Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ phải làm quen với công nghệ hỗ trợ e-learning - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Ngày 10-11, PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết nhà trường vừa triển khai xây dựng đề án "Nâng cao chất lượng đào tạo đại học", trong đó sẽ tăng cường các dịch vụ và hỗ trợ sinh viên: công nghệ hỗ trợ e-learning với LMS-UEH.
Tăng cường công nghệ hỗ trợ đào tạo
Theo đó, nhà trường tăng cường các dịch vụ và hỗ trợ sinh viên: công nghệ hỗ trợ (e-Learning), nguồn tài nguyên học thuật, xây dựng phòng học đa năng, phòng/khu vực tự học); hoạt động gắn kết thị trường, tăng cường đào tạo mô phỏng, kỹ năng mềm (đặc biệt về tiếng Anh và công nghệ)...
PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt cho biết hiện nhà trường đã chính thức triển khai áp dụng hệ thống đào tạo trực tuyến (LMS). Hệ thống gồm các chức năng như quản lý đào tạo trực tuyến sử dụng những công nghệ tiên tiến giả lập phòng học như video, voice và những giải pháp đa phương tiện khác nhằm hỗ trợ các giảng viên có thể dễ dàng tiếp cận và chuyển tải thông tin đến sinh viên; quản lý nội dung đào tạo với chức năng tích hợp với các phần mềm soạn thảo công thức toán học, công thức và có khả năng nhúng các bài giảng powerpoint, video, audio… hỗ trợ giảng viên tạo và chia sẻ nội dung giảng dạy dễ dàng và hiệu quả.
"Việc quản lý tài liệu tham khảo cũng được đề cập đến trong phân hệ này. Việc quản lý này tương tự như một hệ thống thư viện điện tử thu nhỏ nhằm hỗ trợ cho người học dễ dàng tìm được các tài liệu liên quan.
Quản lý thi/ kiểm tra online tự luận, trắc nghiệm; quản lý tiến trình dạy và học của các thành viên trong hệ thống dễ dàng; quản lý việc trao đổi giữa giảng viên và sinh viên, cũng như giữa các sinh viên với nhau với chức năng diễn đàn, blog, wiki, social network", ông Nhựt cho biết thêm.
Đặt mục tiêu văn bằng của trường được thừa nhận trên thế giới
Đáng chú ý, trong đề án này lần đầu tiên nhà trường đặt mục tiêu thúc đẩy việc sinh viên của trường tốt nghiệp có thể làm việc được ở các nước trên thế giới, đồng thời mục tiêu dài hạn bằng cấp của nhà trường được thừa nhận trên thế giới (hiện nay bằng tốt nghiệp đại học Việt Nam được rất ít nước trên thế giới công nhận).
"Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi đưa ra hàng loạt giải pháp, đổi mới tuyển sinh đầu vào theo hướng mở rộng đối tượng, tăng tỉ lệ tuyển thẳng, tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tổng hợp UEH-GAT; xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, áp dụng phương pháp giảng dạy mới theo hướng sáng tạo dựa trên công nghệ", ông Nhựt chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm hiện Trường đại học Kinh tế TP.HCM là trường đại học Việt Nam đầu tiên áp dụng chương trình đào tạo quốc tế cho toàn bộ chương trình đào tạo chuẩn.
Tính đến tháng 8-2018, thư viện trường đã bổ sung 2.106 đầu sách dành cho chương trình tiên tiến phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên, trong đó có khoảng 50% sách điện tử (eBooks) và 50% sách in.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận