06/06/2015 10:14 GMT+7

​Để không còn cảnh “con kiến kiện củ khoai”

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Tòa án nào giải quyết tranh chấp pháp lý giữa người dân và cơ quan nhà nước? Có nên giao tòa án huyện giải quyết vụ án trong trường hợp người bị kiện là chủ tịch UBND huyện sở tại?

Tương tự, tòa án tỉnh sẽ xét xử thế nào một khi chủ tịch UBND tỉnh bị kiện?...

Xác định tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hành chính là vấn đề tế nhị. Bởi vậy, rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được đưa ra quanh vấn đề này trong khuôn khổ thảo luận về dự thảo Luật tố tụng hành chính sửa đổi.

Nói “tế nhị” là do vấn đề liên quan đến cuộc đôi co, theo giả thiết, giữa một bên là người dân thường và bên kia là cơ quan nhà nước, đại diện bởi quan chức.

Đây là loại án, theo nhận định của giới chuyên gia, đặc trưng bởi tình trạng bất bình đẳng tự nhiên giữa nguyên đơn và bị đơn khiến cho vụ tranh chấp trở nên không cân sức mà trong đó, bên yếu thế là nguyên đơn.

Sự bất bình đẳng trước hết có nguồn gốc từ sự mất cân xứng trong mối tương quan giữa hai bên về phương diện nắm giữ quyền lực. Người bị kiện là một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND chẳng hạn.

Trước pháp đình, dù vào vai người bị kiện, cơ quan nhà nước vẫn có được hình ảnh, uy thế đáng gờm. Uy thế và hình ảnh đó nhiều khi khiến cho bên tranh chấp, thậm chí cả người đứng giữa hai bên, ngoài cuộc, cảm thấy thiếu tự tin.

Bài toán xác định tòa án có thẩm quyền đối với một vụ án hành chính, rốt cuộc là bài toán thiết lập sự cân bằng về thế và lực giữa các bên, sự cân bằng vốn không tồn tại do sự chênh lệch về địa vị xã hội.

Điều quan trọng là phải làm thế nào để trong suốt quá trình diễn ra vụ án, bên bị đơn không có điều kiện áp đặt thế mạnh vốn có của mình đối với nguyên đơn, thế mạnh gắn với việc nắm giữ quyền lực công.

Muốn đạt được điều này thì nhất thiết phải bảo đảm sự độc lập của tòa án hành chính đối với bị đơn. Vì thế mà giao cho tòa án cấp tỉnh quyền xét xử vụ án hành chính mà lãnh đạo huyện là bị đơn là đề nghị đáng để ghi nhận.

Cũng có thể cân nhắc khả năng thành lập tòa án khu vực để tạo điều kiện tách bạch hệ thống cơ quan xét xử và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

Thật ra, việc xác định tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hành chính chỉ góp phần giải quyết vấn đề tương quan về phương diện nắm giữ quyền lực. Người dân còn yếu thế so với cơ quan nhà nước về điều kiện, phương tiện vật chất cần thiết cho việc theo đuổi vụ tranh chấp.

Cơ quan hành chính có đội ngũ công chức, chuyên gia và có ngân sách nhà nước; trong khi người dân thường chỉ có khối tài sản tư của mình.

Trong không ít trường hợp, người khởi kiện từ bỏ vụ án và chấp nhận thua cuộc không phải vì đuối lý mà đơn giản, họ không còn đủ tiền bạc để đi cho đến cùng.

Để giúp người dân khắc phục những điểm yếu này, cần có những quy định thích ứng. Đặc biệt, luật có thể thiết lập nguyên tắc suy đoán có lợi cho người dân.

Khi người dân kiện một cơ quan nhà nước về việc ra một quyết định hành chính gây thiệt hại cho mình thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm chứng minh rằng quyết định đó là có căn cứ, là hợp pháp, hợp lý.

Nếu không tích cực, chặt chẽ và nghiêm túc trong việc lý giải thì cơ quan bị kiện sẽ bị buộc nhận lấy trách nhiệm vật chất theo đòi hỏi của người đi kiện. 

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên