Di tích nhà tù Hỏa Lò mở cửa trong sáng 15-2 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Sau thời gian dài tạm đóng cửa để phòng dịch COVID-19, chiều 14-2, Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội ký công văn cho phép các di tích trên địa bàn Hà Nội được chính thức mở cửa đón khách.
Sáng 15-2, nhiều di tích tại thủ đô đã mở cửa đón khách trở lại. Ngày đầu mở cửa, theo ghi nhận, các di tích bắt đầu đã có khách tới tham quan, tuy nhiên lượng khách chưa quá đông đúc.
Khu bán vé tại di tích nhà tù Hỏa Lò bán vé cho khách trong sáng 15-2 - Ảnh: PHẠM TUẤN
8h sáng, di tích nhà tù Hỏa Lò (phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm) chính thức mở cửa bán vé cho khách vào tham quan. Dịp mở cửa trở lại đúng ngày giữa tuần, cộng với việc nhiều người dân còn lo ngại về dịch COVID-19, nên du khách tới khu di tích trên khá vắng vẻ.
Để đảm bảo phòng dịch, khu di tích trên đã chuẩn bị máy đo thân nhiệt, máy rửa tay tự động trước cổng ra vào. Đồng thời yêu cầu khách tham quan phải quét mã QR trước khi vào trong di tích.
Chị Khương Thủy (Quán Sứ, Hà Nội) là người đầu tiên tới thăm di tích Hỏa Lò trong sáng mở cửa trở lại - Ảnh: PHẠM TUẤN
Là vị khách đầu tiên tới thăm di tích Hỏa Lò trong ngày hoạt động trở lại, chị Khương Thủy (Quán Sứ, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui, xúc động sau thời gian dài mới được trở lại nơi đây.
"Tôi rất may mắn khi là vị khách đầu tiên tới thăm khu di tích vô cùng đặc biệt của đất nước. Mỗi lần đến đây tôi đều rất xúc động và tự hào, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn tới những chiến sĩ đã hy sinh quên mình vì đất nước.
Khi nghe tin các khu di tích mở cửa tôi thấy rất vui, từ hôm qua tôi đã rục rịch chuẩn bị để sáng nay tới đây thật sớm", chị Khương Thủy chia sẻ.
Di tích nhà tù Hỏa Lò chuẩn bị đầy đủ các phương án, thiết bị phòng dịch - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Trung Bắc - trưởng bộ phận phục vụ khách tham quan, khu di tích nhà tù Hỏa Lò - cho biết ban quản lý khu di tích rất hân hoan khi được mở cửa phục vụ khách trở lại sau 10 tháng đóng cửa phòng dịch.
"Chúng tôi rất vui, nay dậy từ sớm để chuẩn bị đón tiếp khách. Để sẵn sàng đón khách an toàn, khu di tích Hỏa Lò thường xuyên có các buổi tập huấn trong thời điểm nghỉ dịch, các phương án phòng chống dịch, cũng như trang thiết bị phòng dịch đã được chuẩn bị rất đầy đủ", ông Bắc nói.
Ngày đầu mở cửa, di tích Hỏa Lò chưa đông khách tham quan - Ảnh: PHẠM TUẤN
Theo ông Bắc, thời điểm trước dịch, khu di tích nhà tù Hỏa Lò mỗi ngày đón khoảng 1.000 khách tham quan, tuy nhiên vì dịch bệnh nên lượng khách dự kiến tới di tích thời gian đầu sau mở cửa sẽ giảm.
"Hy vọng đợt tới đây các dịp như 8-3, 26-3, 30-4 và 1-5 chúng tôi sẽ đón được nhiều đoàn khách và luôn đặt tiêu chí phục vụ an toàn lên cao nhất. Việc được mở cửa lại các khu di tích là một động thái tốt để kích cầu du lịch, làm đẹp hình ảnh thủ đô cũng như cả nước", ông Bắc nói thêm.
"Đóng cửa Phủ Tây Hồ nếu lượng khách tới đông"
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại khu di tích phủ Tây Hồ (Quảng An, Tây Hồ) trong sáng 15-2, nhiều người dân, du khách đã đổ về trong dịp rằm tháng giêng để lễ phủ.
Tuy nhiên so với thời điểm cùng kỳ trước dịch COVID-19, lượng người tới đây chỉ đạt khoảng 1/3.
Người dân tới phủ Tây Hồ lễ phủ trong sáng 15-2 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Một người dân nhờ 'ông đồ' viết sớ bằng chữ nho để vào lễ phủ Tây Hồ - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Tiến Hồi - trưởng ban quản lý di tích phủ Tây Hồ - cho biết ban quản lý khu di tích đã chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng dịch để đón khách thập phương.
"Chúng tôi luôn yêu cầu du khách luôn phải tuân thủ các biện pháp 5K khi tới những nơi thờ tự công cộng.
Nếu lượng khách về phủ đông, không đảm bảo giãn cách, chúng tôi sẽ tạm đóng cửa phủ, để cho lượng khách bên trong lễ xong, di chuyển ra ngoài mới mở cửa đón lượt khách khác. Trong một ngày sẽ có nhiều lần đóng cửa như thế để đảm bảo an toàn", ông Hồi nói.
Ông Hồi cho biết thêm, từ ngày mở cửa trở lại, lượng khách tới phủ Tây Hồ chưa quá đông, nên hiện ban quản lý chưa phải thực hiện các biện pháp trên.
Nhiều người vẫn có thói quen đặt tiền lẻ vào các linh vật tại các điểm thờ tự - Ảnh: PHẠM TUẤN
Lượng khách tới phủ Tây Hồ chỉ bằng 1/3 so với thời điểm cùng kỳ trước dịch COVID-19 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Nhiều người tới các điểm di tích, thờ tự dịp đầu năm để cầu mong mọi sự thuận lợi, an bình - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trong ngày 14-2, kết luận, cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng - bí thư Thành ủy Hà Nội - lưu ý, các cấp, các ngành phải tập trung rà soát các điều kiện tổ chức học trực tiếp cho học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ các lễ hội, không để dịch bệnh lây lan có thể dẫn tới mất kiểm soát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận