Bà Nguyễn Thúy Anh - Ảnh: PHẠM THẮNG
Ngày 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Cần làm rõ mối quan hệ thẩm quyền
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước gồm 3 bộ Y tế, Công an, Quốc phòng và UBND cấp tỉnh.
Tại điều 28, dự thảo quy định, bộ trưởng Bộ Y tế, bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền cấp giấy phép hành nghề với các chức danh:
Bác sĩ; y sĩ; điều dưỡng; hộ sinh; kỹ thuật y; dinh dưỡng lâm sàng; cấp cứu viên ngoại viện; tâm lý trị liệu cho người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
Về đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề thì bộ trưởng Bộ Y tế có quyền với người hành nghề làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Công an có quyền đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề với người hành nghề làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý...
So với luật hiện hành, một trong những điểm mới là dự thảo luật bổ sung quyền của Bộ Công an trong cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề.
Với điểm mới này, bà Thúy Anh cho hay một số ý kiến băn khoăn và đề nghị tiếp tục giao bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành. Nếu giao Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề với đối tượng thuộc thẩm quyền thì “cần quy định lộ trình”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền của bộ trưởng Bộ Y tế với thẩm quyền bộ trưởng 2 bộ trong đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đặt vấn đề bác sĩ làm việc ở bệnh viện của lực lượng vũ trang nhưng đăng ký hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh khác và sai sót xảy ra ở cơ sở khác.
“Trường hợp này thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép của ai, của bộ trưởng Bộ Y tế hay bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an?”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: PHẠM THẮNG
Dừng tự chủ vì hết thời hạn thí điểm
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu việc có bệnh viện công nhưng được thực hiện một số dịch vụ có thu phí.
Ông dẫn lại khi ở địa phương thấy chính sách bệnh viện tự chủ bước đầu có rất nhiều thành công, thay đổi diện mạo của bệnh viện cả về dịch vụ, chất lượng khám, chữa bệnh.
Nhưng gần đây xuất hiện những sai phạm và ở một số nơi lại đảo ngược, tức trả lại việc tự chủ.
Ông nhấn mạnh đây là vấn đề phải rất tập trung để giải quyết được ở luật này. Còn chưa giải quyết hết được bằng luật thì cố gắng bằng nghị định.
Giải trình sau đó về vấn đề tự chủ của bệnh viện, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định đây là một chủ trương đúng và đã tập trung triển khai trong thời gian vừa qua, góp phần cho vấn đề nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như năng lực khám, chữa bệnh, đổi mới các bệnh viện.
Về việc các bệnh viện xin dừng tự chủ (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K), bà Lan cho hay, các đơn vị này thực hiện tự chủ theo nghị quyết 33 của Chính phủ.
Tuy nhiên nghị quyết 33 của Chính phủ chỉ cho thí điểm trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi các pháp luật về tự chủ đã được quy định.
"Thời điểm này đã có nghị định 60 quy định về vấn đề tự chủ, nên vấn đề xin dừng tự chủ theo nghị quyết 33 để chuyển sang thực hiện theo pháp luật đã được Chính phủ cho phép thì đây là việc hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật", bà Lan nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận