02/04/2024 15:50 GMT+7

Đề xuất nghỉ chăm cha mẹ ốm đau được hưởng bảo hiểm xã hội: Nguyện vọng chính đáng

Công đoàn Dệt may Việt Nam đề xuất người lao động nghỉ chăm cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ/chồng từ 70 tuổi trở lên ốm đau được hưởng bảo hiểm xã hội.

Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh mạn tính cao, do vậy người lao động mong muốn có thêm quy định ngày nghỉ chăm cha mẹ hưởng bảo hiểm xã hội - Ảnh: HÀ QUÂN

Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh mạn tính cao, do vậy người lao động mong muốn có thêm quy định ngày nghỉ chăm cha mẹ hưởng bảo hiểm xã hội - Ảnh: HÀ QUÂN

Ông Nguyễn Thái Dương - phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam (đại diện hơn 108.000 đoàn viên công đoàn) - cho biết cơ quan này đã đề xuất nhiều quy định đảm bảo quyền của người lao động trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Bổ sung ngày nghỉ chăm cha mẹ hưởng bảo hiểm xã hội, vì sao?

Cụ thể, Công đoàn Dệt may đề xuất người lao động có cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ/chồng từ 70 tuổi trở lên ốm đau được nghỉ 12 ngày/năm hưởng bảo hiểm xã hội với các bệnh thông thường. Trường hợp bệnh thuộc danh mục chữa trị dài ngày sẽ hưởng tối đa 30 ngày.

"Đây là nguyện vọng chính đáng của người lao động", ông Dương nêu.

Vị phó chủ tịch này cho biết có lao động thường phải nghỉ chăm sóc trực tiếp cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng khi ốm đau vì chi phí thuê người hỗ trợ tại bệnh viện khá cao, gia đình ít anh chị em.

Từ năm 2011, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số nên bổ sung quy định phù hợp với chính sách chăm sóc người cao tuổi của Nhà nước.

Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nâng tuổi nghỉ hưu, tức là số năm đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng và quyền lợi của người lao động cũng phải tương xứng.

"Ở giai đoạn từ 70 tuổi trở lên, sức khỏe của người già giảm sút, nguy cơ mắc bệnh mạn tính phải điều trị dài ngày tại cơ sở y tế tăng lên. Nhiều lao động không được nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội khi cha mẹ ốm đau. Họ phải lựa chọn nghỉ việc không hưởng lương, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới biến động lao động trong doanh nghiệp. Người nghỉ việc còn bị gián đoạn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ của họ khi ốm đau", ông bày tỏ.

Công nhân may làm theo ca kíp, dây chuyền rất khó xin nghỉ việc, nếu nghỉ nhiều để chăm sóc cha mẹ phải nghỉ không lương - Ảnh: GIA ĐOÀN

Công nhân may làm theo ca kíp, dây chuyền rất khó xin nghỉ việc, nếu nghỉ nhiều để chăm sóc cha mẹ phải nghỉ không lương - Ảnh: GIA ĐOÀN

Nghỉ việc không lương để chăm sóc mẹ

Là công nhân song gần 1 tuần qua, chị Hoa, 45 tuổi, trú Hà Nam, tạm gác công việc để chăm sóc mẹ già tại Bệnh viện K (Hà Nội). Chị Hoa chia sẻ mẹ năm nay gần 70 tuổi, đang điều trị ung thư trực tràng.

"Nhà neo người, từ đầu năm đến nay, tôi phải một mình đưa mẹ lên Hà Nội thăm khám, nhanh cũng phải mất một ngày, số nghỉ phép cũng hết. Tôi đành phải nghỉ không lương chăm sóc mẹ. Những người ở Hà Nội không sao, họ tranh thủ chạy đi chạy lại, chứ người ở tỉnh phải sắp xếp công việc", chị Hoa bộc bạch.

Theo chị, Nhà nước có thể tính toán hỗ trợ một vài ngày nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội. "Khi nghỉ làm, chúng tôi không chỉ giảm thu nhập mà còn chế độ chuyên cần. Nếu cần quản lý, chúng tôi có thể xuất trình giấy tờ vào viện, xuất viện của cha mẹ", chị nói.

Anh Thắng, lao động tại Hà Nội, chia sẻ mỗi khi cha mẹ ốm đau, các con phải thay phiên cắt cử người trông nom ông bà. Anh kể năm ngoái phải nghỉ xen kẽ 1-2 tháng vì mẹ hơn 70 tuổi bị nhiễm trùng máu.

"Anh em phải cắt cử vệ sinh, mua đồ ăn, gọi bác sĩ khi trông bà, nếu không phải thuê dịch vụ 250.000-300.000 đồng/ngày. Công việc chắc chắn ảnh hưởng rồi mệt mỏi, lo lắng tinh thần nữa. Nhà nào cũng phải 2-3 người thay phiên vì nếu chỉ có mình thì lúc ốm không có người thay", anh nói và mong được hỗ trợ 15-20 ngày nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trung Anh - giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương - cho hay trung bình mỗi người Việt sau 60 tuổi mắc 2-3 bệnh và tăng gần 7 bệnh khi 80 tuổi. Với người từ 80 tuổi, trung bình có 14 năm sống chung với bệnh tật.

Ông Trung Anh cho rằng mức sinh thấp tác động tới cấu trúc gia đình, với mô hình "4-2-1", tức là bốn người là ông bà nội, ngoại và hai người là bố mẹ trông đợi vào sự chăm sóc của một người là con, cháu trong gia đình.

Người cao tuổi được chăm sóc tốt sẽ tiết giảm chi phí cho gia đình, song ở nhiều hộ ít người, gánh nặng kinh tế sẽ cao khi cần người hỗ trợ thường xuyên. Do đó, việc hỗ trợ người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý, tính toán phù hợp.

Đại diện ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cho biết các ý kiến góp ý sẽ được tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

Đại biểu Quốc hội "băn khoăn" 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lầnĐại biểu Quốc hội 'băn khoăn' 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc thông qua dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sau khi cải cách chính sách tiền lương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên