27/05/2023 19:27 GMT+7

Đề xuất hàm đại tướng với phó chủ tịch Quốc hội phụ trách quốc phòng - an ninh

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh là thượng tướng thì phó chủ tịch Quốc hội phụ trách mảng này ít nhất là thượng tướng, còn không phải là đại tướng.

Đề xuất hàm đại tướng với phó chủ tịch Quốc hội phụ trách quốc phòng - an ninh - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ảnh: GIA HÂN

Quân đội cũng cần cân nhắc khi sửa luật

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ chiều 27-5 về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) bày tỏ nhất trí việc bổ sung thêm một vị trí có hàm thượng tướng với sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.

Theo bà Hoa, quy định này phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ quan trọng của chủ nhiệm phụ trách một lĩnh vực hết sức quan trọng là quốc phòng và an ninh.

Tuy nhiên, bà cũng thông tin thêm từ thực tiễn, Quốc hội khóa IX, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh là trung tướng Đặng Quân Thụy.

Khóa X và XI là trung tướng Nguyễn Phúc Thanh; khóa XII, XIII là trung tướng Nguyễn Kim Khoa, khóa XIV là thượng tướng Võ Trọng Việt.

Cả bốn nhân sự này đều bên quân đội biệt phái sang. Đến khóa XV là thiếu tướng Lê Tấn Tới biệt phái từ công an sang.

Nữ đại biểu tỉnh Nam Định cho rằng chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh nếu là tướng từ bên công an sang phải là hàm thượng tướng thì sau này bên quân đội cần cân nhắc khi sửa luật cũng phải có quy định tương tự như thế để thống nhất.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh, có ý kiến đề xuất phó chủ tịch Quốc hội phụ trách về quốc phòng - an ninh phải có hàm đại tướng.

"Tôi cho rằng đề xuất này có tính hợp lý. Bởi phó chủ tịch Quốc hội phụ trách quốc phòng - an ninh là cấp lãnh đạo của chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh. 

Mà chủ nhiệm là thượng tướng thì đương nhiên phó chủ tịch Quốc hội ít nhất là thượng tướng, còn không phải là đại tướng như đại tướng Đỗ Bá Tỵ khóa XIV", đại biểu Hoa phân tích.

Vì vậy, bà Hoa cũng đề nghị bên quân đội sau này sửa luật cũng cần quy định tương ứng để đảm bảo tính cân đối, hài hòa.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cũng bày tỏ có thể quy định sĩ quan công an đang giữ nhiệm vụ chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh mang cấp hàm thượng tướng nhưng với điều kiện phải xem xét luôn cấp bậc hàm của phó chủ tịch Quốc hội hiện đang phụ trách mảng này.

"Hiện nay Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đang mang cấp bậc hàm thượng tướng.

Bây giờ nếu chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh với lý do chuyển từ thứ trưởng Bộ Công an sang cũng được đưa vào trong luật quy định cấp bậc hàm thượng tướng đối với chủ nhiệm ủy ban này thì không được ổn lắm", bà Tuyết nói thêm.

Lực lượng công an có tối đa 205 vị trí có cấp hàm cao nhất là tướng

Đại tá Vũ Huy Khánh - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội - cho hay theo thông báo của Bộ Chính trị từ năm 2014, Luật Công an nhân dân 2018, hiện nay trong lực lượng công an có tối đa 205 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng.

Gồm 1 vị trí đại tướng, 6 vị trí thượng tướng, 35 vị trí trung tướng và 157 vị trí thiếu tướng. Tổng số hiện nay có 199 vị trí có hàm cấp tướng. So với số vị trí cơ quan có thẩm quyền cho phép còn 6 vị trí.

Từ thực tiễn tổ chức bộ máy của Bộ Công an sau khi kiện toàn từ 2018 đến nay và theo yêu cầu thực tiễn, Chính phủ đề nghị bổ sung 6 vị trí mang hàm cấp tướng.

Trong đó có 1 vị trí thượng tướng cho sĩ quan công an biệt phái được giữ chức vụ chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Như nhiệm kỳ này là ông Lê Tấn Tới.

Ông chỉ rõ theo luật hiện hành chưa quy định chức danh chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh là sĩ quan công an mà mới cho phó chủ nhiệm là công an với trần cao nhất là trung tướng.

Như vậy, theo ông Khánh, chưa bảo đảm danh chính. Bởi vị trí này không hoàn toàn là chỉ dành cho sĩ quan công an mà việc này thuộc thẩm quyền phân công của Đảng và Quốc hội bầu.

Do vậy theo ông Khánh, khi sửa Luật Sĩ quan quân đội nhân dân cũng cần thiết kế một quy định tương tự như vậy sẽ hoàn toàn hợp lý.

Đại biểu Quốc hội: Tôi đăng ký visa trực tuyến cũng bị Đại biểu Quốc hội: Tôi đăng ký visa trực tuyến cũng bị 'treo'

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho hay khi ông đăng ký visa trực tuyến, hệ thống thường xuyên quá tải, bị treo nên mất rất nhiều thời gian. Ông đề nghị cần nâng cấp hệ thống tốt hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0