Theo Bộ Ngoại giao, trưa 1-12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đồng chủ trì phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục đà phát triển tích cực
Tại phiên họp, hai bên đã cùng điểm lại những tiến triển mới trong quan hệ song phương kể từ sau phiên họp lần thứ 14 (vào tháng 7-2022) đến nay.
Hai bên nhất trí cho rằng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua duy trì đà phát triển tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên, nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10-2022.
Ngoài ra còn có các chuyến thăm và trao đổi cấp cao trong năm 2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai...
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ tư trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia.
Đặc biệt, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023.
Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng. Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh.
Một trong những kết quả nữa là hai bên đã hoàn tất đàm phán nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, trong đó có kế hoạch hợp tác thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và con đường".
Bên cạnh đó, hai bên cũng thẳng thắn chỉ ra một số lĩnh vực hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Trong đó có tiến độ triển khai các dự án viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam, việc giải quyết các vướng mắc, tồn đọng kéo dài tại một số dự án hợp tác công nghiệp.
Về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai bên đi sâu trao đổi và xác định một số trọng tâm như tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên nhiều kênh.
Hai bên nhất trí tiếp tục áp dụng các biện pháp hiệu quả, thực chất để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững, lành mạnh.
Tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Hai nước phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong các dự án tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án viện trợ không hoàn lại tại Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp, y tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân...
Đề nghị Trung Quốc tăng thông quan, mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị hai bên phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới Việt - Trung, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho một số loại nông, thủy sản của Việt Nam.
Ông cũng đề nghị sớm hoàn tất thủ tục thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và tham dự các hội chợ, triển lãm lớn tại Trung Quốc.
Phó thủ tướng đề nghị đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt giữa hai bên, thúc đẩy hợp tác du lịch quay trở lại mức như trước dịch COVID-19 và tăng cường hợp tác giữa các địa phương.
Về biên giới trên đất liền, hai bên đánh giá tình hình tổng thể ổn định. Hai bên cũng trao đổi ý kiến thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung cấp cao. Trong đó có thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển đạt tiến triển thực chất.
Ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh hai bên cần kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận