24/05/2019 12:18 GMT+7

ĐBQH Dương Trung Quốc: 'Tại sao lại không lobby cho ngành bia rượu?'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Là một trong số không nhiều đại biểu phản đối những quy định siết chặt quản lý bia rượu tại dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, ông Dương Trung Quốc lên tiếng về quan điểm "trái chiều" của mình.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tại sao lại không lobby cho ngành bia rượu? - Ảnh 1.

ĐB Dương Trung Quốc: "Tại sao lại không bảo vệ ngành sản xuất bia rượu nếu đúng?" - Ảnh: B.D.

"Nhiều người bảo là tôi lobby, bảo vệ cho các doanh nghiệp rượu bia, tôi nghĩ rằng tại sao lại không lobby nếu việc lobby đó là chính đáng. Đại biểu Quốc hội tại sao lại không lobby nếu vì mục đích để làm sáng tỏ mọi chuyện? Nếu có hành vi nào mờ ám thì vi phạm pháp luật", đại biểu của tỉnh Đồng Nai nói với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24-5.

"Tai nạn giao thông do rượu hay do người uống rượu?"

* Ông có thể giải thích về những ý kiến mà ông đã phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng 23-5?

Khi bàn về Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, tại sao chúng ta không lắng nghe ý kiến nhiều chiều? Chúng ta đặt ra vấn đề cho chính xác, tại sao lại không bảo vệ ngành sản xuất rượu bia của Việt Nam trong khi ngành này gắn liền với nguồn lao động, nhân lực của đất nước? 

Tôi không trách Bộ Y tế khi là đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật này, vì họ là đơn vị đứng về phía trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân. Nhưng khi soạn thảo luật, Bộ Y tế chỉ nhìn ở góc độ bảo vệ sức khỏe. Tôi cho rằng để tốt nhất soạn thảo luật này phải là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

* Thực trạng rượu bia gây tai nạn giao thông đang rất khủng khiếp, nguyên nhân một phần là từ việc sử dụng chất có cồn này?

Chúng ta cứ nói như thế rồi đổ vấy tất cả cho rượu bia. Đồng ý rằng tai nạn giao thông một phần là do rượu bia, nhưng còn có nhiều nguyên nhân khác như đường sá, công tác đào tạo lái xe... Cái tôi muốn nói ở đây là cách đặt vấn đề, chứ tất cả các giải pháp chế tài thì tôi đều ủng hộ chứ tôi không phản đối luật này.

* Nhưng đa số các vụ tai nạn giao thông xảy ra, khi cơ quan điều tra kết luận thì nguyên nhân là từ việc người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia?

Tôi không tin hoàn toàn việc đó. Nguyên nhân rượu bia chỉ là một phần thôi. Nếu để ý kỹ thì thấy những số liệu rất lủng củng. 

Tôi cũng muốn hỏi rằng xảy ra tai nạn như thế là do rượu hay là do người uống rượu? Nếu tôi uống một cách đàng hoàng mà không bị tai nạn thì sao? Chúng ta phải phân biệt được ở đây rượu là một chuyện, nhưng người uống rượu lại là chuyện khác.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tại sao lại không lobby cho ngành bia rượu? - Ảnh 2.

ĐBQH Dương Trung Quốc - Ảnh: B.D.

"Sao lại không lobby nếu vì bảo vệ cái đúng?"

* Tức là theo ông, dự thảo luật đang đặt sai đối tượng?

Chúng ta phải điều chỉnh hành vi của người uống bia rượu, chứ không phải điều chỉnh hành vi của rượu, bia. Nếu nói cho đúng nhất của luật thì phải là Luật kiểm soát bia rượu, khi đó chúng ta sẽ bàn giải pháp kiểm soát. 

Cái mù mờ nhất của dự thảo luật hiện nay là cứ đưa ra thông tin nhiều nước đã có luật tương tự. Nhưng thử xem có nước nào lại đi làm luật giống như chúng ta đang làm là chống tác hại của rượu bia không? Không ai đi làm thế cả.

Cũng như cách đặt vấn đề rằng Việt Nam đứng thứ ba về sản xuất và tiêu thụ bia rượu. Thế thì đứng đầu, đứng thứ hai là ai? Là Trung Quốc, Nhật Bản - vậy thì hai nước đó có phải kém văn minh, kém tiên tiến hay không? Không hề có. Thậm chí những nước này còn có những nhãn hiệu rượu tầm cỡ quốc tế, trở thành quốc hồn, quốc túy. 

Hiện trạng hậu quả từ bia rượu thì không ai có thể phủ nhận, vấn đề là chúng ta tiếp cận như thế nào. Trách nhiệm của chúng ta là phải kiểm soát được hậu quả đó.

* Nhiều ý kiến nói đại biểu đang đại diện cho nhóm bảo vệ lợi ích ngành bia rượu?

Tôi có thể đại diện cho nhóm bảo vệ ngành bia rượu Việt Nam để nó phát triển đóng góp tích cực, phát triển tích cực. Tôi không e ngại điều đó.

Phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) sáng 23-5 thảo luận về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia:

Theo dõi các phiên thảo luận liên quan đến luật này, tôi cảm nhận được một điều là chúng ta tiếp cận sai, lẽ ra chúng ta phải tiếp cận từ văn hóa. Bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là hơi cực đoan.

Ai cũng nhớ nằm lòng câu thơ của Bác Hồ "Trong tù không rượu, cũng không hoa", để nói con người bị tước đoạt tự do là không được ngắm hoa, không được uống rượu. Trong di cảo của Bác Hồ có rất nhiều bài thơ rất hay về rượu, "khi nghe tin thắng trận lâng lâng như được uống mấy chén rượu", đoó là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này.

Tôi xin nói tôi sẽ thẩm tra lại một văn bản được được lưu truyền ở Quốc hội do Tổ chức Y tế thế giới ở Việt Nam trên bìa đề chữ "Uống rượu, bia có hại cho sức khoẻ". Đấy có phải là thông điệp của thế giới không? Trong khi đó là một văn hóa tồn tại bao nhiêu năm rồi.

Nếu còn nhìn ở góc độ đó chúng ta sẽ mãi mãi đi vào sự không thực tế, không khả thi và đi ngược lại xu thế chung.

Tôi hoàn toàn tán thành đây là luật rất cần có lúc này, chúng ta cần nhận thức được tất cả những tác hại mà mặt trái của rượu, bia, thậm chí cá nhân tôi đề nghị chế tài còn nặng hơn nhưng chúng ta nên coi năng lực quản lý là hàng đầu.

Hình như cách đặt vấn đề của chúng ta né tránh mặt yếu nhất của chúng ta là năng lực quản lý, năng lực kiểm soát, kiểm soát của nhà nước và mỗi một con người tự kiểm soát mình, từ vấn đề sản xuất, tiêu thụ, sử dụng. Nếu chúng ta được làm như thế thì sẽ bền vững, đồng thời vẫn khai thác được mặt tích cực của bia, rượu trên thị trường cũng như trong đời sống.

Câu hỏi lần trước tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế chưa trả lời, chúng ta xếp thứ ba, vậy thứ nhất, thứ hai là ai, họ có phải là những nước lạc hậu không. Liệu Bộ Y tế còn sản xuất rượu bổ không, liệu tất cả những sản phẩm có gắn hình ảnh tai nạn giao thông và các căn bệnh vì rượu như chúng ta đối xử với với thuốc lá hay ma túy.

Tôi rất mong rằng chúng ta hết sức tỉnh táo để có cách đặt vấn đề đúng đắn, có hiệu quả, có lộ trình, có thể lúc ban đầu hiệu ứng còn hạn chế, ta nâng dần lên. Tôi xin nói là nếu chúng ta thông qua thì việc đầu tiên là thôi xem bóng đá, vì Heineken là nhà tài trợ cho bóng đá ngoại hạng Anh và bóng đá thế giới.

Người dân rất cần sức khỏe nhưng họ vẫn sẵn sàng thức đêm xem đá bóng và họ mong muốn có đá bóng, truyền hình trung ương bỏ cả triệu đôla để đáp ứng người dân. Sức khỏe không chỉ thuần túy là sức khỏe về thể trạng mà còn sức khỏe về tinh thần, chất lượng sống.

Chúng tôi mong chúng ta nhìn nhận một cách hết sức khách quan, phù hợp với xu thế, đừng cực đoan, đừng cục bộ vì nó sẽ không có hiệu ứng xã hội.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia bị Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia bị 'yếu đi' như thế nào?

TTO - Một số giải pháp "mạnh" ở các dự thảo trước của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia bị bỏ hoặc giảm nhẹ ở dự thảo mới trình ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, trong khi các vấn nạn xã hội có nguồn gốc từ rượu bia ngày càng phức tạp.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên