Phóng to |
Các tân SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chờ đóng học phí. Chia sẻ chi phí giáo dục ĐH đã trở thành xu hướng tất yếu, nhưng ở mức nào thì hợp lý và bảo đảm chất lượng giáo dục tương ứng vẫn còn là bài toán khó - Ảnh: Như Hùng |
Tuổi Trẻ đã trao đổi với GS Lâm Quang Thiệp xung quanh một mục tiêu quan trọng mà bản đề án hướng tới: xây dựng giáo dục (GD) ĐH VN từ một nền GDĐH tinh hoa dành cho số ít thành một nền GDĐH đại chúng, đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của số đông.
* Theo GS, khi chuyển sang nền GDĐH đại chúng, chúng ta cần giải quyết bài toán qui mô - chất lượng đào tạo ĐH như thế nào cho thỏa đáng?
- Quan hệ giữa số lượng và chất lượng GDĐH là bài toán lớn đối với chiến lược GD của mọi nước, nhất là trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và nền kinh tế tri thức hiện nay. Ở đây không nên quan niệm "cái này loại trừ cái kia" mà phải tìm giải pháp để "trong cái này có cái kia", tức là phải tăng số lượng lên mức độ cần thiết, đồng thời đảm bảo chất lượng ở chừng mực chấp nhận được theo một quan niệm phù hợp.
Để xác định số lượng hợp lý sinh viên ĐH phải tính toán nhu cầu của một xã hội công nghiệp trong thời đại hiện nay và cần có một quan niệm thích hợp về việc làm cho người tốt nghiệp ĐH. Khi nói về chất lượng, trước hết cần làm rõ quan niệm về chất lượng, đó là sự trùng khớp của sản phẩm đào tạo so với mục tiêu đào tạo được đề ra cho từng đối tượng ở từng trường ĐH cụ thể, và do đó chất lượng là một dải phổ rộng.
Để giải quyết bài toán quan hệ giữa số lượng và chất lượng GDĐH cần dựa trên tư duy mới và áp dụng công nghệ đào tạo mới. Trên cơ sở đó, có thể chọn một lời giải khả thi cho bài toán đã nêu đối với GDĐH VN: một mặt, cần tăng đáng kể số lượng SV được đào tạo bằng hình thức ĐH mở và GD từ xa, trong đó phải chú ý sử dụng công nghệ mới để đánh giá kết quả học tập của SV, ngoài ra mở nhiều chương trình đào tạo ở nhiều cấp độ GD sau trung học; mặt khác, cần giới hạn qui mô đào tạo của các ĐH truyền thống ở mức độ hợp lý, và đối với hình thức này phải sớm xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng và qui trình kiểm định công nhận chất lượng.
* Đề án có đưa ra những quan điểm, định hướng mới: nguồn lực cho GDĐH có thể sẽ tạo ra nhiều thay đổi căn bản trong chính sách tài chính đối với GDĐH. Xin GS giải thích về ý tưởng chia sẻ chi phí GDĐH giữa Nhà nước, người học và cộng đồng?
- Chia sẻ chi phí là bài toán quan trọng nhất của vấn đề tài chính cho GDĐH. Bốn đối tượng tham gia việc chia sẻ đó là Nhà nước, phụ huynh, SV và các nguồn tài trợ tư nhân khác (các doanh nghiệp, nhà từ thiện...). Mỹ là một nước sớm có nền GDĐH đại chúng và sớm có chính sách chia sẻ chi phí GDĐH cho bốn đối tượng nêu trên. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines cũng theo mô hình tương tự Mỹ, thậm chí SV chịu hầu như toàn bộ chi phí cho GDĐH vì chưa có truyền thống về các quĩ tài trợ tư nhân như ở Mỹ.
Trong những thập niên cuối của thế kỷ 20, các nước châu Âu chuyển sang đại chúng hóa GDĐH một cách mạnh mẽ, đồng thời cũng thay đổi chính sách về chi phí cho GDĐH: thành lập nhiều ĐH tư và bắt đầu thu một lượng học phí không lớn lắm. Gần đây nhất Chính phủ Anh bắt đầu thu học phí, Chính phủ Đức cũng tuyên bố sẽ thu học phí đối với GDĐH. Như vậy chia sẻ chi phí cho GDĐH đã trở thành xu hướng chung của thế giới.
Có mấy lý do tạo nên xu thế chia sẻ chi phí cho GDĐH theo hướng người học cần trả một phần quan trọng chi phí đó: a) Nhu cầu học ĐH tăng nhiều; b) Nhà nước có xu hướng giảm cấp tài chính cho GDĐH; c) Ngày càng có nhiều người nhất trí với quan niệm rằng GDĐH mang lợi ích cho riêng cá nhân nhiều hơn là cho chung xã hội, do đó người thụ hưởng GDĐH phải trả chi phí nhiều hơn, như vậy mới công bằng, còn ngân sách công (do toàn xã hội đóng góp, trong đó có nhiều người không được thụ hưởng GDĐH) nên dành nhiều hơn cho giáo dục phổ cập và các lợi ích công cộng khác. |
- Hiện nay ở nước ta Nhà nước qui định mức trần học phí rất thấp, những người làm chính sách cho rằng như vậy người nghèo mới học được. Thật ra qui định học phí thấp đồng nghĩa với việc không cho phép cung cấp GDĐH chất lượng cao, đồng thời bao cấp chi phí GDĐH cho cả những đối tượng thuộc gia đình khá giả có khả năng đầu tư cho tương lai con em họ.
Còn về học bổng, ở nước ta quĩ học bổng lớn nhất là học bổng "khuyến khích học tập" cho những SV học khá. Lượng học bổng này chủ yếu rơi vào tay SV từ những gia đình tương đối khá giả, vì những SV này mới có điều kiện thuận lợi để học tập đạt kết quả khá. SV nghèo chưa có điều kiện để học khá nên ít được hỗ trợ.
Học bổng khuyến khích học tập ở nước ta hiện nay cũng không cấp cho SV ngoài công lập, trong khi SV ngoài công lập ở nước ta phần lớn cũng xuất thân từ gia đình nghèo, không đủ điều kiện học tập và luyện thi nên không chen được vào các trường công lập. Điều đó thể hiện "sự phân biệt đối xử" giữa hai loại trường công lập và ngoài công lập.
Kết quả là học bổng "khuyến khích học tập" làm tăng chứ không làm giảm phân hóa giàu nghèo, tức là không phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn nếu xem học bổng là quĩ thưởng thì tính đại trà của quĩ thưởng đó không tạo nên một sự khuyến khích thật sự, lại quá tốn kém cho ngân sách nhà nước. Không nên xem học bổng là phần thưởng.
Vì những lý do trên chúng ta cần phải thiết kế lại chính sách học phí, học bổng cho GDĐH nước ta dựa trên những phân tích khoa học thật sự và phù hợp hơn với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận