19/08/2018 14:13 GMT+7

Đi ngược về những cái tên chợ Bà Hoa, Xóm Chiếu, Xóm Cải

LÊ VĂN NGHĨA
LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày xưa được xây dựng bằng các khu dân cư với những cái tên dân dã, không điệu đàng, uốn éo chữ nghĩa. Những cái tên thẳng tuột, rộn rịp chất đời sống cư dân hồn nhiên nhưng vô cùng có duyên...

Đi ngược về những cái tên chợ Bà Hoa, Xóm Chiếu, Xóm Cải - Ảnh 1.

Một góc Bến Tắm Ngựa ngày xưa - Ảnh tư liệu

Mỗi sáng thấy những chàng trai, cô gái trẻ khỏe, người trung niên, người già áo thun quần đùi thể thao khoe đùi khoe vế tấp nập chạy bộ, dắt chó đi dạo dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, đoạn đường Hoàng Sa - khoảng giữa cầu Lê Văn Sỹ đến cầu Công Lý, nếu ai còn nhớ sẽ "xuyên không" trở về Bến Tắm Ngựa.

Từ Bến Tắm Ngựa đến Xóm Chiếu, Xóm Cải

Bến Tắm Ngựa ngày xưa là khu đất rộng, thưa thớt dân cư. Từ phía đường Lý Chính Thắng - phía bên đình Xuân Hòa, khách sạn Dạ Lý Hương đổ xuống kênh Nhiêu Lộc, mặt đất chạy thoai thoải xuống mé kinh.

Theo nhà văn Minh Hương, lính pháo thủ và một đơn vị pháo binh Pháp đóng ở Hòa Hưng thường đưa ngựa xuống kênh tắm, rồi mấy chú nài ngựa, xà ích ăn theo cũng dẫn ngựa đến tắm và dẫn đi vòng quanh trên các bãi cỏ gần đó.

Như những vùng đất mới khai phá khác, thoạt đầu vùng này có tên là Xóm Lách nhưng bà con, đa phần là miền Bắc và Trung, gọi là Bến Tắm Ngựa. Bây giờ nói đến xứ đạo Xóm Lách nhiều người còn biết, chứ nhắc đến Bến Tắm Ngựa thì nghe như lạc vào một thời kỳ lịch sử xa vời nào đó.

Đi ngược lên phía trên đến đường Hai Bà Trưng vùng Đất Hộ (Đa Kao), phía sau lưng chợ là đường Mã Lộ. Tên đường vẫn còn đây, nhưng bến xe ngựa hay thổ mộ một thời dọc ngang khắp chốn đã bị các loại xe có bugi uống xăng tiêu diệt.

Nhà nhiếp ảnh Tam Thái tỉ mỉ tổng kết, trong tám quận đô thành ngày xưa có 52 tên xóm, nhưng tôi e rằng vẫn chưa đủ. Nhắc đến tên những cái xóm chính là nhớ lại những người dân "ngũ Quảng" và những người Hoa đã định cư tập hợp lại thành khu dân cư với một nghề mưu sinh từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong khu vực đường Tản Đà (Chợ Lớn) phía gần bờ sông có xóm Chỉ từng là vùng đất sinh sống của người dân chuyên nghề làm chỉ may quần áo. Như Xóm Chiếu, quận 4 nổi tiếng một thời nhưng chưa có bài vọng cổ nào nói về nghề dệt chiếu tại đây.

Trong Chợ Lớn có xóm Lò Siêu, Lò Gốm, Lò Lu mà cái tên đã định danh nghề nghiệp của những người sống bằng nghề lấy đất nung lu, khạp.

Chạy qua quận 8 có Xóm Củi, Xóm Lò Than, Xóm Hột Vịt... Xóm Cải - một vùng trồng cải rộng lớn của người Hoa nằm sát ngay sau lưng Tòa hành chính quận 5 - bây giờ không còn vết tích gì nữa, ngoại trừ tấm bia dựng ở góc đường Phước Hưng - An Dương Vương ghi lại chiến công năm 1968.

Khu Xóm Cải ngày xưa của A Hoành - A Muối đã được xây dựng thành khu chung cư khá sang trọng, đường hẻm cũ mở ra thành đường lộ thênh thang.

Đi ngược về những cái tên chợ Bà Hoa, Xóm Chiếu, Xóm Cải - Ảnh 2.

Bến Tắm Ngựa ngày xưa nhìn từ phía cầu Kiệu, quận 3, TP.HCM - Ảnh: HOÀI LINH

Chợ Bà Hoa trong lòng người xứ Quảng

Đi ngược về phía ngã tư Bảy Hiền bằng con đường Thiên Lý Verrdun - Lê Văn Duyệt ngày xưa (Cách Mạng Tháng Tám ngày nay) sẽ nhớ đến chợ Bà Hoa. Khu chợ này nằm ở đường Nguyễn Bá Tòng (quận Tân Bình).

Khu ngã tư Bảy Hiền tập trung những di dân xứ Quảng vào đây lập nghiệp bằng nghề dệt cửi. Vào Sài Gòn sinh sống, người xứ Quảng còn mang cả ký ức và khẩu vị người miền ngoài trong những buổi cơm nhắc nhớ những ngọt bùi ngày thơ.

Có cầu ắt có cung với những cái đầu nhạy bén. Trước hết cần có một nơi buôn bán thức ăn miền quê nội (ngoại) để cho khẩu vị mình khỏi ngóng trông.

Trước năm 1971, một người phụ nữ tên Hoa đã bỏ tiền ra thuê một miếng đất trống đầy cỏ hoang lau sậy để xây một ngôi chợ nhỏ rồi xây những căn nhà nhỏ xung quanh chợ dành cho cư dân xứ Quảng mới vào.

Có nhà cửa, có chợ và rất nhiều đồng hương nên khu này bỗng dưng trở thành "Quảng quốc" với các cư dân mở tiệm đặt máy dệt. Họ không cần phải đi đâu xa. Tìm bê thui ư? Ra chợ Bà Hoa. Tìm mì Quảng đúng điệu xưa ta nấu cho cả nhà ăn ngày chủ nhật ư? Chợ Bà Hoa đáp ứng vì có mối mang từ ngoài nớ vào hằng ngày.

Chợ Bà Hoa là ngôi chợ chuyên "trị" thức ăn cho người xứ Quảng mà không cần trưng bảng hiệu cầu chứng tại tòa. Bây giờ chợ đã được xây bậc xây bệ và "trùng tu" luôn cái tên Bà Hoa thành chợ Phường 11, quận Tân Bình. Nhưng cái tên Bà Hoa ấy làm sao mất đi trong lòng người xứ Quảng đã vào khu Bảy Hiền lập nghiệp từ những năm 1970, khi người mẹ già còn ngồi vấn điếu thuốc Cẩm Lệ nói chuyện kháng chiến thời "nớ".

Nhắc chợ Bà Hoa để chợt nhớ đến chợ Xã Tài nay là chợ Phú Nhuận, cũng là chợ do một tư nhân xây dựng nhưng mấy ai còn nhớ đến tên Xã Tài?

Càng tìm hiểu về Sài Gòn xưa càng khám phá nhiều điều lạ, trong đó có những địa danh, xóm nghề nay chỉ còn loáng thoáng nghe tên. Những cái tên, dù còn dù mất vẫn là một phần không phai nhạt của những gì đã làm nên diện mạo thành phố này.

Khăn Đen Suối Đờn

Từ hướng Sài Gòn đi qua cầu Bông một đoạn phía bên tay mặt, phía dưới chân cầu này kéo dài đến đường Bùi Hữu Nghĩa khi xưa được gọi là khu Khăn Đen Suối Đờn. Không phải ở đây có giặc cờ vàng khăn đen gì mà vì đây là khu chuyên bán khăn xếp đội đầu cho đàn ông nổi tiếng vùng Sài Gòn - Gia Định.

100 năm cải lương là năm nào? 100 năm cải lương là năm nào?

TTO - LTS: Năm 2018 được xem là mốc đánh dấu 100 năm ra đời sân khấu cải lương. Tuy nhiên, tác giả Trần Nhật Vy góp thêm những tư liệu về cái mốc 100 năm này xuất phát từ đâu, và có cần những nghiên cứu đủ đầy hơn nữa về lịch sử cải lương?

LÊ VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên