28/12/2013 21:30 GMT+7

Để sinh viên ở vị trí trung tâm

Q.LINH - L.HOÀI - K.LINH
Q.LINH - L.HOÀI - K.LINH

TT - Sáng 28-12, các diễn đàn của Đại hội Hội Sinh viên toàn quốc lần IX rất sôi nổi với nhiều ý kiến của các đại biểu tại sáu trung tâm thảo luận.

Hội tạo môi trường giúp sinh viên khẳng định

zfljrGTs.jpg
Đại biểu phát biểu bàn về giải pháp giúp xây dựng đạo đức, lối sống, tác phong của sinh viên thời đại mới - Ảnh: Q.L.

Xây dựng đạo đức - lối sống - tác phong của người sinh viên thời đại mới, rèn luyện sức khỏe, tiến công vào khoa học công nghệ, tự tin hội nhập, tình nguyện, xây dựng hội vững mạnh là các chủ đề được bàn thảo tại đại hội lần này.

Xây dựng hình ảnh sinh viên

Khá thẳng thắn, đại biểu Phạm Kiều Hưng (TP.HCM) cho rằng thời gian qua Hội Sinh viên chưa có nhiều giải pháp và cũng chưa tận dụng hết các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, xây dựng đạo đức tốt cho sinh viên. Anh Hưng đề nghị cần phải có dự án nghiên cứu về hành vi sinh viên để cải thiện từ những hành vi nhỏ nhất. “Bao nhiêu sinh viên thấy bạn mình vi phạm trong các kỳ thi và chống lại điều này? Cần phải chống lại sự thờ ơ trong sinh viên với xung quanh, thờ ơ trước cái xấu, dẹp bỏ suy nghĩ chỉ cần tôi tốt là được, còn ai thế nào tôi không quan tâm” - anh Hưng nói.

Bằng quan sát của mình, anh Bùi Nguyên Bảo (Hà Nội) cho rằng sinh viên thế hệ mới hôm nay tiếp nhận truyền thống tốt nhưng tiếp cận với văn hóa ngoại sinh cũng rất nhanh. “Cái tôi trong các bạn hôm nay quá lớn, thích chạy theo giá trị vật chất, vẻ bề ngoài mà đôi khi bỏ tri thức qua một bên. Nên hội phải bảo vệ sinh viên, giúp các bạn nhận diện được mình và phải là cầu nối giữa sinh viên với nhà trường khi tiếng nói của họ chưa đủ mạnh” - anh Bảo đề xuất.

Đại biểu Phạm Chí Công (TP.HCM) mong muốn thay đổi cách truyền giảng các môn học liên quan đến giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cũng như hội phải gần gũi, nắm bắt được suy nghĩ sinh viên và tích cực nêu gương điển hình. Bí thư T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nhìn nhận cùng với giáo dục gia đình thì hội có trách nhiệm lớn trong định hướng, hỗ trợ sinh viên. Anh Phong nói: “Mỗi cán bộ hội cùng suy nghĩ để giúp sinh viên tăng khả năng đề kháng trước cái xấu, biết nhận diện đúng sai để không bước qua lằn ranh ấy”.

Tự tin hội nhập, chủ động tình nguyện

Bàn về vấn đề hội nhập của sinh viên, đại biểu Lê Kim Thảo (Bình Dương) cho rằng đừng đề cập tới điều to tát như hội nhập quốc tế mà nên bắt nguồn từ chính việc hội nhập, hòa nhập ở trường học, ký túc xá, trong môi trường mới khi đi làm. Đại biểu Lê Văn Huyền (Hà Tĩnh) phân tích trong bối cảnh mạng xã hội phát triển hiện nay, nhiều bạn trở thành “anh hùng bàn phím”, “chém gió” rất giỏi nhưng chỉ ẩn danh, thậm chí mạo danh, còn khi hòa mình vào môi trường thực tế thì lại... giấu mặt, không dám thể hiện mình.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Lan (Hà Nội) nói việc tự tin hội nhập của sinh viên chính là thông qua các chương trình giao lưu quốc tế, sinh viên VN thể hiện được tố chất, “đẳng cấp” riêng của mình, tự tin quảng bá về lịch sử, đất nước, dân tộc mình với bạn bè quốc tế. Theo Mai Lan, hội cần phải thêm những chương trình thiết thực hỗ trợ sinh viên kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, làm việc độc lập, tự tin trước đám đông để sinh viên tự tin hơn trong quá trình hội nhập.

Nói về hoạt động tình nguyện, đại biểu Lê Minh Giang (Nghệ An) cho biết mỗi sinh viên tình nguyện ở địa phương bạn đều kiêm luôn công tác dân vận. “Khi chúng tôi đến làm đường nhiều người còn không phối hợp, nhưng cứ vừa làm vừa vận động, họ đã tự giác làm theo” - bạn Lê Minh Giang cho biết. Các năm trở lại đây, phương thức đội hình chuyên đã có hiệu quả nhất định trong hoạt động tình nguyện. Đại biểu Bùi Thanh Toàn (Phú Yên) cho biết nếu trước đây tình nguyện về địa phương chỉ dạy học, múa hát thì với đội hình chuyên, sinh viên trường y phát thuốc, sinh viên sư phạm dạy học, sinh viên giao thông làm đường, lắp bóng điện... hiệu quả công việc được nâng cao rất nhiều.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cùng cho rằng Internet đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động tình nguyện. Bằng chứng là qua Internet, sinh viên nhiều trường đã liên kết và hình thành những nhóm tình nguyện và làm được nhiều việc cho cộng đồng. Tuy vậy, các đội hình tự phát như thế cũng gây nhiều tranh cãi trong các bạn. Đại biểu Phạm Thị Thúy Vân (TP.HCM) chia sẻ: “Muốn các đội tình nguyện tự phát chịu sự quản lý của mình thì mình phải là bạn của họ trước đã. Chúng tôi làm quen, hỗ trợ các bạn vài kỹ năng, cách thức tổ chức sao cho hoạt động chuyên nghiệp hơn. Vậy là tự các bạn tìm đến và sáp nhập với chúng tôi”.

Giúp sinh viên hoàn thiện mình

Trong các nội dung thảo luận, đại biểu đã kiến nghị nhiều vấn đề sát sườn với đời sống sinh viên. Đó là cần đầu tư thêm các sân chơi cho sinh viên, vừa là cách giúp sinh viên giảm bớt căng thẳng, áp lực trong học tập nhưng cũng là môi trường để sinh viên rèn luyện. Các đại biểu cũng mong muốn song song với việc tự học, tự đào tạo thì cần có cơ chế hỗ trợ nhiều hơn cho quá trình nghiên cứu khoa học của sinh viên, để việc nghiên cứu sát thực tế, không lãng phí và cũng là cách chủ động tiến công vào khoa học công nghệ.

Các ý kiến khác đề nghị hội đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động để hình ảnh của hội gần gũi, hoạt động phong phú, đáp ứng đa dạng nhu cầu và hấp dẫn hơn trong mắt sinh viên. Và hội phải thật sự gần gũi hơn nữa để mỗi khi gặp khó khăn, sinh viên nghĩ và tìm ngay đến hội như người bạn đồng hành tin cậy, giúp họ hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Q.LINH - L.HOÀI - K.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên