Bộ Tư pháp đang xem xét, cho ý kiến về hồ sơ dự án Pháp lệnh chi phí tố tụng do Tòa án nhân dân tối cao soạn thảo và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Theo dự thảo tờ trình, mục đích của việc ban hành pháp lệnh nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thi hành các quy định pháp luật về chi phí tố tụng.
Pháp lệnh sẽ khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; bảo đảm trình tự, thủ tục thu, nộp, thanh toán chi phí tố tụng đơn giản, thuận lợi phục vụ việc giải quyết các vụ án, vụ việc kịp thời, hiệu quả.
Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của tòa án.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo pháp lệnh đã đề xuất quy định về chi phí sao chụp tài liệu vụ án. Cụ thể là chi phí sao chụp tài liệu để thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu.
Trong tố tụng hình sự, trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải sao chụp tài liệu cung cấp cho bị can để đảm bảo thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.
Nhà nước lo kinh phí này. Chi phí được lấy từ kinh phí chi đặc thù hằng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Bên cạnh đó còn có chi phí sao chụp tài liệu trong trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp. Trong vụ án hình sự, trường hợp bị can, người bào chữa (luật sư) yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.
Giải quyết khó khăn, đảm bảo khả thi thực hiện quyền của bị can, luật sư
Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao cũng nêu rõ trong tố tụng hình sự, để bảo đảm cho việc thực hiện quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu của bị can, quyền yêu cầu sao chụp của người bào chữa, cơ quan tiến hành tố tụng phải sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội, bào chữa.
Tương tự với chi phí sao chụp tài liệu theo quy định tại một số pháp lệnh. Chi phí sao chụp tài liệu này là chi phí phục vụ cho hoạt động tố tụng, nên thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo pháp lệnh.
Việc bổ sung những chi phí trên vào phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh là để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi của việc thực hiện quyền của bị can, người bào chữa (luật sư).
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng không nên đưa những chi phí nêu trên vào phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh, vì cho rằng những chi phí này là chi phí trang bị cơ sở vật chất cho cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc là những khoản chi thường xuyên.
Vì vậy Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận