Cục Hàng không đề xuất bỏ giá trần vé máy bay hạng phổ thông nội địa trên đường bay có từ 3 hãng khai thác - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Cụ thể, dự thảo của Cục Hàng không kiến nghị sửa đổi điều 116 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam về giá dịch vụ vận chuyển hàng không.
Theo đó, với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, nếu đường bay có dưới 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản trong khung giá, không vượt mức tối đa do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.
Trường hợp đường bay có từ 3 hãng tham gia khai thác trở lên, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.
Theo Cục Hàng không, thị trường vận chuyển hàng không nội địa Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 6 hãng: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, VASCO và Vietravel Airlines với đội máy bay khai thác 100% chủng loại máy bay chuyên chở hành khách, kết hợp vận chuyển hàng hóa, bưu kiện.
Tỉ trọng vận chuyển hàng hóa nội địa bằng hàng không trong tổng thể các loại hình giao thông 0,04%. Do vậy, việc Nhà nước thực hiện định giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa qua đường hàng không chưa thực sự cần thiết.
Với vé máy bay nội địa hạng phổ thông, hiện Nhà nước quy định giá trần theo cự ly từng đường bay. Trên cơ sở này, các hãng hàng không luôn xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá, tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay hoặc có thể theo mùa vụ.
Thông thường, dải giá được các hãng xây dựng có khoảng 10 - 15 mức giá. Trong đó có những mức giá thấp, có nhiều loại vé cho, tặng (0 đồng chưa bao gồm thuế, và các khoản thu hộ) theo từng đợt khuyến mãi, giảm giá của hãng.
Cục Hàng không nhận định từ thực tế với sự tham gia của ngày càng nhiều các hãng, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao. Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không.
Hiện nay, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản vẫn giữ nguyên mức tối đa theo 5 nhóm đường bay như mức ban hành từ tháng 8-2015, với mức giá vé 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều tùy theo cự ly đường bay.
Giá vé nói trên chưa bao gồm các khoản thu khác như giá trị gia tăng, hành lý cùng một số loại thuế phí khác...
Trước đó, từ tháng 7 đến tháng 8-2018, các hãng hàng không đều đề xuất điều chỉnh mức giá phù hợp tình hình thực tiễn khi giá nhiên liệu bay tăng. Jetstar Pacific đề xuất tăng mức tối đa lên 25% so với quy định hiện tại. Vietjet Air và Vietnam Airlines đề xuất điều chỉnh mức giá phù hợp nhưng không đưa ra mức giá cụ thể.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT về việc bình ổn giá, Bộ GTVT vẫn giữ nguyên khung giá tối đa như thời điểm tháng 8-2015 cho đến nay.
Mới đây, Vietnam Airlines kiến nghị tăng khung giá trần vé máy bay nội địa 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều. Đồng thời đề xuất áp giá sàn vé máy bay theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.
Việc tăng giá trần và áp giá sàn theo Vietnam Airlines là để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn COVID-19, giảm bớt cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau để tự làm yếu và nội lực của hàng không Việt Nam yếu đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận