Tôi tìm hiểu thì được biết theo quy trình tố tụng, quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng đối với một vụ án. Vậy xin hỏi, nếu quyết định này có sai sót thì có thể được xem xét lại hay không?
Bạn đọc Hoàng Mạnh Hà (Hà Nội) gửi câu hỏi cho Tuổi Trẻ Online.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời về việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao như sau:
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 có thiếu sót là không quy định thủ tục xem xét lại bản án, quyết định giám đốc thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, dẫn đến những vụ án dẫu biết bị cáo có dấu hiệu oan sai, hoặc sai sót bị dư luận không đồng tình, phản ứng; đã khiến cho những người có trách nhiệm bị động, lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý cho việc xem xét lại.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã bổ sung thiếu sót đó của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 bằng việc quy định chương XXVII về "Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao".
Và như vậy, những quyết định, bản án giám đốc thẩm có thể xem xét lại.
Theo quy định, để có thể xem xét lại cần có các điều kiện sau đây:
1) Có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc
2) Phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó.
Để làm rõ các điều kiện này thì những người nắm chắc các tài liệu, chứng cứ của vụ án cần cung cấp ý kiến kịp thời cho các cơ quan, những người có thẩm quyền đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục này.
Theo điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, đề nghị, kiến nghị việc xem xét lại gồm:
1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu;
2) Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kiến nghị;
3) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền đề nghị.
Khi các cơ quan nói trên yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Thẩm quyền được quy định cụ thể như sau:
1) Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2) Trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
3) Trường hợp chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận