Du khách theo dấu tìm để được ngắm voi thả trong rừng - Ảnh: TRUNG TÂN
Chúng tôi được các nhân viên đưa đi trải nghiệm chương trình ngắm voi trong Vườn quốc gia Yok Đôn vào những ngày cuối tháng 11. Cây cối rậm rạp, lá non mơn mởn, những chú voi tự do đi lại trong rừng tìm thức ăn, thỏa thích tắm táp, ngâm mình trong dòng nước mát sông Sêrêpốk.
Được thả tự do trong rừng gần bốn năm nay khiến ba con voi của đơn vị ngày càng khỏe hơn. Voi ngày càng sung mãn, không còn đau ốm vặt như trước. Hy vọng những nguồn tài trợ tiếp theo sẽ giúp các chú voi của đơn vị và voi khác của người dân gặp nhau, tạo thế hệ voi Buôn Đôn tiếp theo.
Ông Phạm Tuấn Linh
Voi được "về nhà"
Dưới tán rừng khộp, voi H'Khun A (65 tuổi) đang vui vẻ đưa vòi kéo những nhành le non mướt đưa vào miệng.
"Cụ voi" H'Khun A thỉnh thoảng vươn chiếc vòi của mình lên những cành cây cao hơn để tận hưởng mầm lá non.
No cái bụng, H'Khun A tìm đến bờ sông ngâm mình xuống dòng nước mát, thỉnh thoảng vục chiếc vòi xuống nước ngụm một hơi rồi phun tung tóe.
Hay câu chuyện về voi H'Blú - từng có một thời gian làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, vì bị kiệt sức nên được đưa về chăm sóc tại huyện Lắk, rồi được đưa về chăm sóc tại Vườn quốc gia Yok Đôn từ tháng 12-2021, nay sức khỏe và tinh thần của voi đã được cải thiện rất nhiều so với trước.
Từ chỗ kén ăn, chỉ quen ăn những thức ăn con người mang tới cho, nay H'Blú đã lấy lại được bản năng loài voi, tự biết tìm thức ăn và cây thuốc trong rừng...
Voi được thả vào từng, tự tìm thức ăn, cây thuốc tự nhiên tốt cho sức khỏe - Ảnh TRUNG TÂN
Ông Phạm Tuấn Linh, giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, cho biết những chú voi được thong dong trong rừng như vậy đã bắt đầu từ năm 2018.
Thời điểm đó, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) tài trợ 65.000 USD để đơn vị chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi (từ năm 2018 - 2023).
Nhiều du khách, nhất là người nước ngoài, khi biết có mô hình du lịch thân thiện với voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn đã rất hứng thú tham gia và đơn vị được thu "lãi kép" từ việc voi không bị cỡi.
Ngoài ba con voi của Vườn quốc gia Yok Đôn, còn có hai con voi của Công ty du lịch Ánh Dương và một con voi của người dân cũng từng tham gia mô hình du lịch thân thiện do AAF tài trợ vào năm 2019.
Đại diện AAF khẳng định việc voi được thả vào rừng tự do kiếm ăn sẽ giúp chúng cải thiện thể trạng, sống lâu hơn, tăng khả năng sinh sản, tránh nguy cơ tuyệt chủng voi nhà tại Đắk Lắk.
Thêm không gian cho voi
Chưa dừng lại ở đó, mới đây AAF và UBND tỉnh Đắk Lắk tiến thêm một bước nữa để khiến đàn voi được trở lại những cánh rừng già.
Ông Trần Xuân Phước, giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho rằng đây là một bước tiến mới để có thêm không gian cho voi.
Theo đó, AAF sẽ tài trợ 2,43 triệu USD, tương đương 55,452 tỉ đồng để "voi được hạnh phúc" (gói tài trợ kéo dài từ nay đến hết năm 2026 - PV).
Từ nay những chủ voi tại Đắk Lắk sẽ được AAF trả tiền để không buộc phải chuyên chở khách. Tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị các bãi chăn thả để voi về lại với rừng tìm kiếm thức ăn, không gian "yêu".
Ông Y Xương Huynh, một nài voi tại Buôn Đôn, cho biết voi là tài sản lớn của người dân địa phương.
Nhiều năm nay, để tăng thu nhập, voi được "đưa vào hợp tác xã du lịch" chuyên chở khách thích cỡi voi ngắm sông Sêrêpốk. "Mỗi ngày voi phải đi lại cả chục tour, thời gian rảnh thì bị xích đứng ở sân bê tông chờ khách.
Cả ngày được vài cây mía, nải chuối không thấm vào đâu với sức ăn của voi nên chúng ngày càng yếu ớt, gầy gò", ông Huynh than thở.
Theo ông Huynh, trước đây voi cũng thỉnh thoảng chở gỗ, kéo đá cho buôn làng nhưng phần lớn thời gian rảnh được thả vào rừng để tự do kiếm thức ăn, cây thuốc để tự chữa trị những vết thương nhỏ.
"Khi đàn voi đực và cái thả vào, chúng sẽ chọn bạn tình để giao phối. Nay voi phải làm việc quá nhiều nên sức khỏe giảm sút, thiếu không gian nên dần già chết mà không có voi nối dõi.
Việc AAF và Đắk Lắk có nguồn tiền tài trợ trực tiếp cho nài voi, chủ voi sẽ giúp voi có thể sinh sản trở lại sau nhiều năm bị vắt kiệt sức", ông Y Xương Huynh vui mừng.
Voi được thả về rừng đã vui, khỏe hơn - Ảnh: TR.TÂN
Vẫn còn nhiều "điểm nghẽn"
Theo AAF, trong tự nhiên voi dành hơn 12 tiếng mỗi ngày tìm kiếm lượng thức ăn bằng 10% trọng lượng cơ thể của chúng.
Khi phải đứng chờ khách, voi bị xích không thể tự do đi lại, tìm kiếm thức ăn, tắm bùn hay tương tác với các thành viên khác trong đàn.
Trước nguy cơ tuyệt chủng của đàn voi, từ năm 2009 tỉnh Đắk Lắk đã thành lập trung tâm bảo tồn voi nhằm chặn nguy cơ này với nhiều chính sách đi kèm nhưng voi vẫn không sinh sản và chết dần.
Voi vẫn bị cỡi tại Khu du lịch cầu treo Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) - Ảnh: TRUNG TÂN
Mô hình du lịch thân thiện với voi đang triển khai đưa đến niềm hy vọng mới nhưng vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" trong kế hoạch triển khai.
Ông Trần Xuân Phước cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm để đi đến thỏa thuận chung giữa Đắk Lắk và AAF cũng như với người dân.
Tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thành lập ban quản lý dự án, trong đó đầu mối quản lý là trung tâm và đại diện AAF tại Đắk Lắk.
"Tỉnh Đắk Lắk thực hiện việc quản lý nguồn tài trợ không hoàn lại, chuẩn bị các bãi chăn thả, phía AAF sẽ cụ thể các nguồn chi trong năm năm tới", ông Phước nói.
Trong khi đó, đại diện AAF tại Đắk Lắk cho biết đang xúc tiến các bước cuối cùng với tỉnh Đắk Lắk để gói tài trợ của dự án được thực thi, đem đến niềm vui cho voi. Tuy nhiên hai bên chưa thống nhất về bãi chăn thả voi tại huyện Lắk nên đang tiếp tục bàn bạc.
"Về phương thức hỗ trợ, đại diện AAF tại Đắk Lắk cho biết các nài voi, chủ voi tại tỉnh sẽ được hỗ trợ để những chú voi giảm việc phải lao động chở khách du lịch, được về với rừng nhiều hơn, để có không gian sinh sản", vị này nói.
Hỗ trợ đến 400 triệu đồng cho voi sinh sản, vẫn chưa thành công
Số liệu của AAF ghi nhận đến tháng 8-2022, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 37 con voi nhà, trong đó có 22 voi ở huyện Buôn Đôn, 14 voi ở huyện Lắk và 1 voi ở huyện Krông Ana. Con số này đã giảm mạnh so với đầu những năm 1980, với 502 con voi nhà.
"Có nhiều lý do cho sự sụt giảm này như việc bán voi đi các tỉnh thành khác, nạn tấn công voi để trộm ngà và lông đuôi voi, môi trường sống của voi bị thu hẹp và việc khai thác voi quá sức", AAF nhận định.
Trước thực trạng đó, ngày 17-12-2021 HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành nghị quyết sửa đổi chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản và hạn chế xung đột voi với người tại Đắk Lắk.
Theo đó, trong thời gian voi cái mang thai (từ 22 - 24 tháng) và sinh sản, chủ voi có thể nhận khoảng 400 triệu đồng.
Ngoài ra, nài voi chăm sóc voi trong thời gian giao phối, sinh sản, nuôi con được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày, thời gian hỗ trợ 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực.
Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk từ năm 2009 - 2021, có 22 con voi nhà bị chết nhưng chưa có con voi nào được sinh sản thành công dù nghị quyết của tỉnh đã có hiệu lực gần bốn năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận