trong các bạn cùng sở thích, Tuấn không tìm thấy forum nào cho người chạy bộ nên anh lên một forum chuyên về thể hình, tạo một topic (chủ đề) về chạy bộ. 

Ở đó, Tuấn chia sẻ các kỹ thuật, các câu chuyện chạy bộ hằng ngày của mình. Rồi cũng có vài người đọc, tham gia bình luận trong topic khi họ cùng sở thích... Dần dần, Tuấn và các bạn thích chạy bộ cũng đã gặp được nhau ngoài đời thực.

Nhóm chạy bộ SRC được Tuấn sáng lập năm 2013, đến nay thu hút hàng ngàn thành viên tham gia. Họ hay hẹn nhau chạy ở các công viên Lê Văn Tám, hội trường Thống Nhất, Tao Đàn... Một tuần, mọi người gặp nhau 3 lần. 

Các buổi khác, mọi người tự chạy ở những cung đường thuận tiện của mình. "Mỗi khi gặp nhau chúng tôi thường chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm. Có người khoe giảm được cân, tăng cường thể lực, có người khoe thành tích chinh phục được các quãng đường ra sao... Những câu chuyện tạo hứng khởi tập luyện", Tuấn chia sẻ.

Tuấn nhớ vào năm 2013, khi tham gia một giải marathon phong trào do Trường ĐH RMIT tổ chức, nhóm SRC tham gia với số lượng lớn thành viên và cả nhóm đều diện đồng phục, nhìn nhóm nổi bật hẳn vì tính chuyên nghiệp thể hiện rõ ràng. 

Đó cũng là hình ảnh mới lạ về một nhóm chạy khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên. Cũng từ sau đó, hầu hết các giải chạy bộ lớn nhỏ, nhóm ngày càng tham dự với số lượng ngày một đông cùng thành tích luôn nằm tốp đầu.

Không dừng lại việc gửi thành viên tham gia nhiều giải chạy bộ trong nước và quốc tế, SRC còn khởi xướng, tạo các sân chơi cho runner khắp nơi bằng việc tổ chức các giải chạy của SRC. 

Như giải Hồ Đá Trail 2015-2016; Cần Giờ Marathon 2016; giải La An Ultra Trail (Đà Lạt) năm 2019 với các cự ly 15km, 35km, 55km, 75km. Giải chạy ở Đà Lạt đã quy tụ 1.600 runner đến từ hơn 20 quốc gia tham gia.

Thanh Tuấn chia sẻ thêm kinh nghiệm khi nhóm mình đứng ra tổ chức các giải chạy bộ: "Vì bản thân mình là người chạy bộ, nên hiểu các runner cần gì, mong muốn đạt được điều gì..., để từ đó cung cấp cho runner những điều thiết thực nhất tại giải chạy. 

Các runner thực sự yêu chạy bộ thì họ không mong muốn tham dự giải quy mô hoành tráng để đạt các giải thưởng giá trị mà họ cần đó là sân chơi thực sự hứng thú và cho họ có cơ hội rèn luyện sức khỏe tốt nhất".

Những năm gần đây, SRC còn tổ chức nhiều buổi chạy bộ phong trào vì mục đích gây quỹ từ thiện như các buổi chạy vì trại phong ở Quy Nhơn, chạy vì Mái ấm Thanh Tâm (Cần Giờ) vào cuối năm 2019... 

"Chính các hoạt động vì cộng đồng như thế càng khiến các thành viên thêm gắn kết. Bởi ngoài rèn luyện sức khỏe cho riêng mình, các thành viên khi đến với nhóm cũng mong được góp sức ở những hoạt động chung có ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng", Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Hãy tranh thủ chạy

"Bạn có thể rất bận, nhưng không có nghĩa là bạn không thể nào chạy được. Hãy khởi đầu nhẹ nhàng bằng 5, 10 phút chạy tại chỗ ngay sau khi rời giường ngủ chật hẹp.

Đi làm, nếu có phòng riêng hay hành lang tiện lợi, thì 5, 10 phút chạy tại chỗ cũng tốt cho sức khỏe. Bạn cũng có thể mua máy chạy đặt ngay tại nhà hoặc phòng làm việc của mình", runner Vũ Thanh Bằng chia sẻ kinh nghiệm.

Anh cho rằng chỉ sau vài tháng chạy nhẹ nhàng tại chỗ như vậy, nhiều người sẽ chuyển qua giai đoạn "nghiện chạy thứ thiệt", tức là chạy ngoài trời vô cùng thú vị.

Khi ấy, đường chạy, cây xanh, sự gần gũi bạn bè và các mục tiêu phấn đấu sẽ cuốn hút chạy bộ thành nếp sống thể thao lành mạnh. Thời buổi dịch bệnh do virus corona hoành hành, thể thao chạy bộ giúp tăng cường sức khỏe toàn diện, góp phần tăng sức đề kháng của người tập.

Q.M.

"Con gái mà chơi leo núi á? Thiệt hông?". Có người đã ngạc nhiên khi nghe chuyện về các cô gái khoái leo núi, mà phải là núi thiệt mới đã...

Kỳ tới: Những cô gái leo núi

Đi tìm Đi tìm 'bụng 6 múi' - Kỳ 1: Những anh chàng "6 múi" ở Làng hoa

TTO - Qua năm tập thứ 2, trưởng nhóm Sơn tổ chức cuộc thi nhỏ: ai thay đổi cơ thể nhanh nhất sau 3 tháng sẽ nhận được giải thưởng tham gia chuyến đi chơi, chụp hình "khoe body" tại Nha Trang.


MỄ THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên