14/05/2018 11:58 GMT+7

Để doanh nghiệp tự chủ tiền lương sẽ tốt hơn?

ĐỨC BÌNH  thực hiện
ĐỨC BÌNH thực hiện

TTO - “Việc để doanh nghiệp tự chủ tiền lương chắc chắn câu chuyện tiền lương sẽ tốt hơn. Tiền lương mang tính thị trường nhiều hơn”.

Để doanh nghiệp tự chủ tiền lương sẽ tốt hơn? - Ảnh 1.

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM với cán bộ, công chức trẻ đầu năm 2018, chị Đào Thị Nga (Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM) cùng nhiều ý kiến khác cho rằng mức lương hiện tại của họ thấp, không đủ trang trải cuộc sống - Ảnh: TỰ TRUNG

Bao trùm nhất vẫn là quan điểm, chủ trương tiền lương phải thực sự là lương, phải tính đúng, tính đủ, không quá thấp. Tiền lương gắn với hiệu quả, chất lượng công việc

PGS.TS NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), nhấn mạnh như vậy về đề án cải cách tiền lương vừa được Hội nghị Trung ương 7 bàn đến.

Sẽ không còn giám đốc nhận lương "khủng"

* Các nguyên lý về cải cách tiền lương đã từng được đưa ra. Theo bà, lần này khác lần trước thế nào?

- Gần đây lương tối thiểu được cải thiện rất tốt, nhưng tốt quá thì cũng có ý kiến rằng ta "đi nhanh quá". Tốc độ tăng lương tối thiểu trong nhiều ngành còn cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động.

Vấn đề còn lại là áp dụng tiền lương tối thiểu theo giờ để đáp ứng sử dụng lao động linh hoạt, bán thời gian, kinh tế "chia sẻ".

Lần cải cách này, chúng ta tiếp tục thực hiện giao quyền cho các doanh nghiệp tự chủ trong lương, Nhà nước không can thiệp sâu vào công tác phân phối của doanh nghiệp.

Cả 4 lần cải cách trước, chúng ta chỉ nói đến định hướng chứ không có nguyên lý cụ thể như lần này. Định hướng là đi theo hướng kinh tế thị trường, nhưng đi theo kinh tế thị trường thì công cụ quản lý phải thay đổi.

Trước kia chúng ta đã từng quy định doanh nghiệp phải nộp báo cáo về hệ thống thang, bảng lương để các cơ quan quản lý duyệt. Quy định này theo lộ trình cũng "cởi" bỏ dần dần. Và đến lần này kiên quyết bỏ hẳn, doanh nghiệp sẽ được tự chủ hoàn toàn về tiền lương.

Đề án đã "nhìn ra" việc Nhà nước không thể quản lý tiền lương của doanh nghiệp đến tận doanh nghiệp. Thực chất đây là sự "trở về" với bản chất thật của vai trò Nhà nước trong cơ chế thị trường, Nhà nước không thể thay doanh nghiệp trong việc quyết định tiền lương.

Cải cách lần này là tốt, khá triệt để đối với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Để doanh nghiệp tự chủ tiền lương sẽ tốt hơn? - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)

* Với sự thay đổi này, theo bà, tình hình sẽ tích cực hơn hay vẫn có tình trạng các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước sẽ nhận mức "lương khủng"?

- Tham nhũng vẫn thường xảy ra ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, ở những nơi quản lý yếu kém, thiếu sự ràng buộc giữa chi phí tiền lương và hiệu quả tiền lương. Quản lý kiểu gì để ông giám đốc nhận lương quá cao, phi thực tế?

Yêu cầu đặt ra là trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, phải kiểm soát chính sách tiền lương. Kiểm soát bằng cái gì? Trước hết phải có tính cạnh tranh - "nhìn ngang", phải so sánh với khu vực thị trường.

Một giám đốc doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc vào quy mô vốn, mức lợi nhuận... như thế nào thì mới có lương cao.

Bên Trung Quốc, họ còn có thêm một quy định "dọc" nữa, đó là tương quan giữa lương ông giám đốc với mức lương trung bình của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Ví dụ lương trung bình của người lao động phải bằng ít nhất 70% lương của ông giám đốc.

Vậy nếu ông giám đốc muốn tăng lương cho ông thì ông phải tăng cho toàn bộ người lao động, mà nếu tăng lương cao quá thì dẫn đến chi phí tiền lương cao, lợi nhuận giảm... nên không thể tăng tiền lương cho bản thân tùy ý được.

Đề án của chúng ta đã nhắc đến vấn đề này nhưng chưa đề cập cụ thể về "tương quan dọc", nhưng tôi tin chắc chúng ta sẽ đi theo hướng như vậy, sẽ có cách để quản lý.

Có thế thì sẽ không có chuyện ông giám đốc nhận lương khủng nữa, vì ông tăng lương cho ông thì ông sẽ phải tăng lương cho tất cả người lao động, vì "nước nổi thì bèo nổi".

Để doanh nghiệp tự chủ tiền lương sẽ tốt hơn? - Ảnh 4.

Hai phương án tăng lương công chức, viên chức năm 2021 - Đồ họa: T.ĐẠT

Đơn vị sự nghiệp: áp dụng dịch vụ công

* Theo bà, đề án này có "đột phá" ở các giải pháp cụ thể, và đó là cơ sở để thành công, không như các lần cải cách trước?

- Đề án có mục tiêu lương cơ sở trong khu vực hành chính sự nghiệp bằng lương tối thiểu trung bình ở khu vực doanh nghiệp. Đây là cái mới nhưng theo tôi, cái này vẫn chưa được vì nó vẫn thể hiện cơ chế tiền lương "2 giá".

Nhà nước quy định có lương cơ sở, trong khi ta đã có lương tối thiểu của thị trường. Đã có lương tối thiểu của thị trường thì tất cả phải căn cứ theo một cái này thôi. Cơ chế 2 giá tiền lương sẽ giảm tính cạnh tranh của khu vực nhà nước với thị trường.

Nếu áp dụng một mức lương cơ sở chung cho cả hệ thống thì mức này sẽ thấp hơn lương tối thiểu của vùng cao nhất (ta đang áp dụng mức lương tối thiểu cho 4 vùng).

Tôi thấy đề án chỗ này chưa được. Nhà nước không nên ban hành chính sách tiền lương "2 giá" - vừa có lương cơ sở vừa có lương tối thiểu.

* Bà có kỳ vọng gì ở đợt cải cách lần này?

- Phải khẳng định tiền lương bây giờ quá thấp, lần này bước đi từ 1,3 triệu lên hơn 4 triệu là một bước đi dài. Nhưng kèm theo đó là vấn đề nguồn để chi trả, điều này có nghĩa cần phải xem lại phạm vi công chức, không phải ai làm trong khu vực nhà nước cũng là công chức.

Khái niệm dư thừa biên chế chỉ tồn tại khi không phân quyền, phân cấp, cứ ở trên ép xuống thì mới có hiện tượng dư thừa biên chế. Còn phân quyền, phân cấp hay khoán thì các cơ quan này sẽ phải bảo đảm biên chế phù hợp với nguồn tiền lương.

Nguồn tiền lương sẽ không giống nhau ở mỗi địa phương. TP.HCM đã có cơ chế riêng, và chính quyền TP này có quyền quyết định về tiền lương đối với công chức của họ.

Trong đề án, việc tạo nguồn trả lương vẫn là Nhà nước là chính, và như thế thì rất khó có nguồn. Để tạo nguồn thì cần phải phân quyền và khoán quỹ lương đối với khu vực hành chính. Còn đối với khu vực sự nghiệp thì áp dụng cơ chế dịch vụ công.

Lương sẽ được trả theo năng lực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ của Bộ Tài chính cho biết trong nghị quyết cải cách chính sách tiền lương vừa được Ban Chấp hành trung ương thông qua, việc cải cách chính sách tiền lương sẽ có bước đột phá với mục tiêu có hệ thống tiền lương khoa học, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí...

Theo đó, đề án cải cách tiền lương sẽ có hiệu lực từ năm 2021, công chức cả nước sẽ được trả lương theo năng lực chứ không như lâu nay là lương trả theo thâm niên, theo bằng cấp.

Điểm mới nổi bật là hệ thống tiền lương mới cho khu vực công sẽ quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Như vậy, sẽ có hai bảng lương cho công chức, một là bảng lương dành cho chức vụ lãnh đạo, một bảng dành cho cán bộ làm công việc thuần túy về chuyên môn.

Mấy năm trở lại đây, theo vị này, khoảng 70% chi thường xuyên được dùng để chi cho con người, trong đó có lương, phụ cấp... Tỉ lệ này là rất lớn trong quy mô ngân sách của chúng ta. Song, công chức luôn kêu là lương không đủ sống.

Để có nguồn cải cách tiền lương thì phải tinh giản biên chế công chức, biên chế đơn vị sự nghiệp công lập.

Với đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện tự chủ để giảm phụ thuộc ngân sách, hay nói cách khác ngân sách tiến tới sẽ không phải trả lương nuôi biên chế ở các đơn vị này nữa.

Còn đối với biên chế công chức, khi trả lương theo vị trí, năng lực thì những cán bộ có năng lực cao sẽ được trả lương xứng đáng, ngược lại những công chức làm việc không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội sẽ phải bị thải loại.

"Ngân sách đã đến lúc không thể nuôi mãi một bộ máy cồng kềnh có những công chức làm việc kém hiệu quả như lâu nay. Do đó, đợt cải cách chính sách lương lần này sẽ khiến khu vực công hoạt động minh bạch, hiệu quả và thực chất hơn" - vị này nhận định.

L.THANH

ĐỨC BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên