08/09/2019 20:43 GMT+7

Đêm của Nhớ mùa thu Hà Nội

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Một đêm thu 'rất thu' hơn 30 năm trước, Nhớ mùa thu Hà Nội - bài hát về Hà Nội được rất nhiều người yêu thích của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - đã được ra đời thật đặc biệt, giữa lòng Hà Nội và giữa lòng mùa thu.

Đêm của Nhớ mùa thu Hà Nội - Ảnh 1.

Một góc thu Hà Nội - Ảnh: LINH TÂM

1. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ viết đôi ba dòng về sự ra đời của bài hát này, nhưng một người bạn thân thiết đã may mắn chứng kiến giờ phút Trịnh ngồi viết Nhớ mùa thu Hà Nội thì lâu nay lại nung nấu ý định "làm giấy khai sinh" cho bài hát rất hay về Hà Nội này nhưng chưa thành.

Lý do là ông quá cầu toàn, trước đây ông chần chừ chưa viết bởi không nhớ được cái ngày đặc biệt đó chính xác là ngày tháng nào.

Một tờ giấy khai sinh mà không có ngày tháng, chỉ có năm, thì một người cầu toàn như ông chưa hài lòng.

Nhưng nay, người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng là một hồn thơ say đắm, muốn câu chuyện về sự ra đời của bài hát mà ông may mắn được chứng kiến đến với đông đảo người yêu nhạc sĩ họ Trịnh, yêu bài hát, yêu mùa thu Hà Nội.

Người bạn ấy chính là nhà thơ, dịch giả Dương Tường.

2. Một sớm mùa thu vàng nắng, bên ly cà phê đen đá nơi quán quen, nhà thơ Dương Tường gần 90 tuổi, với đôi mắt hầu như đã lòa nhưng trí óc vẫn hoàn toàn minh mẫn, ngồi kể rành rọt về cái đêm ấy.

Đó là một đêm mùa thu năm 1985. Trịnh Công Sơn khi ấy vừa có chuyến thăm Liên Xô cùng với ba đồng nghiệp theo lời mời của Bộ Văn hóa Liên Xô mời thăm Liên Xô.

Trở về đúng vào những ngày Hà Nội "thu rất thật thu", ông liền ở lại thành phố ông mới gặp nhưng đã trót yêu nhớ này luôn một tháng.

Trong cả tháng ấy, mỗi sáng, ông và nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đều loanh quanh gặp gỡ bạn bè.

Chiều chiều cả hai lại lên hồ Tây lộng gió, nằm bên hồ với chai Ararat và nhìn bầy sâm cầm "vỗ cánh mặt trời".

Một tối, Trịnh Công Sơn cùng Dương Tường đến uống rượu ở nhà một người bạn ở khu tập thể Kim Liên cùng với anh hùng Phạm Tuân. Trong khi Dương Tường chỉ dám nhấp môi vì "làm sao đọ được với phi công", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại uống rất nhiệt tình.

Tàn cuộc rượu thì Trịnh Công Sơn đã ngà say. Dương Tường dìu bạn lên xích lô đưa bạn về khách sạn Đồng Lợi (nay là khách sạn Mercure) nằm ngay ngã ba đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn) - Lý Thường Kiệt, cạnh ga Hà Nội.

Đưa bạn về tới phòng, thấy bạn còn say mà chỉ có một mình, Dương Tường ở lại khách sạn cùng bạn.

Đêm đó, đang say ngủ, Dương Tường chợt tỉnh giấc và giật mình thấy Trịnh Công Sơn đang ngồi viết. Vậy là người ở lại trông người say lại ngủ trước cả người say.

Trịnh Công Sơn sau cuộc rượu đã không ngủ mà ngồi viết Nhớ mùa thu Hà Nội với những câu hát "kỳ tài" khi gói được những đặc trưng đẹp đẽ nhất của Hà Nội.

Đó là "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ"; là "phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu"; là "mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió, mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua"; là "bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời" trên hồ Tây lộng gió...

Dương Tường khi được bạn chia sẻ bài hát này ngay trong đêm ông viết nó thì đã lập tức thầm kính nể cái "thiên tài" của Trịnh Công Sơn khi chỉ vài cái chạm mặt với mùa thu Hà Nội đã nhìn được ra những thứ rất thân thương Hà Nội như thế.

Nay thì bài hát trở thành một trong số ít những bài hát hay nhất về Hà Nội.

Hà Nội đáng sống thế nào trong mắt người Hà Nội? Hà Nội đáng sống thế nào trong mắt người Hà Nội?

TTO - Hóa ra người Hà Nội yêu thành phố của mình không phải bởi những lớp lớp nhà cao tầng, chung cư hiện đại, mà là những cây bàng lá đỏ, mái ngói thâm nâu, những hồ nước, công viên, những mảnh sân con con trong khu tập thể cũ, những quán xá vỉa hè.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên