Ngày 1-12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Công ty cổ phần Global PR Hub tổ chức hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may trên lộ trình tăng trưởng xanh".
Tại hội thảo, nhiều thách thức trong chuyển đổi xanh của ngành dệt may Việt Nam được đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đưa ra cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) và chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD).
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết hiện nay Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Song, các FTA thế hệ mới đặt ra thách thức cho doanh nghiệp khi yêu cầu khắt khe về sản xuất xanh, bền vững.
Điều đáng nói, hơn 80% doanh nghiệp dệt may thuộc nhóm vừa và nhỏ, do đó đa số thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, đáp ứng các quy định phức tạp như LEED, thẩm định chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc.
Bà Mai nhấn mạnh dù khó khăn nhưng chuyển đổi xanh là con đường tất yếu, không thể không đi nếu các doanh nghiệp dệt may muốn tồn tại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cuộc chơi chúng ta không có quyền lựa chọn.
Tương tự, bà Huyền Như, Business scout - quản lý dự án chuỗi cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức (AHK) - nhận định các hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều ưu thế cho dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, để có được những thuận lợi EVFTA mang lại, doanh nghiệp không chỉ phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về xanh hóa mà còn về phát triển bền vững như bảo vệ lao động hay thực hiện trách nhiệm xã hội.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thanh Nga - quản lý dự án dệt may xanh bền vững, WWF Việt Nam - kể một doanh nghiệp sau khi được WWF vẽ lộ trình thực hiện chuyển đổi sử dụng hệ thống xử lý nước thải tiết kiệm nguồn nước đã hào hứng đầu tư. Tuy nhiên, dự án này phải dừng giữa chừng bởi doanh nghiệp không có đơn hàng, không đủ nước thải cho hệ thống chạy.
Hiện nay, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng đang ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu nhà cung cấp áp dụng các biện pháp thực hành xanh. Việt Nam được xác định là một điểm đến được nhiều sự quan tâm của ngành thời trang thế giới, tuy nhiên để đón sóng thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay được các diễn giả đánh giá "khó chồng khó".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận