03/07/2024 08:58 GMT+7

Đến ngân hàng vẫn không thể xác thực sinh trắc học

Sáng 2-7, anh T. (quận 5, TP.HCM) đến chi nhánh Ngân hàng Sacombank tại đường Nguyễn Trãi (quận 5) để cập nhật thông tin sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng này do không thể tự làm ở nhà.

Người dân cập nhật sinh trắc học tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Người dân cập nhật sinh trắc học tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Tuy nhiên sau nhiều lần nữ nhân viên ngân hàng hỗ trợ anh T. cập nhật thông tin đều bất thành, app báo không thể hoàn tất quá trình cập nhật sinh trắc học.

Do đó nhân viên này hướng dẫn anh T. quay trở lại lần sau hoặc tạm thời chuyển các khoản tiền trên 10 triệu đồng trên app Sacombank mBanking thay vì dùng app Sacombank Pay.

Theo anh T., những ngày trước anh cũng không thể tự cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) mà buộc phải ra ngân hàng để nhờ hỗ trợ.

Do cần chuyển khoản tiền trên 10 triệu đồng, sáng ngày 2-7, anh Nguyễn Hữu Thuận (ngụ TP Thủ Đức) lần lượt vào các app của Techcombank, ACB, Vietcombank và HDBank nhưng cả bốn ngân hàng này đều báo lỗi không thể quét được căn cước công dân dù điện thoại của anh Thuận là iPhone có chức năng xác nhận thông tin qua NFC.

Trưa cùng ngày, anh Thuận tranh thủ giờ nghỉ làm để đến chi nhánh Ngân hàng Techcombank trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) để được nhân viên trực tiếp cập nhật thông tin. Sau khi được nhân viên ngân hàng trực tiếp gắn căn cước công dân vào máy đọc thông tin của ngân hàng, anh Thuận mới hoàn tất việc cập nhật thông tin và có thể giao dịch.

"Điện thoại tôi có tích hợp thanh toán qua NFC, vẫn giao dịch bình thường, nhưng không hiểu sao lại không thể cập nhật thông tin sinh trắc học, giờ tôi phải lần lượt tới từng ngân hàng để nhân viên hỗ trợ chứ tôi bó tay", anh Thuận nói.

Theo bà Từ Kiều Tiên, nhiều khách hàng không thể tự mình cập nhật thông tin sinh trắc học tại nhà do các dòng điện thoại cũ không hỗ trợ NFC, có trường hợp camera bị lỗi do mỗi đời máy đặt đầu đọc NFC ở vị trí khác nhau khiến khách hàng chưa thao tác đúng.

Sáng 2-7, khá nhiều người dân đến chi nhánh Ngân hàng HDBank trên đường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) để nhờ hỗ trợ cập nhật thông tin sinh trắc học.

Nam nhân viên Lê Nguyễn Hùng Cường cho hay nhiều người dùng các dòng điện thoại cũ, điện thoại gặp lỗi hoặc thao tác sai nên phải đến ngân hàng để được nhân viên trực tiếp cập nhật.

Chiều muộn ngày 2-7, tại một chi nhánh Ngân hàng VietinBank ở TP Thủ Đức vẫn còn đông khách hàng đến cập nhật sinh trắc học. Theo nhân viên ngân hàng này, trong ngày 1 và sáng 2-7, do có quá nhiều người dùng app để cập nhật thông tin nên xảy ra tình trạng quá tải hệ thống, không thể cập nhật trên app.

Hàng triệu khách hàng đã hoàn tất xác thực sinh trắc học

Theo thông tin từ Techcombank, đến ngày 1-7 đã có hơn 1,4 triệu khách hàng của ngân hàng này cập nhật dữ liệu sinh trắc học thành công trên app Techcombank Mobile, chiếm tổng số hơn 80% khách hàng thường xuyên thực hiện giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng.

"Chúng tôi đang đẩy mạnh truyền thông, nhằm khuyến khích khách hàng chủ động thực hiện cài đặt trên ứng dụng. Trong một số trường hợp khách hàng không thể tự thực hiện có thể đến trực tiếp chi nhánh hoặc phòng giao dịch Techcombank gần nhất để được hỗ trợ", đại diện ngân hàng này cho biết.

Trong khi đó, ACB cho biết đã triển khai xác thực khuôn mặt thành công cho 500.000 khách hàng qua ứng dụng ngân hàng số ACB ONE, nhằm giúp tăng cường bảo mật tài khoản và bảo vệ các giao dịch trực tuyến giá trị lớn.

Ông Từ Tiến Phát, tổng giám đốc ACB, cho hay đây là giải pháp triệt để giúp giải quyết được các rủi ro về bảo mật và an toàn tài khoản.

Với việc xác thực khuôn mặt, chỉ có "chính chủ" của tài khoản mới chuyển được tiền.

Trong trường hợp chủ tài khoản bị lộ thông tin, tội phạm có thể chiếm quyền kiểm soát điện thoại để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của họ.

Nhưng với việc khi giao dịch phải xác thực bằng khuôn mặt đã so khớp với khuôn mặt trên thẻ căn cước, tội phạm khó có thể giả mạo để lấy được tiền.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết đa phần khách hàng của Sacombank đã đăng ký sinh trắc học và xác thực bằng sinh trắc học thành công đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc vượt 20 triệu đồng/ngày.

"Chúng tôi vẫn tiếp tục thông báo đến các khách hàng về việc nên cập nhật sinh trắc học để các giao dịch chuyển tiền trực tuyến được diễn ra thông suốt, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống, công việc...", ông Tâm cho biết.

Cũng theo vị này, đại đa số khách hàng có thể chủ động cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng Sacombank Pay. "Riêng với một số trường hợp như khách lớn tuổi, khách hàng không có thiết bị hỗ trợ NFC hay trường hợp đặc biệt khác chỉ cần đem căn cước công dân gắn chip/căn cước đến các điểm giao dịch sẽ được nhân viên của chúng tôi hỗ trợ", ông Tâm chia sẻ.

Ngày đầu xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: Ở nhà không xong, phải tới ngân hàngNgày đầu xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: Ở nhà không xong, phải tới ngân hàng

Ngày 1-7, nhiều người dùng vẫn gặp khó khi cập nhật thông tin sinh trắc học online để xác thực giao dịch chuyển tiền nên buộc phải ra ngân hàng để thực hiện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên