
Ông Nguyễn Văn Phúc - Ảnh: GIA HÂN
Ngày 20-2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ ba khóa X.
Trụ sở bộ "khổng lồ" nhưng "vắng tanh", lãng phí rất lớn
Góp ý tại phiên thảo luận tổ về các nội dung nói trên, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng Mặt trận Tổ quốc cần tổ chức các hội nghị, kỳ họp "thực chất hơn", để tận dụng được ý kiến của các đại biểu từ trong và ngoài nước.
Ông Phúc nêu rõ Mặt trận Tổ quốc cần tham khảo kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội, từ chỉ họp thường kỳ, hiện đã có nhiều kỳ họp không thường kỳ.
"Mỗi kỳ họp của Mặt trận Tổ quốc không nên chỉ họp nửa ngày hay một ngày, mà có thể chương trình họp phải 2 - 3 ngày để bàn bạc, nêu ý kiến về các vấn đề", ông Phúc kiến nghị.
Về chương trình hoạt động toàn khóa của Mặt trận Tổ quốc, ông Phúc nhắc vấn đề Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh về công tác phòng, chống lãng phí, cho rằng Mặt trận Tổ quốc cần làm thế nào để huy động toàn dân vào công cuộc này.
Theo ông Phúc, trong nhiệm kỳ này, nếu Mặt trận huy động toàn dân tham gia vào công cuộc chống lãng phí sẽ góp phần rất lớn đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới mức tăng trưởng 2 con số là trong tầm tay.
Ông Phúc cũng dẫn ví dụ hôm trước ông đến một trụ sở bộ "khổng lồ" nhưng "vắng tanh", lãng phí rất lớn.
Theo ông Phúc, hệ thống Mặt trận Tổ quốc rất vất vả để kêu gọi quyên góp, ủng hộ phòng, chống thiên tai, xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Nhưng, nếu Mặt trận Tổ quốc vận động giúp Đảng, Nhà nước, nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thì số tiền tiết kiệm được hoàn toàn có thể giải quyết các vấn đề nói trên, không cần phải kêu gọi nữa.
"Nếu đấu tranh phòng chống lãng phí thành công, thì tiền giải quyết chính sách an sinh xã hội là trong tầm tay", ông Phúc phân tích.
Đáng chú ý, theo đề xuất của ông Phúc, nếu Mặt trận Tổ quốc chỉ ra được những nơi, công trình, dự án lãng phí thì nên "được hưởng phần trăm" từ số tiền lãng phí đó cho Mặt trận Tổ quốc thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
Bởi hiện nay cũng có những điều luật quy định cho lực lượng xử lý vi phạm được giữ lại phần trăm số tiền nhất định.
Bên cạnh đó theo ông Phúc, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong thúc đẩy tăng trưởng đạt 8%.
Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên bổ sung và giao cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm nòng cốt cùng với các hội kinh tế để huy động nguồn lực thực hiện được mức tăng trưởng mà Quốc hội đề ra, góp phần tạo động lực đưa đất nước phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Ảnh: QUANG VINH
Cùng số vốn, Nhà nước đầu tư được 1 công trình nhưng tư nhân có thể làm 2
Cũng nêu ý kiến, ông Nguyễn Văn Đệ - chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam - cho rằng Mặt trận Tổ quốc nên "gần dân, gần doanh nghiệp" để lắng nghe các ý kiến, phản ánh đến cấp có thẩm quyền.
Chia sẻ về một số vấn đề cụ thể, ông Đệ nói hiện nay có những doanh nghiệp có tiền, có điều kiện, có lao động dôi dư nhưng vướng về cơ chế, chính sách, dẫn tới có những công trình 5 - 10 năm không đi vào hoạt động. Vì thế việc cần làm là phổ cập cơ chế, chính sách một cách rộng rãi.
"Bởi có những chỗ phổ biến chưa đến nơi đến chốn, có địa phương gây khó dễ cho doanh nghiệp, không có cơ hội cống hiến cho đất nước", ông Đệ nói, đồng thời cho rằng Mặt trận Tổ quốc cần góp ý, kiến nghị để có những giải pháp đột phá.
Nêu ví dụ cụ thể về tình trạng "bỏ hoang" của dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam, ông Đệ nêu quan điểm những gì doanh nghiệp làm được thì mạnh dạn giao cho doanh nghiệp, Nhà nước không đầu tư nữa.
Cũng theo ông Đệ, cùng một số vốn, Nhà nước đầu tư được 1 công trình, nhưng với tư nhân có thể làm được 2 công trình.
Như vậy Nhà nước có thể ưu tiên dành nguồn lực đó cho an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Điều doanh nghiệp cần là cơ chế thông thoáng, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp để thực hiện.
Ông Đệ nêu thêm cách đây 7 năm từng phát biểu rằng 50% cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". Do vậy hiện Đảng, Nhà nước đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp bộ máy nên phải thực hiện đúng chủ trương để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận